Trước đây, bánh tét miền Tây thường được gói đơn giản, nếp với nhân chuối hoặc nhân đậu mỡ. Hiện nay, để phù hợp với thị hiếu người dùng, khi cuộc sống ngày càng phát triển và sung túc hơn, món bánh tét được biến tấu nhiều màu sắc, hương vị phong phú hơn.
Bánh tét là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người miền Tây Nam Bộ, trước là để dâng cúng ông bà tổ tiên, sau là để con cháu đoàn tụ thưởng thức món bánh ngon truyền thống. Xã hội phát triển, trong nhịp sống bận rộn ngày nay, không còn nhiều gia đình tự tay làm bánh mỗi khi Tết đến, xuân về. Theo đó, có những hộ chuyên làm bánh bán ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Như gia đình bà Trần Thị Thuỷ ở xã Tân Trung, huyện Ðầm Dơi, cứ mỗi độ Tết đến lại tất bật gói bánh tét bán. Từ khoảng Rằm tháng Chạp, mỗi ngày bà gói trên dưới 100 đòn bánh bán cho khách gần xa đặt hàng. Sau ngày cúng ông Táo (23 tháng Chạp), khách mới đặt nhiều để cúng ngày đưa rước ông bà và cúng giao thừa, nên mỗi ngày bà gói từ 300 đòn. Con gái lớn của bà từ TP Hồ Chí Minh về gói bánh phụ mẹ, bà rủ thêm mấy chị em trong xóm tới gói phụ và trả công. Tiếng nói cười rôm rả, không khí ấm nóng bên bếp lửa xào nếp, hấp bánh luôn tay.
Nếp xào với nước cốt dừa để bánh tét dẻo, thơm, béo hơn.
Cứ mỗi độ Tết đến, gia đình bà Trần Thị Thuỷ lại tất bật với công việc gói bánh tét bán Tết.
Bánh tét của gia đình gói rất cầu kỳ với nhiều hương vị, màu sắc bắt mắt nên được khách ưa chuộng. Phần vỏ bánh là nếp ngâm màu tím từ lá cẩm, màu xanh từ lá dứa, màu cam từ trái gấc; nhân mặn thì có đậu, thịt, mỡ, trứng muối; nhân ngọt có chuối xiêm chín. Quy trình làm rất công phu và tỉ mỉ, từ khâu chọn nguyên liệu đến xào nếp, làm nhân. “Phải chọn nếp loại ngon, hạt nhỏ, ngâm từ đêm hôm trước, đến khuya thì xào nếp với nước cốt dừa cho béo; đậu hấp chín, tán mịn; chuối chín, thịt mỡ, tất cả được nêm nếm một ít gia vị cho vừa ăn. Gói bánh phải chặt tay, luộc từ 6-8 tiếng”, bà Thuỷ chia sẻ.
Bánh tét gói trọng lượng trên 1 kg/đòn, nên phải luộc từ 6-8 tiếng.
Bánh tét sau khi luộc chín thì treo lên sào cho ráo. Khi ăn cắt ra, khoanh bánh tròn đều, bốn màu nổi bật: bên ngoài nếp xanh, tím, cam, nhân thì vàng hoặc đỏ. Vị mặn, bùi của trứng muối, vị béo của thịt mỡ, vị thơm ngọt của đậu, nếp dẻo ngâm với lá cẩm, trái gấc, lá dứa, tất cả hoà quyện trong khoanh bánh tét. Không chỉ bán lẻ, sỉ ở Cà Mau mà gia đình bà Trần Thị Thuỷ còn có lượng khách hàng ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai đặt đơn với số lượng sỉ.
Bánh tét từ màu tự nhiên, hoà quyện nhiều hương vị lạ miệng, thơm ngon.
Từng đòn bánh tét được hút chân không, để điều kiện bình thường được 1 tuần, giao cho khách lẻ, sỉ trong và ngoài tỉnh.
Bánh tét thường ngày cũng dễ tìm mua ở những khu chợ truyền thống. Thế nhưng, phong tục gói bánh tét ngày Tết, ăn bánh tét ngày Tết lại mang một hương vị tròn đầy hơn. Bánh tét là bánh Tết, thưởng thức không chỉ bằng vị giác, mà bằng tình cảm khi được quây quần gói, cúng ông bà, biếu bà con ăn lấy thảo, rồi quây quần, sum họp, đoàn tụ ngồi ăn bánh, hỏi thăm nhau về một năm đã qua và kỳ vọng, mong ước về một năm mới tốt đẹp, thành công.
Thảo Mơ