(CMO) Sáng ngày 20/3, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (CMBA) tổ chức Chương trình cà phê kết nối doanh nghiệp với chủ đề “Tiềm năng thị trường mua bán tín chỉ carbon tại tỉnh Cà Mau”.
Buổi cà phê có sự tham gia của ông Nguyễn Việt Dũng, chuyên gia tư vấn về Quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng và tín chỉ carbon thuộc Công ty cổ phần Tư vấn Quốc tế quản lý và phát triển Hà Nội, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, Sở Công thương, các Ban quản lý rừng cùng nhiều doanh nghiệp tham dự.
Các đại biểu tham dự buổi cà phê kết nối doanh nghiệp
Cà Mau có tiềm năng lớn về rừng với diện tích hơn 100.000 ha. Trong đó, diện tích rừng ngập mặn khoảng 60.000 ha. Đây là kiểu rừng giàu trữ lượng carbon nhất. Ước tính, mỗi ha rừng ngập mặn có thể khai thác hàng trăm tấn carbon với giá 5 USD/ tín chỉ. Rừng càng lâu đời lại càng có giá trị hấp thụ và lưu giữ carbon càng lớn. Thứ tài sản này hoàn toàn có thể bán cho những đơn vị phát thải khí carbon lớn.
Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ về hiện trạng rừng Cà Mau; tìm hiểu tín chỉ carbon là gì; cách khai thác mua bán tín chỉ carbon; làm sao để Cà Mau được cấp tín chỉ carbon.
Ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ về tiềm năng tín chỉ carbon mà tỉnh Cà Mau có thể khai thác
Qua trao đổi, đại diện các đơn vị quản lý rừng nhấn mạnh, khi áp dụng dụng các công cụ định giá carbon cần có cách định lượng riêng đối với rừng trồng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; cơ chế tạo tín chỉ cũng cần phải đánh giá, phân tích đầy đủ các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, lựa chọn công cụ định giá carbon phù hợp với điều kiện cụ thể của Cà Mau, hạn chế tối đa việc can thiệp, tác động, đảm bảo phát triển bền vững hệ sinh thái rừng. Việc mua bán tín chỉ carbon sẽ được thực hiện dựa trên tinh thần tự nguyện.
Hiện trên cả nước có khoảng 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ carbon có thể đem trao đổi, tuy nhiên mới chỉ có 6 địa phương được cấp mua bán tín chỉ carbon. Cũng giống như các địa phương khác, Cà Mau cần một số cơ chế cụ thể để hình thành thị trường trao đổi tín chỉ carbon ở tại địa phương. Nguồn thu từ việc kinh doanh tín chỉ carbon sẽ được sử dụng cho các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn, cải thiện sinh kế cho người dân./.
Hồng Phượng