(CMO) Ðối với sinh viên theo học chuyên ngành Nuôi trồng thuỷ sản, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, bắt đầu học kỳ 2 của năm nhất sẽ lần lượt có những môn thực hành. Ðây là ngành đòi hỏi người học thực hành liên tục, chiếm đến 60% trong tiến trình đào tạo suốt 3 năm học.
Có gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy, giảng viên Huỳnh Hiếu Lộc, ngành Nuôi trồng thuỷ sản, Khoa Kinh tế nông nghiệp của trường, chia sẻ: “Ngành Nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu là dạy nghề, cho nên lý thuyết sẽ là nền, sau đó, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên thực hành các bước. Do tính ứng dụng vào thực tế khá cao nên sau khi đào tạo, hầu hết sinh viên có thể sử dụng những kiến thức học được áp dụng vào các mô hình nuôi, canh tác tại gia đình để nâng cao sản lượng, chất lượng vật nuôi”.
Trong quá trình học, một vài môn học có tần suất thực hành cao, có thể kể đến như: thuỷ sinh vật, ngư loại, thức ăn tự nhiên, bệnh học, sản xuất giống và nuôi cá nước ngọt, sản xuất giống và nuôi giáp xác…
Mỗi đợt thực hành, các vật thí nghiệm, hoá chất, thuốc, dụng cụ đều được nhà trường lo toàn bộ chi phí. Trang thiết bị, cơ sở vật chất cho thực hành đáp ứng 90%, 10% còn lại sẽ liên kết phối hợp với đơn vị khác. Việc bố trí thời gian, địa điểm thực hành được phân chia đồng đều tại cả 2 cơ sở, trong đó 50% tại cơ sở 1 (Phường 6, phòng thí nghiệm) và 50% tại cơ sở 2 (phường Tân Xuyên, trại thực nghiệm).
Hướng dẫn kỹ thuật tiêm thuốc hỗ trợ sinh sản để vật nuôi đạt sản lượng tốt. |
Giảng viên Phạm Thanh Hương, ngành Nuôi trồng thuỷ sản, thông tin: “Ðối với các buổi thực hành, thường giảng viên phải có thời gian chuẩn bị từ 1 tuần, có khi kéo dài đến 1 tháng. Do phải dạy theo khung chương trình đào tạo chung, nên tuần tự đến bộ môn nào có tiết thực hành thì giảng viên sẽ tự túc, chưa kể đến chuyện khan hiếm về con giống (do trái mùa) nên để có mẫu thí nghiệm đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo, để có vật mẫu cho sinh viên quan sát một cách trực quan nhất”.
Hiện tại, sinh viên các khoá vẫn đang tiếp tục lịch học Online tại nhà. Không chỉ các tiết lý thuyết phải dạy trực tuyến mà những buổi thực hành cũng áp dụng hình thức học này. Ðây là năm học khá đặc biệt, vì để hoàn thành các môn học trong chương trình đào tạo, tuỳ tình hình thực tế, nhà trường sẽ sắp xếp thời gian biểu khoa học, vừa để sinh viên hoàn thành các môn học, kiểm tra định kỳ, vừa có thể cung cấp kiến thức cần thiết cho chuyên ngành, nghề nghiệp về sau.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thao tác các buổi thực hành, cô Hiếu Lộc cho biết: “So với các buổi thực hành tại chỗ thì các buổi thực hành dạy Online sẽ bất lợi cho người học, nhất là nắm bắt các thao tác, kỹ thuật khi giáo viên thực hiện. Mặt khác, khi trực tiếp thực hành, giáo viên sẽ dễ dàng quan sát động tác, liều lượng sử dụng các chất hoá học phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người học trong phòng thí nghiệm, giờ thực hành”.
Song hành với các buổi thực hành tại chỗ, vào cuối năm 3, trước khi sinh viên bước vào làm luận văn tốt nghiệp, giảng viên sẽ tổ chức các buổi đi thực tế trải nghiệm cả trong và ngoài tỉnh. Ðiểm đến sẽ là những vùng có hệ sinh thái đa dạng, những vùng miền, địa phương có mô hình trồng, nuôi theo công nghệ cao để sinh viên học tập, tham quan. Chuyến đi thường kéo dài trong 10 ngày. Kết thúc, sinh viên chia theo nhóm (3 người) để báo cáo. Ðây cũng là học phần thực tập tốt nghiệp quan trọng, người học không chỉ giải đáp được những thắc mắc liên quan đến ngành học mà còn tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn cho nghề nghiệp sau này./.
Ngô Nhi