Thay đổi nếp nghĩ, cách làm là một trong những chỉ tiêu thuộc Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8). Sau 3 năm thực hiện, Hội LHPN các cấp đã quyết liệt triển khai dự án, tạo nên “làn gió mới” giúp phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống.
Dự án 8 gồm 4 nội dung và hoạt động chính: tuyên truyền vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Chủ đề “phòng chống bạo hành ở trẻ em và bình đẳng giới” được tuyên truyền lồng ghép ở các buổi họp dân và họp tổ, giúp chị em phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm để làm chủ cuộc sống.
Phụ nữ Cà Mau có 589.157 người, chiếm 49,35% dân số; trong đó, phụ nữ dân tộc thiểu số 15.818 người, chiếm 2,68% dân số nữ; có 4.460 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, chiếm 2,1% hội viên phụ nữ. Trong năm qua, các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh không ngừng nỗ lực vươn lên, hăng hái thi đua, học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Tuy nhiên, người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; điều kiện sống mặc dù đã được cải thiện hơn, nhưng vẫn còn thấp, hiện nay một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, đa phần các hộ gia đình nghèo không có việc làm ổn định; đông con, trình độ dân trí thấp, thiếu tư liệu sản xuất, việc thoát nghèo đối với các hộ nghèo người dân tộc thiểu số tính bền vững không cao.
Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì triển khai Dự án 8, Hội LHPN các cấp đã vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các hoạt động đã tạo được sức lan toả mạnh mẽ trong đời sống hội viên, giúp phụ nữ chủ động phát triển kinh tế, thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên xoá bỏ định kiến, làm chủ cuộc sống.
Tại các đơn vị thụ hưởng, các cấp hội phụ nữ đã ra mắt các tổ truyền thông tại cộng đồng. Đến nay, 65/65 tổ truyền thông cộng đồng đi vào hoạt động. Hằng tháng, các tổ truyền thông lựa chọn những chủ đề, nội dung cần thiết của từng địa phương, đơn vị, trên cơ sở đó truyền thông được 108 cuộc, có 3.250 cán bộ, hội viên, phụ nữ dân tộc, tôn giáo và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham dự, trong đó trọng tâm là phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc.
Xã Nguyễn Phích, huyện U Minh là xã có 4 ấp thuộc ấp đặc biệt khó khăn và nằm trong diện thụ hưởng của Dự án 8. Thời gian qua, Hội LHPN xã luôn đẩy mạnh tuyên truyền vận động trong chị em phụ nữ, đặc biệt là hội viên phụ nữ thuộc các ấp đặc biệt khó khăn, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên trong cuộc sống.
Ấp 13 thuộc ấp đặc biệt khó khăn, đời sống của chị em phụ nữ còn thiếu thốn nên việc tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 13 Định Thị The thông tin: “Ban đầu tập hợp chị em cũng khó khăn lắm, vì các chị em còn phải mưu sinh, mỗi lần tập hợp là mỗi lần khó nên nội dung tuyên truyền phải súc tích chị em mới nắm được. Ngoài các buổi sinh hoạt của chi hội, tổ truyền thông chúng tôi còn lồng ghép vào các buổi hội họp khác. Chủ yếu là tuyên truyền về phòng chống bạo lực trẻ em, hậu quả của hành vi bạo hành, một số dấu hiệu hoặc biểu hiện của trẻ bị bạo hành, về bình đẳng giới cho các chị em hội viên. Thông qua các buổi tuyên truyề, nhận thức của chị em ngày một nâng lên”.
Toàn Ấp 13, xã Nguyễn Phích có 22 trẻ em, được quan tâm và bảo vệ, tránh tình trạng ngược đãi và bạo hành.
Ông Hà Thanh Hợp, Bí thư Chi bộ Ấp 13 chia sẻ: “Chúng tôi quan tâm, tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt của chị em. Bản thân tôi cũng vận động các anh tham dự các buổi sinh hoạt vì bình đẳng giới không chỉ dành riêng cho phụ nữ. Các anh chồng thay đổi nếp nghĩ mỗi ngày mới tạo nên sự bình đẳng được”.
Thông qua các chiến dịch truyền thông đã thu hút sự quan tâm của người dân, hội viên phụ nữ vùng đồng bào nắm được các quy định, hiểu biết thêm kiến thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Qua ghi nhận tại địa phương và một số hội viên phụ nữ, hiện nay trên địa bàn ấp không còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Vị trí vợ chồng trong gia đình được bình đẳng. Chuyện bếp núc, con cái không còn là chuyện của phụ nữ mà các anh chồng cũng tham gia giúp đỡ. Không còn cảnh các anh rượu chè be bét, đánh đập vợ con gây mất an ninh trật tự.
Thông qua các buổi tuyên truyền phần nào nâng cao được ý thức không chỉ riêng cho chị em phụ nữ mà còn cho cả nam giới trên địa bàn.
Chị Lê Thị Gấm, hội viên phụ nữ Ấp 13, chia sẻ: “Giờ tôi tham gia hội họp hay tham gia các phong trào của chị em tổ chức thoải mái lắm. Muốn đi đâu thì đi, chỉ nói với anh xã trước là được”.
Ông Hợp bộc bạch: “Quan tâm, chia sẻ từ những việc nhỏ đến bàn bạc nhau những việc lớn, đã qua rồi cái thời chồng chúa vợ tôi ngày xưa. Hiện tại, dù cuộc sống của các hộ dân nơi đây chưa thật sự đầy đủ nhưng đầy ắp tiếng cười. Đây được xem là kết quả bước đầu triển khai Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Trước là nuôi dạy con cái thảo hiền, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, sau là góp sức cùng với chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”./.
Kim Cương