(CMO) Tiết học với đầy đủ màu sắc, trò chơi, từng sinh viên liên tục được hoá thân thành những nhân vật cổ tích để kể chuyện, hay đàn ca, hát múa, làm đồ chơi… không chỉ giúp sinh viên ngành Giáo dục mầm non hình thành năng lực nghề nghiệp, mà còn bồi dưỡng lòng yêu nghề, mến trẻ.
Việc tăng cường các tiết thực hành vào chương trình chính khoá vô cùng cần thiết đối với ngành Giáo dục mầm non. Yêu cầu đặt ra đối với người học, sinh viên sau khi tốt nghiệp là phải thông thạo kỹ năng làm đồ dùng học tập, thiết kế các tiết dạy, tổ chức được các hoạt động góc…
Sinh viên ngành Giáo dục mầm non sử dụng đồ dùng học tập kết hợp để minh hoạ kể chuyện cổ tích “Ba chú heo con”. |
Trong khung đào tạo 3 năm, số môn, tiết thực hành chiếm 40% tổng số các môn học (bao gồm cả những môn đại cương). Tuy nhiên, trên thực tế, do đặc thù của ngành học phải thực hành nhiều, nên giảng viên luôn tạo mọi điều kiện để sinh viên ngoài giờ lên lớp còn tham gia các hoạt động ngoại khoá, tăng cường thực hành, thực tế.
Cô Lê Tuyết Ðào, Phó trưởng Khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, cho biết: “Bắt đầu từ năm học thứ 2 trở đi, sinh viên sẽ bắt đầu cọ xát với các môn thực hành về chuyên ngành. Một số môn có giờ thực hành nhiều như: kỹ thuật làm đồ chơi, phương pháp tổ chức hoạt động âm nhạc, phương pháp giáo dục thể chất, phương pháp làm quen với văn học, toán, phương pháp làm quen và khám phá môi trường xung quanh…”.
Thông thường, giáo viên chỉ là người tổ chức định hướng, trên nền tảng lý thuyết sẵn có, người học áp dụng để hoàn thành yêu cầu mà giáo viên đặt ra. Có những môn học sẽ tính thành tích cá nhân, còn lại sẽ cho làm việc nhóm. Ðể tạo hiệu quả tương tác trong những tiết học, giáo viên sẽ phân chia thành từng nhóm để lên tiết dạy, một sinh viên của nhóm sẽ đóng vai cô giáo và các thành viên còn lại trong nhóm đảm nhận vai trẻ. Cô giáo sẽ tham dự tiết dạy để nhận xét, đánh giá.
Ðối với ngành mầm non, thường những kiến thức sinh viên tiếp nhận khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ được vận dụng vào thực tế nghề nghiệp về sau. Cho nên, trong quá trình đào tạo, giáo viên sẽ truyền đạt những kinh nghiệm, bài học liên hệ thực tế để sinh viên tập làm quen. Thông thường, các tiết thực hành chủ yếu xoay quanh việc thiết kế đồ dùng học tập, mô hình, đồ chơi... thay thế những vật dụng, tranh ảnh sẵn có để ứng dụng vào các tiết dạy trên lớp. Mỗi sinh viên phải tự trang bị kỹ năng cơ bản: biết thiết kế tiết dạy kết hợp với đồ dùng trực quan, trong đó phải đảm bảo các yêu cầu khoa học, thẩm mỹ, đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Em Ðoàn Dương Ni, sinh viên năm thứ 2 ngành Giáo dục mầm non, cho biết: “Trong tất cả các tiết thực hành, tôi đặc biệt thích nhất là làm đồ dùng học tập, đồ chơi, vì đó là những gì mà giáo viên mầm non cần có để bổ trợ cho nghề nghiệp về sau. Mặt khác, các tiết thực hành còn mang lại cho người học những giây phút thư giãn khi cùng các bạn làm việc nhóm và lưu lại những kỷ niệm khó quên của quãng đời sinh viên”.
Mai Huyền Chân, sinh viên năm thứ 2 ngành Giáo dục mầm non, bộc bạch: “Việc tự tìm tòi rồi tỉ mỉ làm ra các đồ dùng, mô hình, đồ chơi rất thú vị. Thay vì chỉ nhìn trên tranh ảnh, con chữ thì bắt tay vào tự thiết kế, làm một vật dụng nào đó giúp sinh viên rèn luyện tay nghề, có thêm nhiều kỹ năng mới. Qua những tiết thực hành, tôi có thể tự sáng tạo ra nhiều đồ dùng handmade để trang trí trong nhà, góc học tập, làm việc…”.
Cô Lê Tuyết Ðào chia sẻ: “Phần lớn sinh viên theo học ngành giáo dục mầm non có gia đình thuộc diện khó khăn nên việc trang trải kinh phí cho các tiết thực hành còn rất hạn chế. Ðể giải quyết vấn đề trên, một là giáo viên sẽ vận động xã hội hoá, hai là khuyến khích sinh viên tận dụng những vật liệu tái chế để tạo ra đồ dùng dạy học độc đáo. Bằng những kỹ năng thiết yếu này, hầu hết sinh viên ra trường khi nhận nhiệm vụ dạy học tại các trường mầm non, nhất là những điểm còn khó khăn về cơ sở vật chất đều có thể chủ động, linh hoạt sáng tạo ra được những đồ dùng học tập cần thiết để phụ trợ cho những buổi lên lớp, không những giúp tiết kiệm chi phí mua vật liệu, mà qua đó còn góp phần bảo vệ môi trường sống”.
Từ những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi, người học vận dụng sự khéo léo tạo ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ, phù hợp với chủ đề của môn học. Ngoài ra, các vật dụng này còn có thể ứng dụng vào nhiều tiết học khác. Ðây là những kỹ năng cần có của mỗi giáo viên mầm non, không chỉ tự làm được mà còn phải truyền đạt, hướng dẫn cho trẻ tự làm, từ đó kích thích sự ham học hỏi, nghiên cứu của trẻ.
Thường sau mỗi tiết thực hành, sản phẩm của sinh viên các khoá sẽ được giữ lại, trưng bày tại phòng thực hành để làm mẫu cho những khoá sau tham khảo, học tập. Một điều dễ thấy là tuy cùng chủ đề yêu cầu, nhưng với sự linh hoạt của giáo viên hướng dẫn, cùng khả năng thẩm mỹ, sáng tạo của từng cá nhân mà sản phẩm làm ra đều mang nét riêng.
Mỗi ngành học đều có những điểm thú vị riêng, tuỳ theo đam mê và sự chọn lựa của sinh viên. Việc phát huy được sở trường, cùng sự tiếp thu nghiêm túc trong 3 năm đào tạo trên giảng đường sẽ giúp sinh viên có được hành trang vững vàng, tự tin hơn khi tiếp xúc với công việc, nghề nghiệp sau này./.
Ngô Nhi