ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:29:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thận trọng căn bệnh liệt dây thần kinh số 7

Báo Cà Mau Liệt dây thần kinh số 7 là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, độ tuổi. Bệnh gây ra các biểu hiện ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Do đó, việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Phúc, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Ða khoa Hoàn Mỹ Minh Hải (TP Cà Mau), cho biết: "Bệnh liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng dây thần kinh số 7 bị tổn thương hoặc ngưng hoạt động hoàn toàn, làm cho các cơ ở vùng mặt bị yếu hoặc bị liệt. Bệnh thường có biểu hiện phổ biến là yếu liệt một bên mặt với các triệu chứng như: mất nếp nhăn trán, mắt nhắm không kín, lệch nhân trung, mờ rãnh mũi má, miệng méo sang một bên...".

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh liệt dây thần kinh số7 như: do bị nhiễm lạnh; bệnh viêm tai - mũi - họng không được điều trị; có bệnh lý ở nền sọ não ảnh hưởng đến dây thần kinh; khối u trong hệ thần kinh trung ương; u dây thần kinh thính giác; bị chấn thương ở xương chũm, vùng thái dương... hoặc do virus gây ra bệnh thuỷ đậu, zona thần kinh, virus bệnh tay chân miệng... Trong đó, nguyên nhân do virus là thường gặp nhất.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Phúc cho biết, các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng của người bệnh, phân tích các nhóm cơ mặt, xác định chính xác vị trí tổn thương để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và đang trong thai kỳ có nguy cơ mắc cao hơn.

Ðây là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng, khởi phát thường đột ngột và thuyên giảm dần sau 3 tuần đến 3 tháng, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cụ thể: mặt xệ một bên, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm cho bệnh nhân ngại tiếp xúc; miệng méo dẫn đến hay chảy nước dãi, uống nước hay chảy ra ngoài; nói hơi khó nghe nên gặp khó khăn trong giao tiếp. Một số bệnh nhân bị ảnh hưởng đến thính lực và vị giác trước lưỡi, đau rát vùng mặt; mắt nhắm không kín gây khô mắt, đau mắt.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm: “Liệt dây thần kinh số 7 (hay liệt mặt) là triệu chứng rất thường gặp trong bệnh đột quỵ. Tuy nhiên, triệu chứng liệt mặt trong đột quỵ có một số điểm khác biệt so với liệt dây thần kinh số 7 đơn thuần. Liệt mặt trong đột quỵ là liệt nửa mặt dưới, trong khi nửa mặt trên vẫn bình thường: mắt vẫn nhắm kín, nếp nhăn vùng trán vẫn còn, lông mày không bị xệ xuống. Dễ nhận biết đột quỵ qua quy tắc FAST: F (Face): khuôn mặt; A (Arms): cánh tay; S (Speech): lời nói; T (Time): thời gian. Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ, thậm chí chỉ một trong số đó, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Mỗi phút đối với người bị đột quỵ đều quý giá, việc điều trị sớm giúp giảm thiểu tổn thương ở não và tăng cơ hội phục hồi”.

Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ để xác định tổn thương hoặc kết hợp với các xét nghiệm khác.

Ðiều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 tuỳ thuộc vào nguyên nhân, chủ yếu là trị triệu chứng và bệnh tự thuyên giảm sau 3 tuần đến 3 tháng. Biện pháp điều trị chính là dùng thuốc corticoid và kháng virus. Ngoài ra, còn vật lý trị liệu vùng mặt, bổ sung các vitamin nhóm B... “Bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh để áp dụng các biện pháp phù hợp”, Bác sĩ Phúc thông tin.

Không có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu nào cho bệnh liệt dây thần kinh số 7. Nhưng vì nguyên nhân bệnh chủ yếu là do virus, nên Bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân tăng cường chăm sóc sức khoẻ tổng thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng và duy trì sống lành mạnh. Bên cạnh đó, tránh tiếp xúc các tác nhân kích thích như: chất gây dị ứng, thuốc lá, rượu, bia...; cần tiêm ngừa cúm, thuỷ đậu.

“Nếu có biểu hiện bị liệt dây thần kinh số 7, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị. Không nên tự điều trị tại nhà, theo kinh nghiệm dân gian. Nếu để bệnh ở mức độ nặng, áp dụng các biện pháp điều trị muộn, rất khó phục hồi. Ðặc biệt, một số nguyên nhân bệnh do bệnh lý ở nền sọ não hoặc có khối u trong hệ thần kinh trung ương... Ngoài ra, việc thăm khám còn có thể tầm soát nguy cơ đột quỵ, để chủ động phòng bệnh hiệu quả”, Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc khuyến cáo./.

 

Băng Thanh

 

Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số người tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong và xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Chọn lựa và bảo quản thực phẩm đúng cách

Thực phẩm luôn được xem là một trong những thứ thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của mọi gia đình. Khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về thực phẩm sạch, nhất là đối với những loại thực phẩm tươi sống càng cấp thiết hơn. Tuy nhiên, cách chọn lựa và bảo quản thực phẩm như thế nào vừa để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vừa an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến và sử dụng, đòi hỏi người tiêu dùng cần có những kỹ năng cơ bản.   

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết trung thu 2024

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho mọi người, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu 2024. Nội dung chính của kế hoạch gồm công tác tuyên truyền và công tác kiểm tra.

Bệnh ung thư và gánh nặng tài chính

Ung thư không những là nỗi ám ảnh từ sự đau đớn về thể xác, tinh thần, tuổi thọ của người bệnh mà còn là gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân. Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều loại thuốc đặc trị ung thư không nằm trong danh mục được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế hiện nay.

Không để lây lan dịch bệnh trong trường học

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và các bệnh dù có vắc xin phòng bệnh ở trẻ nhưng có thể quay trở lại. Ðể chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trong trường học và bảo vệ sức khoẻ học sinh, trước khi bước vào năm học mới, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Nơi ánh đèn không bao giờ tắt

Đó là Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, nơi các y, bác sĩ, thiết bị y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng, tất cả vì cuộc đua giành lấy sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.

Dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em

Một trong những trăn trở của các bà mẹ có con nhỏ hay trẻ trong độ tuổi ăn dặm chính là chế độ dinh dưỡng vừa đảm bảo sức khoẻ cho mẹ, vừa giúp bé phát triển tối ưu. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin chính xác, khoa học và dễ tiếp cận về dinh dưỡng là vô cùng quan trọng.

Sàng lọc trước sinh, sơ sinh

Hiện nay, phương pháp sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) là một trong những phương pháp kỹ thuật khoa học tiên tiến, hiện đại nhằm phát hiện những biểu hiện bệnh lý trong giai đoạn bào thai cũng như trong 48-120 giờ sau khi trẻ chào đời. Từ đó, sẽ có những can thiệp y học kịp thời, phù hợp cho cả mẹ và bé nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp dị tật, dị dạng, thiểu năng trí tuệ cũng như những bệnh lý di truyền...

Phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh ung thư vú

Bác sĩ CKII Châu Tấn Ðạt, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, cho biết: "Theo số liệu khảo sát mới nhất, trong 5 loại bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới thì ung thư vú (UTV) là loại ung thư đứng đầu về tỷ lệ mắc và đứng thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong, sau ung thư gan, phổi".

Phòng chống dịch sởi mùa tựu trường

Trước thềm năm học mới 2024-2025, với các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn tỉnh, bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, trang trí không gian lớp học, nhà trường còn đặc biệt chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh.