ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 14-11-24 02:06:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh

Báo Cà Mau Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 6 công ty, doanh nghiệp in ấn cùng một số cơ sở in bao bì, nhãn hàng, thiệp mời, danh thiếp và các cơ sở photocopy; có 3 doanh nghiệp lớn về phát hành xuất bản phẩm. Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở này thực hiện nghiêm các quy định Luật Xuất bản. Ngành chức năng cũng tăng cường quản lý hiệu quả hoạt động in, xuất bản, phát hành.

Ngày 20/11/2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Xuất bản. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, có 6 chương, gồm 54 điều thay thế Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2008/QH12, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xuất bản, in và phát hành và tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. 

Tại Cà Mau, sau khi Luật Xuất bản năm 2012 được ban hành, tỉnh đã tổ chức quán triệt và cụ thể hóa các nhiệm vụ quản lý Nhà nước được quy định tại Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Đồng thời, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định triển khai, hướng dẫn việc cấp đổi thủ tục hành chính theo quy định và tổ chức tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Mặt khác, Sở chủ động trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Ấn phẩm Măng non Đất Mũi là ấn phẩm dành riêng cho thanh thiếu nhi tỉnh Cà Mau do Hội đồng đội tỉnh thực hiện, được Sở TT&TT cấp phép sản xuất số:01/GP-STTT, ngày 9/4/2024 được các em học sinh đón nhận và yêu thích. 

Ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết, từ năm 2017 đến nay, khi Nhà xuất bản Phương Đông giải thể, trên địa bàn tỉnh hoạt động xuất bản chủ yếu là xuất bản tài liệu tuyên truyền phát hành nội bộ. Hoạt động in chủ yếu là các sản phẩm báo in, tạp chí in và các ấn phẩm báo chí khác. Hiện nay, trên địa bàn có 6 công ty, doanh nghiệp in ấn. Ngoài ra còn có một số cơ sở in bao bì, nhãn hàng, thiệp mời, danh thiếp và các cơ sở photocopy những giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, các doanh nghiệp in đều chấp hành tốt Luật Xuất bản về điều kiện hoạt động và điều kiện nhận in, các ấn phẩm đủ tiêu chí và có xin giấy phép xuất bản, bên phía công ty mới tiến hành cho in ấn phẩm. 

Theo đó, việc xuất bản các tài liệu không kinh doanh đều thực hiện theo đúng quy định của Luật Xuất bản năm 2012, Nghị định số 195/20 13/NÐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.Việc xuất bản được thực hiện nghiêm túc từ khâu xây dựng bản thảo, biên tập nội dung, hình ảnh; xin cấp phép xuất bản và chọn cơ sở in đủ năng lực thực hiện việc in ấn xuất bản. Chất lượng các ấn phẩm ngày càng được nâng cao, không để xảy ra các sơ suất về quan điểm chính trị. 

Nội dung các ấn phẩm đã bám sát tôn chỉ, mục đích và những chủ đề, nhiệm vụ chính của các cơ quan, đơn vị. Các doanh nghiệp in thực hiện đúng về số lượng in, khuôn khổ... theo giấy phép xuất bản hoặc quyết định xuất bản, không vi phạm các hành vi cấm trong hoạt động in như in lậu, in giả, in nối bản, in sai số lượng... 

Trên lĩnh vực phát hành, hiện, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp lớn về phát hành xuất bản phẩm, tập trung tại TP Cà Mau là Công ty Cổ phần sách - thiết bị Cà Mau, Fahasa Cà Mau, Fahasa Đất Mũi. Còn lại là các hiệu sách văn hoá phẩm hộ gia đình phát hành xuất bản phẩm quy mô lớn, nhỏ được duy trì từ thành phố cho đến các gia đình, nhỏ lẻ trải đều ở cấp huyện. 

Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị Cà Mau chỉ phát hành sách từ một nguồn chính thống của NXB Giáo dục Việt Nam (đơn vị cung cấp sách giáo khoa chính thống cho các tỉnh, thành phố trên cả nước). 

Bà Nguyễn Hồng Gấm, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị Cà Mau thông tin: “Năm học 2024-2025, công ty đã phát hành trên 2 triệu bản sách từ một nguồn chính thống của NXB Giáo dục Việt Nam (đơn vị cung cấp sách giáo khoa chính thống cho các tỉnh, thành phố trên cả nước), nhờ đó mà được các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá, phụ huynh học sinh đã tin tưởng và luôn ủng hộ công ty”. 

Theo bà Gấm, những năm gần đây, các đối tượng in lậu thường chào bán sách giả với chiết khấu cao, thoả thuận với các đại lý, cửa hàng và nhà sách trên địa bàn nhận sách in lậu bán trà trộn với sách thật để lừa giáo viên, phụ huynh và học sinh, mang lợi nhuận cho các đối tượng, đồng thời làm mất uy tín của NXB Giáo dục Việt Nam. Đã qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã có sự phối hợp kiểm tra các đơn vị phân phối, các nhà sách trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện vấn nạn sách giáo khoa giả; đồng thời, có biện pháp xử lý mạnh tay các đơn vị vi phạm để không còn tình trạng sách giả tràn lan, nhằm bảo vệ quyền lợi của tác giả, thầy cô giáo và các em học sinh.

Theo báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh có xảy ra tình trạng buôn bán sách in lậu với số lượng ít; một số cơ sở in (bao gồm cơ sở photocopy) không khai báo hoạt động với UBND cấp huyện... Sở đã phối hợp các ngành liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đồng thời tịch thu, tiêu huỷ số sách đó theo đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được chú trọng. 

Định kỳ hằng năm, Đội liên ngành phòng, chống in lậu của tỉnh đều ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân in ấn - kinh doanh xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Đội liên ngành thường xuyên phối hợp Phòng Văn hoá - Thông tin các huyện, TP Cà Mau kiểm tra, xuất bản phẩm đã có quyết định thu hồi hoặc xuất bản phẩm không được lưu hành theo đề nghị của Cục Xuất bản, in và phát hành.

Theo đó, tính từ năm 2013 đến nay, Sở thông tin và Truyền thông đã tổ chức thực hiện tổng cộng 21 cuộc kiểm tra đối với lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 8 cuộc kiểm tra hoạt động in, 7 cuộc kiểm tra phát hành xuất bản phẩm, 6 cuộc kiểm tra lịch bloc, với 193 lượt đơn vị được kiểm tra. 

Kết quả kiểm tra, có 38 đơn vị vi phạm, phạt cảnh cáo 17 đơn vị, phạt bằng tiền 17 đơn vị với tổng số tiền là 56 triệu đồng. Thu hồi, tiêu huỷ hơn 1.800 xuất bản phẩm in lậu, dán tem giả. 

Đồ hoạ: LÊ TUẤN

Theo kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra năm 2024, từ đây đến cuối năm, để phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm, nhất là thời điểm sắp đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện 2 cuộc kiểm tra gồm: kiểm tra về hoạt động phát hành lịch bloc và kiểm tra thi hành Luật Xuất bản. Đồng thời, ban hành văn bản tăng cường công tác giám sát, chấn chỉnh hoạt động in và phát hành xuất bản phẩm, hoạt động in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán.

Người tiêu dùng cương quyết không tiếp tay cho những kẻ làm sách giả; chỉ mua sách thật của NXB chân chính.

Đặc biệt, hiện nay "văn hoá nghe nhìn đang chiếm ưu thế và có phần lấn át văn hoá đọc", bên cạnh kênh phát hành truyền thống, các nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách dần phát triển hình thức phát hành online (trực tuyến); chuyển đổi từ xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử nhằm phục vụ kịp thời nhu cần học tập, nghiên cứu của cộng đồng - xã hội, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo... Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, hoạt động giao dịch thương mại điện tử trên môi trường không gian mạng, hoạt động liên quan đến các sản phẩm của ngành xuất bản, in và phát hành đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành tìm kiếm và tham khảo các công nghệ mới để ứng dụng trong hoạt động của mình.

Là cơ quan tham mưu công tác quản lý Nhà nước về công tác xuất bản, in và phát hành trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 778/QÐ-UBND, tỉnh Cà Mau đã công bố danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình nội bộ, liên thông giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện đăng tải các thông tin và cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến, nhằm minh bạch hoá và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất bản; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 230/KH-UBND 2022 của tỉnh Cà Mau nhằm thực hiện chuyên đối số, phát triển Chính phủ điện tử và kinh tế số. Bên cạnh đó, tập trung vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản, in và phát hành, nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm để tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực này.

“Từ đây đến cuối năm cũng như năm 2025 là năm diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, trong đó địa bàn tỉnh cũng có nhiều sự kiện đặc biệt, là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, vai trò quản l‎ý các thông tin, các ấn phẩm trên địa bàn sẽ được tăng cường. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn lại đội liên nghành về phòng chống in lậu trên địa bàn; tăng cường triển khai Luật xuất bản để quán triệt được đến các cơ sở kinh doanh các xuất bản phẩm, các cơ sở in ấn, phát hành chấp hành nghiêm các quy định xuất bản. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của sở phối hợp với phòng văn hoá – thông tin tăng cường quản lý phát hành các ấn phẩm, xuất bản phẩm trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi in lậu, buôn bán sách lậu, sách giả và sách vi phạm bản quyền. Tin tưởng rằng các hoạt động xuất bản phẩm, quản lý cũng như là triển khai hoạt động xuất bản trên địa bàn sẽ đạt kết quả như mong muốn”, ông Nguyễn Văn Đen khẳng định. 

Có thể thấy, qua hơn 12 năm thi hành Luật xuất bản số 19/2012, công tác in, xuất bản và phát hành trên địa bàn tỉnh có sự phát triển đáng kể về chất phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của Nhân dân. Các đơn vị, tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp cũng đã thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xuất bản. Cùng với những định hướng và giải pháp được các cơ quan chức năng đề ra thời gian tới sẽ tạo ra hệ thống quản lý hiệu quả, minh bạch và đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong thời đại số./.

Băng Thanh – Hoàng Vũ

 

 

 

 

"Siết chặt tay" quản lý hoạt động thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh mua bán trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẻ hoạt động này trên môi trường điện tử đòi hòi sự phối hợp, chung tay của nhiều ngành, đơn vị, để góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trên môi trường mạng.

Thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển nhanh, mạnh

Hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 6 công ty, doanh nghiệp in ấn cùng một số cơ sở in bao bì, nhãn hàng, thiệp mời, danh thiếp và các cơ sở photocopy; có 3 doanh nghiệp lớn về phát hành xuất bản phẩm. Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở này thực hiện nghiêm các quy định Luật Xuất bản. Ngành chức năng cũng tăng cường quản lý hiệu quả hoạt động in, xuất bản, phát hành.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm

Tính đến hết ngày 13/9/2024, Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra 68 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Nhìn chung năm nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tuân thủ các quy định pháp luật trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm

Xác định kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ là biện pháp tích cực nhằm ngăn ngừa mầm bệnh phát tán, đảm bảo môi sinh, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua Chi cục Chăn nuôi - Thú y đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và các quy định trong công tác phòng dịch bệnh rộng rãi đến các hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, chế biến kinh doanh để các hộ chủ động trong công tác phòng ngừa.

Xuất bản phẩm điện tử - Xu thế của thời đại

Xuất bản phẩm điện tử (XBPĐT) là một phương thức của hoạt động xuất bản, đã và đang mở ra một thời cơ mới cho ngành xuất bản khi mà hoạt động xuất bản của hầu hết các nước trên thế giới không nằm ngoài thời đại số hoá.

Bản án thích đáng dành cho hành vi cướp tài sản trên biển

Sáng nay (18/7), tại trụ sở UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, Toà án nhân dân huyện Trần Văn Thời mở phiên toà sơ thẩm hình sự lưu động xét xử bị cáo Bùi Công Danh và các nghi phạm về tội cướp tài sản. Đây là vụ việc liên quan đến tranh chấp ngư trường, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Để doanh nghiệp phát triển trên sàn thương mại điện tử

Trong thời đại công nghệ số, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành hình thức, xu hướng kinh doanh. Để doanh nghiệp (DN) hiểu đúng, đủ và thực hiện tốt pháp luật kinh doanh trên lĩnh vực này, ngành Thuế tỉnh không ngừng tuyên truyền, hỗ trợ các DN, tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh kê khai, nộp thuế trên sàn TMĐT.

Ngăn chặn thực phẩm giả, bảo vệ sức khoẻ người dân

Trong bối cảnh thực phẩm giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường, việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm là vô cùng cần thiết.

Vi phạm vùng biển nước ngoài chế tài rất nặng

Ðã qua, tình hình vi phạm vùng biển nước ngoài thuộc lĩnh vực bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Cà Mau có buổi phỏng vấn ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp.

Hoạt động xuất bản chuyển biến tích cực 

Những năm qua, hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh Cà Mau từng bước ổn định và đi vào nền nếp. Song, hoạt động này vẫn có những bất cập như: xuất bản phẩm in sao lậu, vi phạm bản quyền, không rõ nguồn gốc xuất xứ… ảnh hưởng tiêu cực đến tính giáo dục thẩm mỹ, văn hoá xã hội.