Với nhiều công trình, dự án, giải pháp đã và đang được triển khai nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển, mục tiêu xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững trong vùng và của cả nước vào năm 2030 dần trở thành hiện thực.
- Năng động kinh tế biển
- Tạo bứt phá trong phát triển kinh tế biển
- Ðẩy mạnh thu hút đầu tư vào kinh tế biển
Bờ biển dài, ngư trường rộng và nguồn lợi phong phú, nhiều loài có giá trị kinh tế cao... đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành kinh tế biển. Tại khu vực ven biển, trên biển của tỉnh thời gian qua có nhiều hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên biển để phát triển kinh tế - xã hội, như lĩnh vực hàng hải, du lịch, năng lượng tái tạo; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá... Trong đó, khai thác thuỷ sản từ lâu đã khẳng định vị thế, vai trò, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế tỉnh.
Vùng biển Cà Mau nằm trong vùng biển Tây Nam Bộ, tiếp giáp với nhiều nước như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế hàng hải, đây sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nếu được đầu tư đúng mức. Ngoài ra, trên vùng biển Cà Mau đã phát hiện có trữ lượng dầu khí khá lớn, đây là nguồn tài nguyên quý của đất nước, mở ra nhiều triển vọng khai thác và phát triển mạnh công nghiệp dầu khí.
Sông Ðốc được đầu tư hạ tầng nghề cá khá cơ bản, với cảng cá, khu neo đậu và hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp và cửa hàng phục vụ nghề khai thác.
Cà Mau cũng là vùng đất hội tụ nhiều tài nguyên du lịch biển đảo, vừa đa dạng, phong phú, lại vừa có sự khác biệt, đặc điểm riêng. Chỉ riêng vị trí địa lý điểm cực Nam của Tổ quốc đã là một lợi thế để tạo sự đột phá phát triển cho ngành du lịch. Ðó là chưa kể đến đặc trưng riêng có của Cà Mau: tỉnh duy nhất cả nước có 3 mặt giáp biển (cả biển Ðông và biển Tây); có các cụm đảo gần bờ như: Hòn Khoai, Hòn Chuối, hòn Ðá Bạc; có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ, là 2 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau; các lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hoá miền biển, đặc trưng vùng sông nước..., tất cả đều là thế mạnh của du lịch Cà Mau, có sức hấp dẫn du khách...
Sản lượng thuỷ sản nơi cửa sông Ông Ðốc, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời mỗi năm thu về hàng ngàn tấn, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh. Ảnh: H NHUNG
Không chỉ vậy, vùng biển Cà Mau còn thuận lợi cho phát triển các nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện sóng. Theo đánh giá, tổng công suất các nguồn điện gió tiềm năng là 15,3 GW (khoảng 8,5 GW điện gió ngoài khơi và khoảng 6,8 GW điện gió gần bờ, trên bờ). Ngoài ra, tỉnh còn có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời, điện khí, với tổng công suất tiềm năng khoảng 2,85 GW...
Tại Hội thảo khoa học chủ đề “Tiềm năng và giải pháp phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau đến năm 2030”, được tỉnh tổ chức mới đây, ThS Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh), nhận định, Cà Mau có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo nhờ vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi. Việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch không chỉ giúp tỉnh đạt được các mục tiêu về môi trường, mà còn góp phần tăng cường khả năng xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản có chứng nhận bền vững, từ đó nâng cao vị thế của tỉnh trên thị trường quốc tế.
Ðể khai thác lợi thế phát triển bền vững kinh tế biển, Tỉnh uỷ đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động số 40-CTr/TU, ngày 30/6/2020. Qua 5 năm thực hiện, kinh tế biển của tỉnh tiếp tục có bước phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thông tin, với mục tiêu phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm tận dụng lợi thế và tiềm năng sẵn có, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân. Ðịnh hướng trong phát triển kinh tế biển của tỉnh là khai thác đi đôi với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, tập trung khai thác các loại hình du lịch, nhất là biển, đảo.
Với mục tiêu đó, thời gian qua, tỉnh quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh, trú bão, kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá. Thực hiện quyết liệt công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ven biển; theo đó, hệ thống đê biển, đê sông, kè sông, kè biển, hạ tầng phục vụ nghề cá... và nhiều công trình khác được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Hiện nay, nhiều nhà máy, xí nghiệp được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, máy móc trong chế biến thuỷ hải sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.Ảnh: H NHUNG
Tỉnh đã xây dựng và đang triển khai nhiều chương trình, đề án, với mục tiêu vừa bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển, góp phần nâng cao đời sống người dân, vừa để bảo vệ chủ quyền biển đảo... Cụ thể như: Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau; thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau với tổng diện tích 27.000 ha; Kế hoạch Phát triển nuôi hải sản trên biển và ven biển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030...
“Sở đang kết hợp với các cơ quan, các chuyên gia và chính quyền địa phương, tiếp tục rà soát những khó khăn, hạn chế, xác định nguyên nhân, từ đó xây dựng giải pháp thực hiện phù hợp, để kinh tế biển có bước chuyển biến rõ nét hơn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030”, ông Bằng cho biết thêm.
Công nhân Công ty TNHH MTV Quốc Ðạt (Sông Ðốc) thực hiện các bước trong quy trình sơ chế, chế biến thuỷ hải sản. Ảnh: H. NHUNG
Cà Mau đang nỗ lực lớn, quyết tâm cao cho mục tiêu hiện thực hoá khát vọng vươn ra biển, làm giàu từ biển. Theo ThS Lê Thanh Hải, để trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển của cả nước, đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Cà Mau cần tăng cường thu hút đầu tư để hình thành hệ sinh thái nuôi trồng và chế biến thuỷ sản công nghệ cao, bền vững, đây là yếu tố chiến lược để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển.
ThS Lê Thanh Hải nhận định, với lợi thế vị trí địa lý và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Cà Mau có thể phát triển thành trung tâm thuỷ sản hàng đầu của cả nước và khu vực./.
Nguyễn Phú