Trong xu thế hội nhập, đứng trước nhiều thách thức buộc các doanh nghiệp (DN) phải thay đổi mình, ứng dụng mạnh mẽ các dịch vụ số, phần mềm từ trong công tác quản lý, điều hành đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nắm bắt nhu cầu đó, tỉnh Cà Mau đã và đang tích cực hỗ trợ các DN trên địa bàn, nhất là DN nhỏ và vừa (SME).
- Sôi nổi Ngày hội Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau
- Chuyển đổi số trong kinh tế tập thể là xu thế cấp thiết
- Viettel hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh
- Chuyển đổi số “Toàn dân, toàn diện”
Toàn tỉnh hiện có trên 4.600 DN, tổ chức kinh doanh và 23.481 hộ kinh doanh đang hoạt động; trong đó có hơn 2.490 DN SME tiếp cận Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số (Chương trình SMEdx), chiếm 52,42%. Ngoài ra, có 6 ngàn hộ kinh doanh có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMÐT) và 125.614 tài khoản người bán trên 2 sàn TMÐT madeincamau.com và buudien.vn.
Ðể thúc đẩy nhanh các DN SME tham gia tiến trình chuyển đổi số (CÐS), các DN viễn thông đã không ngừng hỗ trợ, đưa các chương trình, dịch vụ, ứng dụng số đến với các DN SME trên địa bàn TP Cà Mau lẫn tuyến huyện.
Ông Phạm Học Khiêm, Phó Giám đốc Viettel Cà Mau chia sẻ: “Tỉnh Cà Mau có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để thúc đẩy các DN này phát triển trong thời kỳ kỷ nguyên số, Viettel đã triển khai rất nhiều giải pháp chuyển đổi số. Trong đó, có những dịch vụ đã triển khai như: cung cấp chữ ký số Viettel – CA, thị phần chữ ký số này hiện chiếm hơn 50%. Ngoài ra, Viettel đang triển khai chữ ký số từ xa điện tử Mysign, với chữ ký số này, chúng ta không cần phải ký bằng các thiết bị nữa mà có thể ký trên nhiều nền tảng. Đồng thời, đơn vị cũng tiên phong đẩy mạnh hoá đơn điện tử, hợp đồng điện tử cho các DN, góp phần doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng tốt các dịch vụ này”.
Viettel Cà Mau đưa ra nhiều giải pháp công nghệ áp dụng cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.
Nắm bắt những nhu cầu thực tế, Viettel Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh đưa ra nhiều giải pháp công nghệ áp dụng cho các DN, nhất là các DN SME ở các địa phương. Trần Văn Thời là huyện đầu tiên trong 8 huyện trên địa bàn tỉnh được Viettel tổ chức hội thảo hỗ trợ cho các DN SME tiếp cận công nghệ số. Tại đây, 5 giải pháp số đã được đông đảo DN SME, hộ kinh doanh quan tâm. Nhất là giải pháp về năng lượng điện mặt trời áp mái, đây được xem là giải pháp xu thế về năng lượng xanh, giúp các DN tiết kiệm chi phí về điện. Ngoài ra, còn có giải pháp hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy truyền thống của các DN; phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự giúp DN quản lý thuận tiện hơn và tránh được các sai sót, rủi ro không đáng có.
Ông Trần Văn Khen, đại diện Xí nghiệp Chế biến thuỷ sản Sông Ðốc, cho biết: “Khi mới tiếp cận với CÐS, đơn vị còn nhiều cập rập, áp dụng các ứng dụng số chưa nhiều, chưa nắm bắt sâu, kịp thời. Hiện nay, đơn vị đã từng bước ứng dụng một số giải pháp, dịch vụ số. Nhìn chung, các giải pháp số triển khai này là những giải pháp tối ưu. Trong đó, đơn vị quan tâm nhất là phần mềm kế toán, hợp đồng điện tử và quản lý nhân sự. Ðây là những giải pháp trọng tâm, cần thiết để DN có thể áp dụng. Với những giải pháp này sẽ giúp DN giảm được thời gian làm việc, quản lý nhân sự chặt chẽ, tiện ích, hạn chế được rủi ro tài chính”.
Ông Huỳnh Văn Toản, Công ty TNHH MTV Quốc Ðạt, thị trấn Sông Ðốc, bày tỏ: “Thời gian qua, DN tiếp cận chưa nhiều với các giải pháp số. Ðối với các DN nhỏ và vừa thì đây là những phần mềm mang lại lợi ích rất lớn, giúp tiết kiệm được chi phí, quản lý chặt chẽ hơn về nhân sự, kết nối được rất nhiều cơ quan, đơn vị. Trong đó, chúng tôi quan tâm về hợp đồng điện tử, quản lý nhân sự. Mong muốn các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục hỗ trợ các DN có cơ hội để tiếp cận các dịch vụ giải pháp số để từ đó áp dụng vào trong quản lý, sản xuất kinh doanh, tiết kiệm tối đa được chi phí, hiện đại hoá DN, bắt kịp xu thế, tiến trình CÐS”.
Doanh nghiệp SME mong muốn áp dụng công nghệ thông tin, CÐS để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. (Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV Quốc Ðạt, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, trong giờ làm việc).
Rõ ràng, các DN đang từng bước gia nhập vào công cuộc CÐS, tuy nhiên, theo đánh giá, chỉ mới ở một số lĩnh vực nhất định. Bên cạnh đó, tư duy thay đổi cái cũ để chuyển đổi cái mới của một số DN còn là một rào cản. Một số DN có quy mô vừa và nhỏ còn ít quan tâm đến CÐS, dẫn đến hạn chế đầu tư nguồn lực cho hoạt động phát triển TMÐT để mở rộng và phát triển kinh doanh trên các sàn TMÐT. Số hộ kinh doanh có tài khoản trên sàn TMÐT có tăng nhưng chưa nhiều, dẫn đến các sản phẩm đăng trên sàn chưa được đa dạng, khó thu hút được khách hàng.
Ông Khiêm cho biết: “Các DN này ban đầu sẽ cảm giác nhiều khó khăn để nắm bắt các giải pháp số. Song, khi đi vào thực tế triển khai sẽ thấy cực kỳ dễ dàng, thuận lợi cho quá trình quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nội dung số đến DN theo định hướng của tỉnh, như hỗ trợ các DN thanh toán không dùng tiền mặt, các vấn đề về thủ tục giấy tờ. Ðặc biệt, sẽ triển khai đến tất cả DN trên các địa bàn tuyến huyện về các ứng dụng, phần mềm giúp DN quản lý tự động, điều hành từ xa, góp phần thúc đẩy các DN nắm bắt nhanh, theo kịp công nghệ số, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Hồng Nhung