(CMO) Rác thải y tế tại các cơ sở y tế, các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, để đảm bảo an toàn phòng dịch, thời gian qua, việc thu gom, vận chuyển và xử lý loại rác thải này đã được các đơn vị trong tỉnh triển khai, thực hiện theo những quy trình nghiêm ngặt, không để phát tán mầm bệnh.
Thu gom và xử lý rác thải y tế tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự địa phương, Phường 6, TP Cà Mau. (Ảnh chụp tháng 5/2021). |
Tỉnh Cà Mau thực hiện việc thu gom vận chuyển và xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm.
Hiện tỉnh có 9 cụm xử lý (mỗi huyện, thành phố 1 cụm và 1 cơ sở tự xử lý là Bệnh viện Sản - Nhi), với tổng công suất 3.860 kg/ngày. Trong điều kiện bình thường các cụm đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn nguy hại.
Tuy nhiên, trong năm 2021, dịch bệnh tăng đột biến, tỉnh đã thành lập nhiều bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung để điều trị F0 và cách ly F1, vì vậy đã phát sinh lượng rác thải y tế lớn, vượt khả năng xử lý của ngành y tế. Do đó, một lượng lớn rác thải rắn tồn đọng không xử lý kịp mặc dù các cụm đã hoạt động hết công suất.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Công Lý tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 và các khu phong toả nên đã góp phần giảm tải cho các cụm xử lý trong thời gian cao điểm. Trong năm 2022, tình hình dịch từng bước được kiểm soát tốt dần đi vào ổn định nên việc thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt hơn.
Mặc dù mỗi huyện, thành phố đều có một cụm xử lý rác thải y tế nhưng chỉ có cụm 1 là Bệnh viện Đa khoa Cà Mau phát huy được hiệu quả tối đa. Các cụm còn lại không phát huy được vai trò cụm xử lý, nguyên nhân là không có phương tiện vận chuyển đạt chuẩn và điều kiện giao thông đi lại còn khó khăn. Vì vậy, phần lớn việc thu gom, xử lý chất thải y tế tại các trạm y tế thuộc trung tâm y tế các huyện còn nhiều bất cập, rác thải được đốt bằng các lò thủ công, không đạt chuẩn. Hiện nay toàn tỉnh chỉ có 3 trạm y tế là Ngọc Chánh (Đầm Dơi), Tân Hải (Phú Tân), Trí Phải (Thới Bình) đã được đầu tư, trang bị hệ thống xử lý chất thải rắn y tế và nước thải đạt chuẩn.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Trúc, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết, rác thải y tế tại các cơ sở y tế được phân ra nhiều loại như rác thải sinh hoạt thông thường, rác thải tái chế, rác thải lây nhiễm, rác thải nguy hại không lây nhiễm. Mỗi loại rác thải được xử lý theo hướng khác nhau. Trong đó, rác thải thông thường bệnh viện thuê Công ty Công trình đô thị Cà Mau thu gom và xử lý, rác thải tái chế (phế liệu) bán cho công ty thu mua phế liệu, rác thải nguy hại không lây nhiễm cũng thuê một công ty có chức năng xử lý rác. Còn lại rác thải lây nhiễm, bệnh viện sẽ xử lý bằng cách đốt. Số lượng rác thải hàng ngày khá nhiều nên lịch thu gom sẽ chia theo các ngày chẵn, lẻ trong tuần.
“Nhờ thực hiện kịp thời và hiệu quả trong việc thu gom và xử lý rác thải tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP Cà Mau và số ca nhiễm Covid-19 đã giảm nên đến giai đoạn hiện nay vẫn bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và người tham gia quản lý, thu gom, xử lý rác thải y tế”, thạc sĩ Nguyễn Xuân Trúc thông tin.
Mới đây, để duy trì và thực hiện tốt việc thu gom và xử lý rác thải y tế, Sở Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở Y tế; các đơn vị y tế ngành: Bệnh viện Công an, Bệnh viện Quân - Dân y tỉnh; các đơn vị y tế ngoài công lập: bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh chấn chỉnh công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế đúng quy định. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện tốt công tác phân loại chất thải y tế và chất thải sinh hoạt đúng theo quy định. Tuyệt đối không để chất thải y tế lẫn trong chất thải sinh hoạt và xử lý sai quy định. Thành lập các tổ quản lý chất thải và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế tại các khoa, phòng thuộc đơn vị./.
Quỳnh Anh