Ghi nhận tại một số quốc gia, đến thời điểm hiện tại cho thấy sử dụng thuốc lá điện tử (TLÐT) gây bệnh cấp và mãn tính nguy hiểm, đặc biệt có liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp tính. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng TLÐT được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Hầu hết xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.
Nicotine trong thuốc lá ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh thiếu niên, làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và lâu dài nghiêm trọng: nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần... Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn, vì thế ảnh hưởng đến sức khoẻ và trầm trọng hơn trong tương lai.
Ngành y tế Cà Mau tăng cường hoạt động truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng dân cư.
Theo điều tra, tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi năm 2022, tỷ lệ sử dụng TLÐT trong học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%. Chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng TLÐT trong học sinh đã gia tăng đáng kể. Ðiều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ, bởi việc gia tăng sử dụng TLÐT đang nhắm vào giới trẻ. Ðặc biệt, xu hướng sử dụng TLÐT tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24, với 7,3%, so với các nhóm tuổi 25-44 là 3,2%; 45-64 tuổi là 1,4% (theo số liệu nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 35 tỉnh vào năm 2020).
Bác sĩ Hồ Thanh Ðảm, Trưởng khoa Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: "TLÐT có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u. Ngoài ra, dung dịch TLÐT còn có chất gây ung thư khi được nung nóng và hoá hơi. Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí của TLÐT như: Ethylene Glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, Formaldehyde... được tìm thấy trong thuốc trừ sâu, khói xe ô tô... Một số kim loại như: chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường".
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện khoảng 20 ngàn loại hương liệu sử dụng trong các sản phẩm TLÐT, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khoẻ. TLÐT gây nghiện nhanh chóng cho người sử dụng, đặc biệt ở người trẻ tuổi, gây các bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp, tiêu hoá, ngộ độc, động kinh, bệnh răng miệng và ung thư... Người tiếp xúc thụ động với nicotine trong các sản phẩm này cũng gây tác động bất lợi cho sức khoẻ bà mẹ và bào thai, ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.
"Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá mới tiềm ẩn phát sinh các tệ nạn xã hội, sử dụng ma tuý và chất gây nghiện... TLÐT sử dụng nhiều hương liệu, hoá chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma tuý thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma tuý và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện", Bác sĩ Hồ Thanh Ðảm cho biết thêm.
Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 38,8%. Mức thuế thuốc lá còn rất thấp so với khuyến cáo của WHO là đánh thuế các sản phẩm thuốc lá chiếm 70-75% giá bán lẻ. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển.
Một nguyên nhân khác là thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá rẻ, người dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng./.
Lê Kim