Những tháng đầu năm 2015, số vụ vi phạm ngư trường khai thác vùng biển nước ngoài tăng cao. Lỗi xâm phạm của họ không những bị luật pháp nước ngoài phạt nặng mà còn ảnh hưởng đến uy tín cũng như công tác đối ngoại của quốc gia.
Những tháng đầu năm 2015, số vụ vi phạm ngư trường khai thác vùng biển nước ngoài tăng cao. Lỗi xâm phạm của họ không những bị luật pháp nước ngoài phạt nặng mà còn ảnh hưởng đến uy tín cũng như công tác đối ngoại của quốc gia.
Từ đầu năm đến nay, Cà Mau có 16 vụ tàu cá vi phạm ngư trường nước ngoài, với 28 tàu và 169 thuyền viên. Các tàu chủ yếu bị Thái Lan và Malaysia bắt giữ. Malaysia bắt giữ 3 vụ, 4 tàu và 35 thuyền viên. Thái Lan bắt 13 vụ, 24 tàu, 134 thuyền viên. So cùng kỳ, số vụ vi phạm ngư trường nước ngoài bị bắt giữ tăng 13 vụ, tăng 24 tàu và tăng 132 thuyền viên. Việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản ở nước ta diễn ra quanh năm, nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, ngư trường một số nước lân cận quy định thời gian khai thác cụ thể, bảo đảm cho nguồn thuỷ sản tái sinh, trữ lượng tôm, cá dồi dào đã tạo sức hấp dẫn đối với ngư dân nước ta.
![]() |
Mặc dù Đội Kiểm ngư thị trấn Sông Đốc tăng cường kiểm tra, nhưng việc vi phạm ngư trường nước ngoài vẫn tăng hằng năm. |
Mặt khác, nhiều ngư dân chuyển đổi sang cào banh long nên nguồn lợi banh long ở Việt Nam hiện nay không còn nhiều. Một số ghe di chuyển sang vùng biển Thái Lan để cào banh long và bị Thái Lan bắt giữ. Trung uý Phan Văn Kịp, Ðội trưởng Ðội Vận động quần chúng, Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Số phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài tăng cao so cùng kỳ. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lợi thuỷ sản ven bờ suy kiệt, khai thác trong nước kém hiệu quả. Người dân chuyển sang nghề cào banh long do nguồn lợi này hiện ở nước ngoài còn khá lớn”.
Thời gian qua, Ðồn Biên phòng Sông Ðốc đã tổ chức 3 buổi tuyên truyền cho ngư dân và chủ phương tiện không đánh bắt vi phạm ngư trường nước ngoài, có hơn 300 ngư dân tham gia. Mục đích tuyên truyền là vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền vùng biển nước ta và không vi phạm vùng biển các nước. Trung uý Phan Văn Kịp cho biết thêm: “Ngoài tuyên truyền tập trung (phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản), đơn vị còn tổ chức tuyên truyền nhỏ lẻ (thông qua các lần quản lý phương tiện ra vào cửa biển). Tuy nhiên, do chủ thuyền giao quyền cho thuyền trưởng, nếu khai thác được sản lượng nhiều thì việc chia lợi nhuận được nhiều nên tình trạng vi phạm ngư trường đánh bắt vẫn còn xảy ra”.
Rõ ràng, nguyên nhân không phải do tuyên truyền chưa sâu, rộng mà do chế tài chưa nghiêm, mức xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ông Bùi Tấn Thanh, chủ phương tiện câu mực ở thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: “Chúng tôi không đốc xúi tài công vi phạm trong khai thác, nhưng vì chúng tôi không trực tiếp lái tàu nên khi phát hiện thì đã bị bắt rồi. Ngư trường nước ngoài đánh bắt 6 tháng/năm, còn ngư trường mình bị khai thác quanh năm nên nguồn lợi không còn. Ngư phủ muốn chia được lợi nhuận nhiều nên mới vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Ða số phương tiện khai thác thuỷ sản không có chủ đi theo ghe. Chủ phương tiện khoán cho các tài công đi đánh bắt, lợi nhuận được chia theo phần trăm sản lượng đánh bắt được. Do đó, tài công thường hám lợi vi phạm ngư trường nước ngoài để đánh bắt được nhiều hơn, được chia lợi nhuận nhiều hơn.
Vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác thuỷ sản đang là vấn đề bức xúc hiện nay./.
Bài và ảnh: Tâm Như