(CMO) Theo tương truyền, nơi đầu nguồn con sông huyền thoại chảy vắt ngang cố đô Huế có một loại cỏ mọc hai bên triền nước của dòng sông toả lên mùi thơm dịu dàng, ngan ngát như hương con gái tuổi xuân thì… Loại cỏ này mang tên thạch xương bồ.
Lật lại sách cũ, Hương Giang nghĩa là sông Thơm, sông có mùi hương. Cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (1887-1951), tác giả bài "Hương Giang hành" đã viết: “Hương Giang phát nguyên từ hai nguồn tả, hữu trạch nguyên ở miền thượng lưu tỉnh Thừa Thiên Huế, quanh co gành bãi ruộng vườn, chảy lần qua kinh thành, đến cửa Thuận An rồi ra Ðông Hải. Hai bên bờ tả hữu trạch có giống thạch xương bồ là vị thuốc trường sanh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hoá ra thơm. Hương Giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy”.
Dòng sông Thơm quanh co gành bãi, ruộng vườn, chảy lần qua kinh thành Huế, đến cửa Thuận An rồi ra Ðông Hải. |
Trong chuyến nhàn du về A Lưới để tìm về cội nguồn sông Hương, tìm về nơi khởi đầu của dòng sông huyền thoại mang tên Hương, lão nông Arất Hinh, dân tộc Cơ Tu, hướng dẫn chúng tôi khởi hành từ Bốt Ðỏ A Lưới theo đường Hồ Chí Minh để vào xã Hương Nguyên (tên xã Hương Nguyên cũng bắt nguồn từ loại cỏ thơm thạch xương bồ và dòng sông Hương, nơi đây là sự khởi đầu của mùi hương) bằng xe U-oát với đoạn đường tầm 50 km. Khi đến trung tâm xã, chúng tôi cuốc bộ theo chân lão nông Arất Hinh khoảng dăm cây số đường rừng thì đến nơi một nhánh của thượng nguồn sông Hương. Con suối nhỏ thôi nhưng đủ nước tràn về hạ nguồn để sinh ra dòng sông và đưa nước hoà mình vào biển Ðông. Hai bên bờ suối cơ man là đá xếp chồng nhau và cỏ cây chen vào những khe đá mọng nước. Arất Hinh tiện tay hái một nhành cỏ đưa cho chúng tôi và nói: "Các vị vò lá cỏ này và đưa lên ngửi xem sao!". Làm theo đề nghị thì tuyệt vời thay, một mùi hương dịu dàng toả ra và hình như những mệt mỏi sau 5 cây số cuốc bộ cũng tan biến, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Arất Hinh nói tiếp: "Xưa kia đi nương, đi rẫy, mỗi khi mệt mỏi thì người dân tộc kiếm cái lá này ngửi xong nhai vào miệng là khoẻ ngay! Thế là tiếp tục đi nương làm rẫy".
Thật vậy, từ lâu, y học cổ truyền nói chung và thảo dược trị liệu nói riêng luôn chiếm vị trí quan trọng trong nền y học thế giới. Trong đó có thạch xương bồ, vị thuốc quen thuộc được sử dụng rộng rãi với tác dụng khai khiếu, hoá đờm, thông khí…
Theo những sách cây và vị thuốc của Việt Nam, thạch xương bồ có chứa khoảng 0,5-0,8% lượng tinh dầu. Theo nghiên cứu y học hiện đại, thạch xương bồ giúp an thần, chống co giật. Sử dụng tinh dầu và thuốc sắc của thạch xương bồ có thể giảm tình trạng co thắt cơ trơn của ruột và dạ dày, giúp tăng tiết đường tiêu hoá.
Thông thường trong tự nhiên, cây sống bám thuỷ sinh, trên đá dọc theo suối, tụ thành các khóm lớn. Ðặc biệt, hệ thống rễ chùm bám chắc chắn trên bề mặt đá dù nước có chảy xiết. Cây ra hoa, quả hàng năm, hạt phát tán nhờ dòng nước và tái sinh mạnh mẽ. Cây ưa bóng, có thể trồng được trong vườn nhà để vừa làm cảnh, vừa làm thuốc. Trồng bằng cách tách mầm, cắt bớt lá, rồi giâm nơi ẩm mát là cây sẽ sinh trưởng dễ dàng.
Từ đặc tính sinh trưởng này nên từ lâu đã có thú chơi thạch xương bồ trong vườn nhà như những tiểu cảnh làm cho khu vườn thơm tho và tao nhã như thần thái, cốt cách của kẻ sĩ đất cố đô xưa.
Trong văn hoá Á Ðông, thạch xương bồ được cho là loại linh thảo có thể phòng bệnh, trừ tà. Xương bồ cùng với hoa lan, hoa cúc, thuỷ tiên được tôn thành "hoa thảo tứ nhã". Trong quá khứ, loài cỏ này từng hấp dẫn cả hoàng thất lẫn sĩ phu, văn nhân. Dần dần, chúng trở thành vật trang trí trong viên lâm, thư phòng. Thú chơi thạch xương bồ có từ thời vua Minh Mạng và truyền cho đến ngày nay.
Thạch xương bồ, dược liệu quý lâu đời, đa dụng. |
Nhiều người tìm đến thạch xương bồ bởi họ có nhu cầu gần gũi thiên nhiên, mà thạch xương bồ lại có các ưu điểm như nhỏ gọn, dễ bài trí cả trong nhà lẫn ngoài vườn.
Trong ngôi thất nhỏ bé của một vị tỳ kheo trong khuôn viên ngôi chùa lớn nổi tiếng ở Huế, chúng tôi bắt gặp hơn 50 chậu thạch xương bồ. Những cây đã thuần dưỡng khoẻ mạnh được trưng bày trong phòng khách, trên bàn trà và bàn làm việc. Theo thầy, muốn có một chậu như ý thì phải dụng tâm nhiều, quan trọng là mình phải tiếp xúc với thạch xương bồ như hai thực thể hiểu nhau, tương tác với nhau.
Trồng loài cây này không khó lắm, chỉ cần bỏ một chút bùn vào khe viên đá tổ ong, rồi lấy thân cây có rễ dính vào đó. Một thời gian, rễ cây bám vào đá và hút nước để sinh tồn.
Cây sống chỉ nhờ đá và nước, không quá bám chấp, đời sống không cầu kỳ nhưng lại cao khiết. Màu xanh của lá hiền hoà, mát mắt, hương thơm dịu nhẹ gợi cho những ai có dịp tiếp xúc dấy lên những suy nghĩ nhẹ nhàng, thiện tâm và dễ dàng cảm nhận cả một dòng sông Hương đang chảy qua khu vườn thiền mà chúng ta đang an trú.
Trở lại với lão nông Arất Hinh, chúng tôi xuôi dòng sông Hương, dòng nước xanh biếc êm đềm trôi. Có đôi lúc chúng tôi cảm nhận dòng sông Hương như mái tóc của cô gái Huế đương độ xuân thì… Dòng sông của hương, của kỳ hoa, dị thảo. Dòng sông của những ký ức đẹp, của trai thanh gái lịch.
Thạch xương bồ và dòng sông Hương như hai thực thể nhưng lại hiểu lòng nhau, nhập vào nhau để cho đời một dòng sông mang tên Hương Giang.
…Như dải lụa giữa thinh không
Chiều buông khói sóng trên dòng Hương Giang
Ðợi đêm uống trọn vầng trăng
Lịm trong cõi lạc ngã ngang sông tình...
Ðào Minh Tuấn