(CMO) Trước đây bệnh phong (cùi, hủi) được coi là căn bệnh nằm trong “tứ chứng nan y”, rất khó cứu chữa, nhưng hiện nay căn bệnh này đã có thuốc đơn hoá trị liệu, đa hoá trị liệu... nên nhiều bệnh nhân phong đã được chữa trị kịp thời, chống lây nhiễm trong cộng đồng. Đây được xem là sự thành công đáng kể trong công tác phòng, chống căn bệnh phong của nền y học đương đại.
Cán bộ y tế, phụ trách Chương trình Phong tuyến cơ sở, thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ quy trình điều trị của bệnh nhân phong. |
Nhìn lại giai đoạn từ năm 1994-1998, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau phát hiện mới từ 100-150 ca bệnh phong. Sau khi thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh phong cấp tỉnh theo 3 tiêu chí của Bộ Y tế vào năm 2000, gần như không phát hiện thêm bệnh nhân phong mới. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 349 đối tượng đang được quản lý và chăm sóc sau giám sát theo chương trình phong của Bộ Y tế tại 9 huyện, thành phố của tỉnh. Hiện tại, tất cả các bệnh nhân phong tàn tật đều được chăm sóc, hướng dẫn để phòng tránh tàn tật và được hỗ trợ thuốc men, giày dép, kính bảo vệ mắt và các dụng cụ thiết yếu khác.
Bác sĩ Đào Duy Thanh, phụ trách chương trình thăm khám, sàng lọc bệnh nhân phong, thuộc Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Sau khi được chẩn đoán xác định mắc bệnh, người bệnh cần được đưa ngay vào đa hoá trị liệu nhằm tránh những tàn tật có thể mắc phải. Bệnh nhân hàng tháng sẽ được bộ phận chuyên trách phong của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã, phường, thị trấn đến thăm khám, cấp phát thuốc, theo dõi để phát hiện sớm các biến chứng và được hướng dẫn cách tự chăm sóc phòng tránh các thương tích trong đời sống hàng ngày”.
Bà Cao Thị P, 63 tuổi, ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, bị lây nhiễm vì chăm sóc cho con trai bị bệnh phong. Nguyên nhân là do con bà được phát hiện bệnh muộn, nên mang di chứng. Bà P cho biết: “Ban đầu tôi có các vết sần đỏ, nghĩ là bị nấm ngoài da nên mua các loại thuốc bôi da, nhưng không hết. Vừa rồi được các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt - Da liễu của tỉnh đến thăm, khám và cấp thuốc uống, thuốc bôi da, bây giờ tại các vết sần của tôi đã có cảm giác biết đau”.
Rõ ràng, việc phát hiện sớm, điều trị sớm, chăm sóc, quản lý, theo dõi chặt chẽ và nâng cao nhận thức về bệnh phong trong cộng đồng chính là những cơ sở để Cà Mau loại trừ bệnh phong trong tương lai gần. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bệnh phong qua các kênh thông tin đại chúng, có hình thức tuyên truyền phù hợp ở những vùng bà con dân tộc ít người, cung cấp những kiến thức cơ bản về bệnh phong, tích cực khám sàng lọc, để phát hiện sớm bệnh phong có thể còn tiềm ẩn trong cộng đồng.
Mục tiêu tiếp theo của tỉnh Cà Mau, là đưa kiến thức bệnh phong vào trường học, tiếp tục tuyên truyền kiến thức bệnh phong cho đối tượng học sinh; củng cố đội ngũ làm công tác phòng, chống phong các cấp; tập huấn cho cộng tác viên kỹ năng nhận biết bệnh phong, quản lý điều trị, giáo dục y tế và chăm sóc tàn tật cho người bệnh tại nhà; tập trung khám phát hiện, điều trị tại nhà đúng phác đồ, đủ liều cho tất cả bệnh nhân phong, phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, giáo viên, học sinh và người dân có hiểu biết đúng về bệnh phong./
Hiền Sĩ