(CMO) Ô nhiễm môi trường luôn là một trong những vấn đề “nóng” được người dân phản ánh tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND. Bởi lẽ việc ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh mà nó cũng sẽ là rào cản đối với phát triển kinh tế nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để.
Cách trung tâm TP Cà Mau không xa, Khu Công nghiệp Hoà Trung (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước) là một trong những điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Khu công nghiệp này phần nhiều chuyên về chế biến thuỷ sản, các cơ sở sản xuất nước mắm, chế biến đầu vỏ tôm… nên ô nhiễm từ mùi hôi trong không khí, từ nước thải... ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, gây bức xúc đối với người dân sinh sống nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Đương, ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, cho hay, trong khu vực ấp Năm Đảm có 4 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, sản xuất nước mắm. Trong quá trình sản xuất, những doanh nghiệp này chưa tuân thủ việc đảm bảo môi trường thải nên không chỉ nguồn nước ô nhiễm mà không khí cũng luôn có mùi đặc trưng.
Chế biến đầu vỏ tôm với công nghệ thô sơ, không bảo hộ tại Khu Công nghiệp Hoà Trung, vừa ảnh hưởng sức khoẻ công nhân, vừa gây mùi hôi thối ra môi trường. |
“Từ ngày các doanh nghiệp dồn về sản xuất tập trung tại địa phương thì việc thưa gởi của người dân càng nhiều. Rồi việc các nhà chuyên môn vào kiểm tra, đo đạc cũng diễn ra thường xuyên nhưng xem ra ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp này vẫn không được giải quyết dứt điểm”, ông Nguyễn Văn Đương bức xúc.
Mặc dù đã được vận hành, đưa vào sử dụng thời gian khá dài nhưng vấn đề sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Hoà Trung vẫn là điểm nóng tại các buổi tiếp xúc cử tri của Quốc hội, HĐND. “Có dịp đi bằng đường thuỷ, nhất là khi nước ròng, mùi hôi, tanh bốc lên, nước đỏ gây chết cá nên việc nuôi thuỷ sản của người dân địa phương không hiệu quả. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan có liên quan được thực hiện ra sao? Người dân không được tham gia, không được biết, được giám sát nên tình trạng ô nhiễm nước, không khí ở nơi đây vẫn còn tồn tại từ khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động đến nay”, ông Đoàn Văn Trường, ấp Trung Thành, xã Lương Thế Trân, bức xúc.
Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Cà Mau góp phần bảo vệ môi trường. |
“Ngộ một điều, khi cán bộ tài nguyên môi trường vào kiểm tra, công ty đã dọn trước, dọn sạch hết”, ông Nguyễn Trọng Khang, ấp Hoà Trung, thông tin thêm.
Không chỉ bức xúc đối với việc các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường, vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cũng trở thành đề tài được nhiều cử tri quan tâm. Ông Chung Văn Phước, ấp Công Nghiệp B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, băn khoăn, mặc dù được các cơ quan chức năng đầu tư phương tiện thu gom rác thải, rác sinh hoạt, nhưng đã lâu rác thải không được vận chuyển về nơi xử lý. Nhiều tháng qua, rác ùn ứ tại nơi tập kết, lại gần trường học, ảnh hưởng đến sức khoẻ các cháu học sinh.
Tại buổi thảo luận tổ nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Phan Mộng Thành băn khoăn về chỉ tiêu đề ra trong năm 2021: tỷ lệ rác thải ở đô thị, cụm công nghiệp được thu gom, xử lý phấn đấu đạt 86%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 80%. “Lượng rác thải còn lớn như vậy thì môi trường chúng ta còn ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Bên cạnh đó, đã nói là vi phạm nghiêm trọng mà xử lý có 80%, còn 20% sẽ ra sao? Trong khi đó báo cáo lại khẳng định, các doanh nghiệp sản xuất lớn có hệ thống xử lý nước thải 100%? Nếu chúng ta không cương quyết thực hiện 100% thì sẽ còn tình trạng doanh nghiệp lén lút xả thải chưa qua xử lý ra môi trường”, ông Phan Mộng Thành khẳng định.
Hiện nay còn 2 bãi rác, thị trấn Cái Nước, thị trấn Thới Bình, vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phan Văn Minh, hiện nay sở tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ vốn. Bên cạnh đó, một số cơ sở tuyên bố phá sản, vi phạm pháp luật, ngừng hoạt động nên không xử lý được.
Theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng, việc thu gom rác thải được tính theo đầu người. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 1 kg rác thải/người/ngày; Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) là 0,85 kg/người/ngày, các thị trấn khác là 0,65 kg/người/ngày. “Như vậy, dựa theo số liệu thống kê từ các đơn vị thu gom, số liệu rác tập trung về bãi rác Cà Mau khoảng 220 tấn/ngày, đạt khoảng 86%. Số 14% rác chưa được thu gom nằm về vùng ven TP Cà Mau, các thị trấn, các đô thị loại V và 2 đô thị loại IV, khu vực ngõ hẻm xe chưa vào thu gom được và một phần do người dân ở ven sông, kênh, rạch xả rác trực tiếp xuống sông”, Phó giám đốc Sở Xây dựng Mã Minh Tâm cho biết thêm.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới sẽ vẫn còn là câu chuyện dài hơi. Câu chuyện này sẽ được giải quyết nếu nhà quản lý quyết liệt trong thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về ô nhiễm môi trường của cả doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, có những nghiên cứu, ứng dụng các mô hình và giải pháp phù hợp trong bảo vệ môi trường cũng sẽ là giải pháp để môi trường được bảo vệ, người dân an tâm phát triển sản xuất./.
Thanh Phương