(CMO) Lúc sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng, đảm bảo sự lãnh đạo của Ðảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết của Ðảng, Nhà nước với Nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị”.
Ðội thi Khóm 5, Phường 6, TP Cà Mau tham gia phần thi trả lời câu hỏi và xử lý tình huống về công tác dân vận tại Hội thi Dân vận khéo do Phường 6 tổ chức ngày 22/5/2023.
Ngược thời gian năm 1975, Ðảng ta chỉ rõ công tác dân vận cho mọi người là “Ði dân nhớ, ở dân thương”. Câu từ ngắn gọn, nhưng khi thực hiện không dễ dàng.
Ngoài công việc chuyên môn và sẵn sàng chiến đấu, cán bộ dân vận còn phải làm mọi công việc lớn, nhỏ của gia đình mình đóng quân. Nếu căn cứ đóng xa xóm nhà dân, cũng phải phân công nhau vào xóm giúp dân như: làm ruộng, xay lúa, giã gạo, tát đìa bắt cá… Họ đau ốm cần mình là phải đến ngay, đem thuốc của đơn vị điều trị cho họ bằng tất cả lòng yêu thương như ruột thịt của mình. Thực hiện 3 cùng: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Vì vậy, tuyên truyền, vận động Nhân dân mới nghe và làm theo chủ trương của Ðảng.
Ngoài thành thị, các cô chú, anh chị công tác CK (công khai) còn tuyệt vời hơn thế. Lực lượng này tuyên truyền, vận động khéo với các doanh nghiệp lớn, nhỏ, các tiểu thương gom góp tiền gửi vào ủng hộ cách mạng, mỗi tuần lực lượng bảo vệ chở vào nhập kho hàng chục bao tải cho Ban Kinh tài khu Tây Nam Bộ, kho các tỉnh chưa tính.
Khi Nhân dân đã yêu thương, họ sẵn sàng đóng góp sức người, sức của vào công cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc, vì độc lập, tự do, cơm no, áo ấm.
Dân vận khéo bằng nhiều hình thức khác nhau: ca dao, hò vè, ca hát, kêu gọi tuyên truyền... làm cho các anh lính Việt Nam cộng hoà sẵn sàng làm nội tuyến, kể cả trong nội các Sài Gòn. Công tác dân vận ngày xưa khó khăn lắm, sống chết kề bên, bị lộ, hay tình nghi, giặc bắt bớ tra tấn, giam cầm, thủ tiêu… Nhà tù khắp nẻo đường đất nước, nơi xa nhất là Phú Quốc, Côn Ðảo...
Xã hội ngày càng phát triển, trình độ dân trí tiến bộ vượt bậc, nhu cầu hưởng thụ về tinh thần, vật chất càng cao, đòi hỏi lực lượng làm công tác dân vận phải có trình độ thông suốt, xử lý mọi tình huống, có uy tín mới đáp ứng yêu cầu công tác dân vận. Trước tình hình đổi mới toàn diện của đất nước, cán bộ cơ sở rất vất vả, vì nhiều mục tiêu phải đạt, hoàn thành nhiệm vụ của Ðảng các cấp giao.
Do đó, Ban Dân vận Trung ương đổi mới công tác dân vận từ nội dung đến hình thức, nhằm huy động tất cả các nguồn lực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Hội thi “Dân vận khéo” được phát động khắp nơi trên cả nước là hình thức dân vận quá tuyệt vời.
Hội thi là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn trong mọi tình huống xảy ra ở địa phương, trao truyền, tập sự cho lực lượng ít tiếp xúc công tác tuyên truyền, vận động hoặc chưa từng tiếp cận với Nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Huynh, Phó trưởng ban Dân vận Thành uỷ TP Cà Mau, cho biết, có 192 khóm, ấp trong các xã, phường hưởng ứng hội thi dân vận khéo. Những điểm tổ chức hội thi được trang trí đèn hoa rực rỡ, thí sinh vui hớn hở, mỗi người một vẻ đẹp rất đáng yêu. Ðáng yêu nhất là những bạn trẻ khi trả lời câu hỏi của ban giám khảo, tay cầm micro run bần bật, nhưng đã vượt lên chính mình để cùng toàn đội chiến thắng.
Thành công của hội thi “Dân vận khéo” cho phép chúng ta tin tưởng, sẽ có lực lượng kế thừa làm công tác dân vận tại cơ sở hiệu quả./.
Kim Ngân