ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 19-11-24 07:26:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tàu “3 không” cần trợ lực

Báo Cà Mau Là địa phương có số lượng tàu đánh bắt thuỷ hải sản lớn nhất của tỉnh, nhằm chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho đợt thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC), thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, chỉ đạo cả hệ thống chính trị phối hợp với cơ quan chuyên môn tháo gỡ khó khăn, triển khai cao điểm các biện pháp đồng bộ chống khai thác IUU. Tuy nhiên, hiện nay địa phương đang gặp khó khăn với loại hình tàu cá “3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác). Nhiều phương tiện hiện gặp khó trong khâu đăng ký, đăng kiểm, đang cần được hỗ trợ.

Thị trấn Sông Ðốc hiện có 1.115 tàu khai thác đánh bắt thuỷ sản. Trong đó, 76 tàu nhỏ từ 6 đến dưới 12 m; 360 tàu có chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m, 624 tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m; có 55 tàu trên 24 m. Hiện 100% tàu cá thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đã lắp đặt.

Thời gian qua, UBND thị trấn Sông Ðốc phối hợp chặt với các đơn vị thực thi pháp luật trên biển: Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển... chủ động nắm chặt tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tàu cá khi xuất nhập bến, tàu đang hoạt động trên biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm quy định về VMS.

Qua ghi nhận, hiện trên địa bàn còn gần 50 tàu “3 không”, chưa đăng ký, đăng kiểm lại, vì nhiều nguyên nhân. Ông Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản Sông Ðốc, cho biết: “Trên địa bàn thị trấn có nhiều tàu cá “3 không”, qua tuyên truyền, vận động, đã có 9 phương tiện đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm và có giấy phép hoạt động. Số còn lại vẫn nằm ụ vì chưa thể hoàn tất thủ tục. Hiện các gia đình này đang gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện mưu sinh”.

Cà Mau tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tàu cá “3 không”.

Cà Mau tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tàu cá “3 không”.

Như hộ ông Lê Tấn Dũng, Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, vì không có điều kiện sắm phương tiện riêng, nên ông Dũng đi quản lý tàu cho anh ruột là ông Lê Tấn Ngoan, ngụ cùng khóm. Do ảnh hưởng của cơn bão Linda (năm 1997), phương tiện của ông Ngoan hư hỏng nặng, được Nhà nước hỗ trợ vay tiền sửa chữa phương tiện, tiếp tục ra khơi đánh bắt.

"Từ khi sửa chữa lại phương tiện, vì sức khoẻ của anh không đảm bảo nên tôi đứng ra thay anh quản lý phương tiện. Năm ngoái anh tôi mất, giấy tờ thì đầy đủ nhưng tôi không đăng ký, đăng kiểm được, vì theo quy định, chính chủ mới đủ thẩm quyền để làm thủ tục. Giấy tờ hết hạn, phương tiện nằm ụ mấy tháng nay”, ông Dũng nói.

Hay hộ bà Châu Thị Ðặng, ngụ Khóm 1, cũng chung cảnh ngộ. Vợ chồng bà trước đây không có phương tiện khai thác nên mẹ của bà Ðặng thuê phương tiện của người khác cho vợ chồng bà có cơ sở làm ăn. Lâu dần, chủ phương tiện ngỏ lời bán lại cho mẹ bà Ðặng luôn. Vậy là hai bên thương lượng, rồi bên giao tiền, bên nhận phương tiện, làm ăn cho tới thời điểm hiện tại.

Bà Ðặng bộc bạch: “Trước đây, việc kiểm tra không nghiêm ngặt nên giấy tờ đăng ký dễ, nay theo quy định cần có chính chủ mới đăng ký được. Nhưng người bán đã mất, giấy tờ, thủ tục sang nhượng không có, nên hơn 7 tháng nay phương tiện nằm bờ. Bán đi cũng không được, ra khơi khai thác thì cũng không, phương tiện đậu bờ lâu ngày lại hư hỏng, chúng tôi giờ không biết phải làm sao”.

Những chủ tàu cá “3 không” đa phần thu nhập phụ thuộc chính vào các phương tiện này. Ðể phương tiện nằm ụ thời gian dài, các hộ này rơi vào cảnh khó khăn.

Các chủ tàu của tàu “3 không” đang cần được trợ giúp.

Ông Dũng trần tình: "Giấy tờ gốc của phương tiện nằm trong ngân hàng mấy chục năm nay rồi. Giờ muốn lấy ra sang nhượng cho người khác thì phải trả phần tiền đã vay gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, giá trị hiện tại của phương tiện cũng không tới giá đó. Trước thực trạng này, tôi cũng đã làm đơn yêu cầu gửi ban lãnh đạo ngân hàng chi nhánh Sông Ðốc xin được lấy giấy tờ ra để bán phương tiện trả nợ, bán được bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, chứ để càng lâu, nợ càng đẻ lãi, không thể trả nổi”.

Về vai trò của Hiệp hội Thuỷ sản Sông Ðốc, ông Thức chia sẻ: “Tôi đã phối hợp với Chi cục Ðăng kiểm để xin hỗ trợ cho người dân, bên Chi cục cũng có xuống, nhưng theo quy định thì cần phải chính chủ mới đăng ký được. Hầu hết các phương tiện sang bán lâu năm, có người không còn ở địa phương, có hộ không liên lạc được, nên đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Thiếu tá Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, cho biết: “Có nhiều phương tiện xin được hỗ trợ cho ra khơi khai thác, nhưng quy định đã rõ ràng, biết dân khó nhưng không thể làm sai quy định được”.

“Phía địa phương cũng kiến nghị ngành chức năng xem xét hỗ trợ các chủ phương tiện này, nếu có giấy tờ chứng thực người này đã dùng phương tiện khai thác lâu năm thì có thể cho người chủ hiện tại đứng ra làm giấy tờ đăng ký, đăng kiểm hay không? Chứ nếu nói về câu chuyện cải hoán để vươn xa hơn, thì hiện tại các phương tiện này không đủ điều kiện về kinh tế để nâng cấp, cải hoán”, ông Thức trần tình.

Phòng, chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, là mục tiêu của tỉnh để cùng với cả nước chung tay tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Ổn định đời sống của người dân cũng là vấn đề then chốt và những hộ dân có tàu “3 không” đang cần trợ giúp để sớm được ra khơi khai thác, mưu sinh./.

 

Kim Cương

 

Nguồn lợi thuỷ sản được khôi phục

Thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định về nghiêm cấm sử dụng hoá chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ và ngành nghề khai thác có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ, hải sản; các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Ðầm Dơi tập trung nhiều biện pháp, đạt kết quả tích cực.

Chống khai thác IUU từ sự đồng thuận của ngư dân

Thị trấn biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, đang tập trung quyết liệt cho các đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ông Nguyễn Văn Giang, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, khẳng định: “Công tác chống khai thác IUU phải được làm từ sớm, từ bờ và cần sự đồng thuận của ngư dân. Kiên quyết phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, tổ chức ký cam kết không vi phạm khai thác IUU”.

Cả hệ thống chính trị thực hiện Chỉ thị 17

Ðến nay, các huyện, TP Cà Mau và đơn vị có liên quan đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (Chỉ thị 17), về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 15/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác NLTS có tính huỷ diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai, thực hiện chủ trương này.

Lan toả phong trào bảo vệ, khôi phục nguồn lợi thuỷ sản

“Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả tích cực ban đầu, tạo thành phong trào và nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, trách nhiệm toàn dân trong chống khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt, tận diệt trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đánh giá qua thời gian thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17-CT/TU, ngày 26/2/2024, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt, tận diệt trên địa bàn tỉnh.

Tuyên truyền mạnh, quản lý chặt

Thiếu tá Nguyễn Văn Lượm, Ðồn trưởng Ðồn biên phòng (ÐBP) Khánh Tiến, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, cho biết: “Xác định công tác chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần cùng với địa phương và cả nước từng bước tiến tới gỡ thẻ vàng của EC, thời gian qua, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên, nhất là việc đẩy mạnh tuyên truyền các quy định trong chống khai thác IUU. Ðặc biệt là trong thời gian gần đây, đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 04, ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao, hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển thuỷ sản trái phép”.

Ðưa Nghị quyết 04 đến với ngư dân

Thời gian qua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Cà Mau tích cực thực hiện nhiều biện pháp để ngư dân chấp hành tốt Nghị quyết số 04/2024/NQ-HÐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao, về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thuỷ sản.

Khai thác đi đôi với bảo tồn

Từ tuyên truyền vận động, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cho đến thành lập tổ quản lý cộng đồng, tổ chức phát động phong trào thi đua ở cả 3 cấp, tiến hành các hoạt động bảo tồn khôi phục nguồn lợi cá đồng... đó là hàng loạt giải pháp đã được triển khai nhằm mục tiêu ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thuỷ sản (KTTS) có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh.

Cùng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Thời gian qua, các ngành, đơn vị, địa phương chức năng đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về ngăn chặn khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh khá chặt chẽ, đạt kết quả khả quan.

Quyết tâm bảo vệ nguồn lợi cá đồng

“Thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Chỉ thị số 10 của Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương đã ra quân quyết liệt, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Ðặc biệt, các đoàn thể giữ vai trò nòng cốt, công an là chủ công. Xã đã xây dựng văn bản, kế hoạch phát động phong trào thi đua, làm sao nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo vệ nguồn lợi cá đồng là chính, chứ không phải xử phạt là chính”, ông Trần Hữu Trí, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, cho biết.

Mở cao điểm chống khai thác IUU

Quyết liệt chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cũng như chuẩn bị làm việc với Ðoàn Thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC), trong tháng 9, tỉnh Cà Mau mở đợt cao điểm chống khai thác IUU trên địa bàn. Trong đó, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ số hoá từng phương tiện thuộc nhóm nguy cơ cao; đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kể cả tàu “3 không”, tàu hết hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép. Xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm hình sự, vi phạm hành chính liên quan đến IUU.