(CMO) Ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình hiện có hơn 58% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần đông là dân tộc Khmer. “Ở đây bà con 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer sống đan xen, đoàn kết, chan hoà, nghĩa tình. Họ chung vai sát cánh cùng nhau xây dựng sắc màu làng quê hiện đại, nay còn hình thành nhiều khu dân cư kiểu mẫu. Đường Đào là ấp văn hoá tiêu biểu đầu tiên của xã, là 1 trong 2 ấp hoàn thiện các tiêu chí NTM sớm nhất. Đường Đào còn là điểm sáng của xã trong việc giúp dân thoát nghèo bền vững”, Trưởng ấp Nguyễn Trọng Yêm tâm đắc.
Trứ danh “xóm đại học”
Đường Đào đã góp mặt nhiều trên các báo, tạp chí. Bởi, nhắc đến Đường Đào, nơi tuy có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng trứ danh “Xóm đại học”.
Đồng bào dân tộc Khmer ở Đường Đào luôn duy trì nét sinh hoạt văn hoá truyền thống riêng. Ảnh: Nhật Minh |
Trưởng ấp Yêm tấm tắc: “Học sinh ra trường đi làm nhiều lắm, không nhớ hết”. Ông nhẩm tính, toàn ấp có 100% con em đến trường học hành tử tế, ít nhất 50% số đó nhất định sẽ học hết lớp 9, 50% còn lại học hết lớp 12.
“Số học hết lớp 9 đi học nghề, làm ăn với cha mẹ, họ hàng. Số học hết 12 có 50% học đại học, sau đại học; 50% còn lại cũng có nghề, có việc làm, thu nhập ổn”, ông Nguyễn Trọng Yêm khấp khởi.
Vị trưởng ấp bấm điện thoại ngỏ ý với một điển hình vượt khó nuôi con ăn học thành tài. Trao đổi mấy câu, ông bị từ chối thẳng, quay sang tôi phì cười, vừa đùa, vừa phân trần: “Cô ấy “ngán” lên báo. Cô biểu trong ấp nhiều hộ “thành tích” còn nổi bật hơn. Sự thiệt là trước hôm xã được công nhận đạt chuẩn NTM, cô đã được lên phóng sự truyền hình, lên báo nên cô ngại lên nữa, biểu nhường cho hộ khác để họ cũng được tuyên dương”.
Giờ vui chơi của trẻ ở Trường Mầm non Phong Lan. |
Thế là ông Yêm đưa tôi đến thăm người “thổi bùng” cho sự hiếu học của ấp. Ông kể, thời điểm năm 2000, ấp Đường Đào đa số nhà tạm bợ, lụp xụp. Điện, đường, trường, trạm tất thảy đều khó khăn. Hầu hết các hộ chỉ bám 2 vụ lúa mưu sinh, làm thuê hoặc đi làm ăn tuốt Bình Dương, Đồng Nai. Nhưng dẫu vất vả thế nào cũng mong muốn con cháu không “khát chữ”. Thấu hiểu, ông Hữu Sơn Đông tự nguyện hiến 2 công tầm lớn (dù khi đó gia cảnh không mấy khá - PV) để xây trường tiểu học, nay là Trường Mầm non Phong Lan đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Ông Hữu Sơn Đông bộc bạch: “Tôi có 6 người con (4 gái, 2 trai) đều học hành tử tế. Chỉ có học mới thoát được cái nghèo. Đối với đồng bào dân tộc Khmer như chúng tôi, đã được Đảng và Nhà nước quan tâm giúp đỡ nhiều mặt, thì một chút đóng góp nhỏ cho khối đại đoàn kết dân tộc là chuyện nên làm. Đặc biệt là đầu tư cho tri thức thì càng xứng đáng”.
Trưởng ấp chỉ tay về hướng con lộ ô-tô nối thẳng từ trường ra đến tuyến lộ nhựa 4 m về TP Cà Mau, phấn khởi: “20 năm từ sau khi chú hiến đất, các con, dâu, rể của chú tiếp nối góp công, góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng ngôi trường làng này đạt chuẩn quốc gia, tạo mọi điều kiện học hành cho con em trong ấp và các ấp lân cận. Tuyến lộ đó cũng có gia đình chú đóng góp. Chưa hết, trước đây, chú Hữu Sơn Đông còn hiến đất xây trụ sở ấp, nay do dời trụ sở về gần chùa Rạch Giồng nên mới hoàn trả lại”.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Phong Lan Phù Thuý Kiều cho biết, trước đây điểm này là trường tiểu học, nhờ được ghép về điểm chính nên trường được đầu tư đạt chuẩn cấp học mầm non hồi năm 2019. “Hiện trường có 272 em của 6/11 ấp trong xã theo học, trong đó có hơn 30% là con em đồng bào dân tộc Khmer. Đây là điểm trường chính, còn có 6 điểm lẻ khác. Quý tấm lòng của gia đình chú Hữu Sơn Đông vì đâu chỉ góp sức chăm lo sự học, mà nhiều năm qua, con rể chú từ Sài Gòn về đây tặng hàng trăm suất quà Tết để chia sẻ ấm no với người khó khăn quê nhà. Đáng quý lắm!”.
Điểm sáng giúp dân thoát nghèo
Ông Hữu Thành Dự (Sáu Dự), nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hồ Thị Kỷ, hiện là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Đường Đào, khẳng định: “Niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước được củng cố và nâng cao. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ ở Đường Đào, mà toàn bộ 11/11 ấp luôn thắt chặt, thấm đượm tình làng, nghĩa xóm”.
Minh chứng, ngay khi có chủ trương vận động người dân hiến đất làm lộ nông thôn, bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer sẵn sàng hiến đất, đóng góp ngày công lao động. Họ tự ý thức trồng hàng rào cây xanh, làm cột cờ và tự nguyện làm bờ kè chống sạt lở bằng bê-tông hoá hoặc trồng mắm để giữ đất. Rồi từng hộ, kể cả ấp này với các ấp khác, thi đua nhau tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng đời sống văn hoá, văn minh.
Theo lời ông Sáu Dự, hồi trước tỷ lệ hộ nghèo của ấp chiếm gần phân nửa số dân. Vậy là hàng loạt quỹ hỗ trợ hộ nghèo của ấp chung tay giúp nhau vực dậy kinh tế. Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cộng thêm vốn đóng góp, các đoàn thể trong ấp, đặc biệt là từ chính những hàng xóm láng giềng, bà con quyết tâm hơn trong lao động, sản xuất, vượt qua cái nghèo. Đến nay toàn ấp chỉ còn 6 hộ nghèo (hơn 1%), trong đó có 2 hộ đồng bào dân tộc Khmer.
Cùng ngồi trò chuyện, ông Nguyễn Trọng Yêm cho hay, tầm giờ này (hơn 9 giờ sáng) đi từ đầu đến cuối ấp hầu như chỉ thấy người già và trẻ nhỏ. Vì hầu hết người trong độ tuổi lao động, kể cả phụ nữ, đều đi làm công ăn lương, nếu tính nhà có 2 lao động thì mỗi tháng kiếm được từ 11-15 triệu đồng. Có thể thấy, người người, nhà nhà ai nấy cũng ý thức chí thú làm ăn. Kể cả những ngày lễ, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, mặc dù vẫn được duy trì như một nét văn hoá đặc trưng, nhưng ngày nay đã được tinh gọn, tiết kiệm hơn.
Tình làng, nghĩa xóm còn quý ở chỗ, dù trong cuộc họp cuối năm những hộ được bình xét là hộ nghèo, nhưng tự nhận thấy cuộc sống của mình đã khá hơn, họ tự xin khỏi diện hộ nghèo. Câu chuyện nhượng lại “suất” hộ nghèo cho hộ khác cần hơn nghe lạ; đặc biệt trong đó có hộ đồng bào dân tộc Khmer “nhượng” lại cho người Kinh gia cảnh nghèo khó hơn để được Nhà nước và bà con trong ấp trợ giúp cùng thoát nghèo. Sự đùm bọc và tình làng nghĩa xóm ở Đường Đào thực sự ấm áp.
“Ở ấp giờ chẳng còn phân biệt người Kinh - Hoa - Khmer. Nếp sống, văn hoá đã giao thoa, chan hoà. Việc cưới gả cũng thuận thảo”, ông Hữu Thành Dự vui mừng.
Càng vui hơn là ấp Đường Đào đã không còn nằm trong danh sách Chương trình 135. Người dân luôn cố gắng vươn lên vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, đồng thời tin tưởng và làm theo mọi chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Chương trình xây dựng NTM, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Và dẫu mỗi dân tộc đều có những ngày lễ, Tết riêng theo truyền thống, nhưng những ngày này về ấp Đường Đào đều thấy sự khấp khởi, an vui đón chào xuân mới trên từng mái nhà, gian bếp của cộng đồng các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, sự đoàn kết ngày thêm thắt chặt./.
Băng Thanh