(CMO) Sự kiện chiếc tàu không số (mật danh Phương Đông 1) cập bến Vàm Lũng (nay thuộc thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) an toàn ngày 19/10/1962 đã mở ra một con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Sự kiện này có ý nghĩa to lớn với cách mạng miền Nam, nối dài thắng lợi của phong trào Đồng khởi để cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang một giai đoạn hoàn toàn mới. Cũng từ đây, cách mạng miền Nam đủ điều kiện để đấu tranh sòng phẳng với giặc bằng hình thức vũ trang theo tinh thần Nghị quyết 15 (tháng 1/1959) mà cố Tổng bí thư Lê Duẩn là người đã chắp bút soạn thảo.
Đại tá Khưu Ngọc Bảy (bên phải), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 thăm Di tích quốc gia Bến Vàm Lũng, Rạch Gốc, Ngọc Hiển - Bến tàu không số đầu tiên đường Hồ Chí Minh trên biển. |
Cách mạng miền Nam sau Hiệp định Geneve và sự kiện 200 ngày đêm tập kết (năm 1954) lại bước vào cuộc đấu tranh với kẻ thù mới. Đế quốc Mỹ bằng tiềm lực kinh tế, quân sự và dã tâm lớn từng bước phá vỡ hiệp định, xây dựng chính quyền tay sai, xâm lược nước ta. Sau một thời gian sử dụng chiến lược đấu tranh chính trị, cách mạng miền Nam được Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng soi sáng con đường tất yếu: Dùng bạo lực cách mạng để chiến thắng bạo lực phản cách mạng. Mở đầu là phong trào Đồng khởi nổ ra ở Bến Tre, sau đó lan rộng toàn miền, mà nòng cốt là lực lượng vũ trang Nhân dân.
Tuy nhiên, đối diện với kẻ thù hùng mạnh, việc thiếu thốn về vũ khí là một bất lợi không gì bù đắp được. Năm 1959, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng quyết định mở đường bộ Trường Sơn. Năm 1961, Trung ương chủ trương tổ chức thăm dò (trinh sát) để nắm tình hình địch trên biển. Cuộc thăm dò này Khu uỷ và Trung ương phân công đồng chí Bông Văn Dĩa cùng đồng đội xuất phát từ Cà Mau bằng chiếc tàu gỗ, dựa vào kinh nghiệm đi biển dân gian, vượt muôn trùng vất vả, hiểm nguy để gặp Trung ương Đảng, Bác Hồ báo cáo về khả năng mở con đường vận tải chiến lược trên biển.
Trên chiếc tàu Phương Đông 1 do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, 30 tấn vũ khí đầu tiên của hậu phương miền Bắc đã đến chiến trường miền Nam với niềm vui to lớn, vô bờ. Từ đó, con đường Hồ Chí Minh trên biển được khơi thông và triển khai ở các khu vực Phú Yên, Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau… Tại Cà Mau, từ năm 1962-1971, tỉnh đã tiếp nhận 76 chuyến tàu cập bến với gần 4.300 tấn hàng quân sự, trở thành bến cảng chủ lực tiếp nhận của miền. Theo lời của Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, Cà Mau là “Bến cảng giữa lòng dân”.
Một trong những nhân chứng lịch sử về đường Hồ Chí Minh trên biển, ông Nguyễn Công Trực (Tư Trực), Tân Ân, Ngọc Hiển, kể lại: “Có những chuyến tàu mắc bãi cạn, Nhân dân Tân Ân - Rạch Gốc huy động lực lượng, ghe biển để hỗ trợ vận chuyển hàng hoá, nguỵ trang vũ khí và tàu chở hàng”. Giữa rừng đước Ngọc Hiển, giữa tấm lòng sắt son của Nhân dân Cà Mau, hàng hoá quân sự chi viện toả khắp chiến trường miền Nam, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
Đại tá Khưu Ngọc Bảy bồi hồi nhớ lại: “Cà Mau trở thành quê hương của tôi”. Và những chuyến đi về Cà Mau, vị đại tá tuổi gần 90 cứ nhắc đi nhắc lại câu nói: “Cứ về Cà Mau là thấy khoẻ trong người. Ân tình Cà Mau sâu đậm quá, bản thân tôi vẫn còn mắc nợ nơi này”.
Đoàn 962 là lực lượng vũ trang của Khu, đây là nỗi kinh hoàng của giặc và bè lũ tay sai ở khắp chiến trường miền Nam, đặc biệt là ở Cà Mau. Đoàn 962 đã cùng quân và dân Cà Mau bẻ gãy nhiều cuộc càn quét lớn của địch, phá vỡ chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, mở ra các huyết mạch vận tải hàng hoá của ta trên toàn chiến trường Tây Nam Bộ.
Con đường 1C liên tỉnh do lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Cà Mau đảm trách ra đời năm 1965 với mật danh Nguyễn Việt Khái I, Nguyễn Việt Khái II và Nguyễn Việt Khái III đã trở thành nguồn máu nóng tiếp viện cho khắp chiến trường Tây Nam Bộ. Thanh niên xung phong Cà Mau hoạt động nối liền đường 1C từ Cái Sắn, Ba Đình (Vĩnh Thuận) về U Minh Thượng, U Minh Hạ, Sông Đốc, Bảy Háp, Năm Căn, Gành Hào để vận chuyển vũ khí từ các bến Kiến Vàng, Vàm Lũng, nơi Đoàn 962 đứng chân. Từ đây, hàng chục ngàn tấn vũ khí được thông suốt vận chuyển đến các tuyến lửa của chiến trường Tây Nam Bộ.
Thắng lợi của cách mạng miền Nam gắn liền với 2 con đường huyết mạch, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển. Riêng đường Hồ Chí Minh trên biển là sự kiện độc đáo, gắn liền với tên tuổi của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa và tấm lòng thuỷ chung, son sắt của Nhân dân Cà Mau với sự nghiệp cách mạng.
Tháng 10 lại nhớ đến con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển, để trân quý thêm thành quả cách mạng, để không quên lịch sử đã qua. Và để hôm nay, chúng ta tự hào, trọn vẹn niềm tin viết tiếp những “Mặt đường khát vọng”…/.
Phạm Quốc Rin