Trong vài năm qua, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều công ty cắt giảm lao động. Thay vì cố gắng bấu víu nơi xứ người, nhiều lao động nữ chọn cách quay về địa phương, ổn định cuộc sống trên mảnh đất quê hương.
Tại xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, với nỗ lực của bản thân, sự khuyến khích, động viên và hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, nhiều chị em hội viên trở về địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trước đây, vợ chồng chị Phù Mỹ Ảnh, ấp Tân Ðức A, từng đi lao động xa nhà. Khi trở về, với 1 công đất được ba mẹ để lại, chị cùng chồng trồng hoa màu. Mùa nắng, chị trồng dưa hấu, dưa leo, đậu đũa... Mùa mưa trồng dưa gang, chuối, bắp... bán sỉ và bán lẻ tuỳ theo thu hoạch từng vụ.
Chị Ảnh cho biết: “Lúc trước đất trũng lắm, vợ chồng tôi phải tốn nhiều công sức làm đất để trồng trọt. Mô hình này không tăng thu nhập nhiều nhưng phụ thêm nguồn thu cho gia đình. Thời gian rảnh, tôi có thể muối dưa gang, làm chuối khô... để bán thêm. Nhà có khoảng 3 công vuông, có đồng ra đồng vào nên cuộc sống cũng ổn”.
Chỉ 2 năm trồng hoa màu theo vụ, chị Ảnh thu nhập thêm khoảng 10 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Số tiền này đủ cho chị trang trải tiền điện, tiền nước và các chi tiêu trong gia đình. Niềm vui với vợ chồng chị là không phải đi làm ở tỉnh khác, vừa xa nhà lại vừa không chăm sóc được các con.
Không đất canh tác, sẵn có nghề gác chim, vợ chồng chị Ðinh Thị Nhung, ấp Tân An, chọn mô hình nuôi chim. Tới mùa, vợ chồng chị đi tìm trứng chim giống trong thiên nhiên mang về ấp, chim mồi sẽ kêu lên và gọi những con chim khác bên ngoài quay về. Không hề dễ dàng, phải mất 2-3 năm mới gây dựng nên mô hình như thế. Giá bán tuỳ loại, có con từ 200-300 ngàn đồng, có con giá từ 1 triệu đồng trở lên.
Phụ nữ xã Tân Ðức học hỏi mô hình nuôi chim với nguồn giống từ thiên nhiên của chị Ðinh Thị Nhung.
Chị Nhung chia sẻ: “Tôi và ông xã dùng chim gác để dụ chim từ thiên nhiên vào mà bắt, từ đó tạo nguồn giống tự nhiên. Bồ câu nuôi mỗi con chỉ đẻ có 2 trứng, tôi cho chúng ấp và nuôi tiếp. Còn chim trích thì lấy trứng ngoài đồng cho bồ câu ấp, khi nở ra thì nuôi riêng trong lồng”.
Theo chị Nhung, nghề nuôi chim cần sự kiên trì. Con giống là tự tạo, chỉ tốn tiền thức ăn và nước uống. Chị Nhung mạnh dạn vay 20 triệu đồng để làm thêm lồng, thêm con giống từ thiên nhiên... Chị Nhung chia sẻ: “Hiện tại, mô hình này ít người làm, mà nhu cầu nuôi chim kiểng cũng nhiều, chim thịt bán cho quán ăn cũng rất được giá. Quan trọng là phải kiên trì huấn luyện chim mồi để canh và bắt thêm chim khác”.
Hiện tại, hội viên phụ nữ xã Tân Ðức phát triển rất nhiều mô hình như: trồng hoa màu, nuôi chim, cá cảnh, làm bánh gia truyền... để tăng thu nhập cho gia đình.
Chị Hoàng Thị Nhật, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, cho biết: “Với những mô hình nhỏ như: may gia công, nuôi chim, trồng hoa màu... chị em phụ nữ ở tại địa phương có được việc làm, có thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng, chị nào giỏi có thể kiếm được khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Bây giờ, phụ nữ có xu hướng quay về địa phương để gầy dựng sự nghiệp bằng công việc tại chỗ. Hội cũng hỗ trợ nguồn vốn, đầu ra để các chị em có động lực và nỗ lực hơn trong sản xuất, để sinh hoạt, lao động ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn, thay vì phải xa xứ chật vật”./.
Lam Khánh