“Từ tỉnh đến cơ sở, tất cả các, cấp các ngành phải thống nhất nhận thức và hành động để lan toả trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, từ đó cùng nhau xây dựng kinh tế tập thể của tỉnh phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn bền vững hơn”, đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, tại Hội nghị phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh Cà Mau, vào ngày 29/3.
Hội nghị còn có sự tham dự của Phó chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng gần 500 đại biểu là lãnh đạo các huyện thành phố, các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Mặc dù đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng sự phát triển của khu vực KTTT, HTX vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. KTTT và HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa thật sự khởi sắc.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phân tích: Hiện toàn tỉnh có 936 tổ hợp tác, 299 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã. Tuy nhiên, số lượng HTX không hoạt động lến đến 61 HTX, chiếm hơn 20%. Ngoài ra, chỉ vài hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bắt đầu hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, hoạt động tương đối hiệu quả, còn lại đa số hoạt động chưa như kỳ vọng. Hoạt động của các HTX thiếu gắn bó với nhau và với cộng đồng doanh nghiệp, chưa có sự liên kết hệ thống chặt chẽ cả về kinh tế, xã hội và tổ chức.
Khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các huyện, thành phố, các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia hội nghị.
Phân tích kỹ hơn về những hạn chế của KTTT trên địa bàn tỉnh, Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, phân tích: Số thành viên trung bình một HTX tỉnh Cà Mau là 16. Số lượng HTX Cà Mau đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL nhưng lại xếp cuối cùng về số thành viên trung bình của mỗi HTX. Ngoài ra, hiện nay chỉ có khoảng 37% HTX của tỉnh có trụ sở làm việc, thấp nhất trong khu vực. Hầu hết các HTX được khảo sát đều chưa có tiêu chí rõ ràng để tự đánh giá, xếp loại HTX mình.
Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, phân tích: Phần lớn các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động ở xã và ấp; từ đó, chỉ có khoảng 24% HTX có xuất được hoá đơn VAT khấu trừ (VAT cho doanh nghiệp) và 16,2% thuế VAT trực tiếp, còn lại hơn 59,7% HTX chưa bao giờ xuất hoá đơn VAT.
Kinh tế tập thể được xác định là thành phần kinh tế quan trọng, là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay… Chính vai trò quan trọng ấy, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các cấp uỷ, chính quyền địa phương, người đứng đầu cấp uỷ chính quyền và cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ và UBND tỉnh trong triển khai, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong đảng viên và quần chúng Nhân dân về bản chất, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xem KTTT là thành phần quan trọng phải được củng cố phát triển và trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế. Phát triển KTTT là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức và tư duy này phải được thay đổi thật sự trong toàn hệ thống chính trị để tạo sự lan toả trong Nhân dân.
Ngoài ra, Đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh còn chỉ đạo, đổi mới nâng cao hiệu quả KTTT phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, nhất là cơ sở, phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng và phải được triển khai thường xuyên. Đồng thời, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội phải phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phát triển KTTT, để KTTT lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện thành phố dựa vào đặc thù, thế mạnh của mình chọn mỗi huyện, thành phố từ 2 -3 mô hình HTX hoạt động theo quy định, làm ăn có hiệu quả, với nhiều dịch vụ và phải hình thành được chuỗi sản xuất, để hỗ trợ cho các thành viên HTX. Làm đâu phải chắc đó để làm cơ sở nhân rộng. Trong xây dựng mô hình phải bám chặt các quy định và giữ nguyên bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT theo định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa./.
Nguyễn Phú