ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 17:35:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thách thức khi chuyển nợ vay ngân hàng

Báo Cà Mau Từ ngày 1/9/2023, Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực, cho phép khách hàng cá nhân được vay vốn tại ngân hàng này trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp khách hàng có cơ hội tiếp cận khoản vay với lãi suất thấp hơn, giảm áp lực tài chính. Tuy nhiên, khách hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định chuyển nợ, đảm bảo đáp ứng các điều kiện của cả ngân hàng cũ và ngân hàng mới.

Cần tài sản thế chấp khác

Theo quy định, việc chuyển nợ ngân hàng này qua ngân hàng khác mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, vì khách hàng có thể lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp. Khách hàng có thể được ngân hàng mới ân hạn nợ gốc trong một thời gian nhất định, giúp giảm áp lực tài chính trong ngắn hạn. Ðồng thời, có thể đàm phán với ngân hàng mới thay đổi các điều khoản vay như thời gian vay, lãi suất, phí phạt trả nợ trước hạn... Cụ thể, nếu khách hàng đang có khoản vay thế chấp với lãi suất 12%/năm, thời gian vay còn lại là 10 năm. Khi khách hàng chuyển nợ sang ngân hàng khác có lãi suất 10%/năm, thời gian vay còn lại là 15 năm, thì khách hàng có thể đàm phán với ngân hàng mới để giảm phí phạt trả nợ trước hạn từ 3% xuống 1%.

Tuy nhiên, việc chuyển nợ này chỉ thuận lợi khi khách hàng chuyển thành công khoản nợ thế chấp của mình sang ngân hàng khác, phần lớn khách hàng đều chưa đáp ứng tiêu chí có tài sản đảm bảo khác để thế chấp tại ngân hàng mới theo quy định của các ngân hàng, giống như khởi tạo một khoản vay mới.

Gia đình anh T.V.T (huyện Ðầm Dơi) vay ngân hàng để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Tiền vay giải ngân theo tiến độ, mức lãi suất của khoản vay gần nhất khoảng 13%/năm, dư nợ còn 1,5 tỷ đồng. Hiện mỗi tháng gia đình anh phải trả lãi hơn 19 triệu đồng. Với mong muốn được giảm áp lực trả lãi, anh T đã tìm hiểu chính sách tại một loạt ngân hàng để chuyển nợ sang ngân hàng khác cho nhẹ lãi suất và câu trả lời là không thể chuyển vì anh T không có thêm tài sản khác để thế chấp sang ngân hàng mới.

“Tôi vừa liên hệ một số ngân hàng chuyển khoản vay để giảm bớt lãi suất, nhưng tôi thấy thủ tục vay khá phức tạp. Ngoài tài sản đang thế chấp, tôi còn phải có thêm một tài sản khác để thế chấp khi chuyển qua ngân hàng mới. Thêm nữa, một số quy định như bắt buộc mua bảo hiểm khoản vay cũng gây khó khăn cho tôi. Tôi thấy rằng, các quy định này có thể gây ra một số bất lợi cho khách hàng. Nếu khách hàng chỉ có một tài sản để thế chấp, thì sẽ không thể vay vốn. Hoặc, nếu khách hàng không muốn mua bảo hiểm khoản vay, thì sẽ bị hạn chế số tiền vay được. Tôi mong các ngân hàng xem xét lại các quy định này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng”, anh T chia sẻ.

Thách thức cho cả 3 bên

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng đầu tiên kể từ khi Thông tư 06 có hiệu lực, chỉ khoảng 10% tổng số hồ sơ chuyển nợ được ngân hàng giải ngân. Ông Trần Thanh Quỳnh, Giám đốc BIDV Cà Mau, cho biết: “Sau 3 tháng áp dụng theo các quy định của Thông tư 06, đơn vị chưa ghi nhận số lượng khách hàng có nhu cầu chuyển nợ. BIDV Cà Mau cam kết luôn chuẩn bị chu đáo, tích cực để mang đến cho khách hàng quy trình thuận lợi nhất khi có nhu cầu chuyển khoản vay đến BIDV. Trong đó, chắc chắn sẽ có những bước thẩm định tài sản và xác minh khách hàng theo đúng quy định về tín dụng hiện hành”.

BIDV Cà Mau luôn chuẩn bị chu đáo để mang đến cho khách hàng quy trình thuận lợi nhất.

Hiện nay, trên thị trường, lãi suất cho vay của các ngân hàng có sự chênh lệch nhất định. Tuy nhiên, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm, các ngân hàng đang cạnh tranh nhau để giữ chân khách hàng tốt. Những khách hàng này thường có lịch sử trả nợ tốt, không vi phạm hợp đồng và không yêu cầu cơ cấu nợ. Ðể giữ chân những khách hàng này, các ngân hàng sẵn sàng giảm mục tiêu lợi nhuận. Khi được hưởng ưu đãi lãi suất, khách hàng cũng ngại chuyển sang ngân hàng khác. Ngoài ra, ngân hàng mới vẫn sẽ tiến hành thẩm định, đánh giá khoản vay như thông thường, chứ không mặc nhiên chấp nhận chuyển nợ sang. Ðiều này khiến tỷ lệ giải ngân cho các khoản chuyển nợ không cao.

Chị Lưu Trúc Loan, Nam Á Bank Cà Mau, đưa ra lời khuyên: “Khi chuyển nợ ngân hàng này qua ngân hàng khác, khách hàng nên tìm hiểu kỹ thông tin về các ngân hàng cho vay; bao gồm lãi suất, phí phạt, điều kiện vay... Bên cạnh đó, hồ sơ chuyển nợ thường bao gồm các giấy tờ như hợp đồng tín dụng, sao kê giao dịch, giấy tờ tuỳ thân... Do vậy, khách hàng cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng để được giải ngân nhanh chóng. Ðồng thời, khách hàng nên thương lượng với ngân hàng để được hưởng mức lãi suất thấp nhất và các điều khoản khoản vay phù hợp với nhu cầu của mình”./.

 

Việt Mỹ

 

Liên kết hữu ích