(CMO) Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị khoá XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (Kết luận 120) đã qua chặng đường 5 năm triển khai thực hiện ở Cà Mau. Như lời khẳng định của Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải: “Nơi đâu xây dựng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thì nơi đó luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; nơi nào thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm thì mức độ hoàn thành thấp, thậm chí xảy ra sai phạm”.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân (bìa phải) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. |
Diện mạo tươi mới của Cà Mau
Việc thực hiện quy chế dân chủ đã mang lại phương thức mới trong huy động nguồn lực từ Nhân dân. Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Nếu không có sự đồng thuận, chung sức và nguồn lực của Nhân dân, Cà Mau khó có thể đạt được những thành tựu quan trọng như hiện nay”.
Sau 5 năm thực hiện Kết luận 120, Cà Mau có bước tiến nhảy vọt về quy mô, tính ổn định và các mũi bứt phá kinh tế mạnh mẽ. Tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân gần 7%/năm; quy mô kinh tế tăng 1,3 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm; thu ngân sách 5 năm hơn 26.000 tỷ đồng. Nhưng dấu ấn nổi bật nhất, được người dân cảm nhận rõ ràng nhất đó là công tác xoá đói giảm nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn mức 1,57%, tỷ lệ cận nghèo còn 1,74%. So với thời điểm 2015 (tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 3,56%), giảm gần 1/2 số hộ nghèo.
Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Ðảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Huỳnh Quốc Việt thông tin: “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo ra chuyển biến mạnh trong việc triển khai các chương trình, đề án, chính sách lớn của Cà Mau”. Ðơn cử như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện toàn tỉnh có 43/82 xã đạt chuẩn, chiếm hơn 53% và phấn đấu đến cuối năm 2021, Thới Bình sẽ là địa phương đầu tiên về đích danh hiệu huyện nông thôn mới. Chỉ trong 5 năm, có 1.800 mô hình dân vận khéo, trong đó có hơn 1.700 mô hình được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong thực tiễn đời sống.
Dấu ấn của quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Kết luận 120 có 3 loại hình quy chế dân chủ ở cơ sở: dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dân chủ ở cơ quan Nhà nước, đơn vị công lập và dân chủ trong doanh nghiệp. Tại Cà Mau, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải khẳng định: “Dân chủ ở xã, phường, thị trấn chính là loại hình thành công nhất, đạt nhiều thành tựu lớn”. Bản chất của dân chủ ở xã, phường, thị trấn chính là khẳng định vai trò làm chủ của Nhân dân. Phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
Bí thư Huyện uỷ U Minh Nguyễn Minh Phụng tâm đắc: “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, thị trấn đã tạo ra sự chuyển biến hết sức thần kỳ của U Minh”. Từ tỷ lệ hộ nghèo ở mức gần 21,4%, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của U Minh hiện nay chỉ còn 2,46%. Ông Phụng chia sẻ: “Tôi về làm Bí thư Huyện uỷ ngót 1 năm, trước khi nhận nhiệm vụ, lãnh đạo tỉnh có nhắn gởi rằng khi về phải kiểm tra, đánh giá xem tỷ lệ giảm nghèo ở U Minh có phải thực chất không, hay là con số ảo. Khi về đây, nắm bắt thông tin, khảo sát thực tế, tôi có thể tự tin nói rằng đó là con số rất thực chất, rất đáng tự hào của U Minh”.
Mới đây, khi về kiểm tra, làm việc với tỉnh Cà Mau về kết quả thực hiện Kết luận 120, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã dành sự biểu dương đối với tỉnh Cà Mau. “Tôi từng là đại biểu Quốc hội của cử tri Cà Mau trong 5 năm (từ năm 1997 đến 2002). Khi đó, về vùng Năm Căn, Ngọc Hiển phải đi bằng vỏ lãi, bo bo, hết sức khó khăn. Còn bây giờ, đường quốc lộ đã về đến Ðất Mũi. Cà Mau đã có sự thay đổi, phát triển hết sức mạnh mẽ. Nhiệm vụ của chúng ta là phải cùng chung sức để xây dựng, phát triển quê hương ngày càng phát triển hơn nữa”, bà Mai thổ lộ.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng gửi gắm, lưu ý và chỉ đạo tỉnh Cà Mau phải tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phải luôn lấy Nhân dân làm trung tâm, khẳng định và đề cao vai trò làm chủ của Nhân dân. Dân chủ ở cơ sở chính là đặc điểm ưu việt của thể chế xã hội chủ nghĩa, của con đường cách mạng mà Bác Hồ, mà Ðảng đã lựa chọn. Dân chủ phải thực hành theo nguyên tắc bất di bất dịch là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Dân chủ trong cơ quan, đơn vị công lập là phải thực hiện nhiệm vụ “công bộc”, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Dân chủ trong doanh nghiệp là làm hài hoà lợi ích giữa lợi nhuận doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động, là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động./.
Phạm Quốc Rin