Từ trung tâm Hà Nội, theo đường bộ hơn 10 km qua cầu Chương Dương, theo con đê Long Biên - Xuân Quan, du khách sẽ đến được ngôi làng cổ nằm bên tả ngạn sông Hồng chuyên nghề gốm thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.
Từ trung tâm Hà Nội, theo đường bộ hơn 10 km qua cầu Chương Dương, theo con đê Long Biên - Xuân Quan, du khách sẽ đến được ngôi làng cổ nằm bên tả ngạn sông Hồng chuyên nghề gốm thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.
Hiện làng gốm Bát Tràng có hơn 50 công ty và gần 700 hộ gia đình đều tham gia sản xuất, kinh doanh gốm sứ, hình thành làng nghề với những nét văn hoá đặc trưng, thu hút một lượng khách du lịch đến tham quan khá lớn, nhất là vào mùa du lịch từ khoảng tháng 9-12 hằng năm.
Khách hàng chọn mua sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. |
Gốm Bát Tràng nổi tiếng bền đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng, đã chiếm lĩnh thị trường nội địa và còn xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Nghề làm gốm sứ rất công phu, trải qua khá nhiều công đoạn từ chọn, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là đưa vào lò nung. Sau mỗi công đoạn, người thợ phải kiểm tra tỉ mỉ và chỉnh sửa từng sản phẩm, bảo đảm sau khi sản phẩm ra lò đẹp, ưng ý khách hàng.
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng hiện có nhiều loại: đồ gốm gia dụng (các loại đĩa, chậu hoa, chén, khay trà, ấm, bình rượu,…), đồ thờ cúng (như chân đèn, chân nến, lư hương...) và đồ trang trí (mô hình nhà, các loại tượng như Phật Di Lặc, tượng hổ, tượng voi…).
Anh Nguyễn Ngọc Thư, chủ cửa hàng gốm sứ Nhung Thư giới thiệu sản phẩm gốm sứ do cơ sở anh sản xuất. |
Anh Nguyễn Ngọc Thư, chủ cơ sở Nhung Thư, cho biết, cửa hàng của anh cung cấp từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra gốm sứ, đa dạng các mặt hàng từ lọ hoa, ấm trà… đến các mặt hàng thờ cúng đòi hỏi sự khéo léo của người thợ như tượng các vị Phật, Quan Công, Phúc - Lộc - Thọ (tam đa), các con vật linh thiêng như tỳ ngưu, lân, quy, phụng...
Anh Thư bộc bạch: “Làm tượng rất công phu, 1 người thợ làm mấy ngày mới hoàn thành 1 tượng vì sau khi đổ khuôn còn phải chỉnh sửa rất lâu. Riêng con tỳ ngưu phải mất 1 tuần mới làm xong”. Hàng sau khi hoàn thành vừa được trưng bày tại cửa hàng vừa bán cho các thương lái chở đi các tỉnh.
Trong tiết trời se se lạnh, có dịp ngắm cảnh ngoại thành Hà Nội, tận mắt chứng kiến và nghe các nghệ nhân kể chuyện làm gốm thật vô cùng thú vị./.
Sản phẩm sau khi đổ khuôn được chỉnh sửa, mài gọt tỉ mỉ. |
Trang trí hoa văn trên sản phẩm. |
Sản phẩm vừa qua công đoạn đầu tiên, chưa qua bàn tay khéo léo của người thợ. |
Đa số các hộ kinh doanh gốm Bát Tràng đều sản xuất tại gia đình. |
Thuỳ Trâm - Thanh Dũng thực hiện