(CMO) Chiều 13/7, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, làm Trưởng đoàn có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với lãnh đạo huyện U Minh về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn huyện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân và đoàn công tác thắp hương tại Khu di tích lịch sử “Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt”, xã Khánh Hoà.
Tổng nguồn vốn 3 Chương trình MTQG trên địa bàn huyện năm 2023 là hơn 46 tỷ đồng. Trong đó, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gần 11 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 20,1 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 14,9 tỷ đồng.
Huyện hiện có 4/7 xã đạt chuẩn NTM là Khánh An, Khánh Hòa, Khánh Tiến, Khánh Hội. Riêng xã Khánh Hội được công nhận đô thị loại V. 3 xã chưa đạt chuẩn NTM: Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Thuận, đều là các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chỉ đạo huyện cần cần phải quyết liệt hơn trong thực hiện các chương trình MTQG.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện cho biết, đa số các xã trên địa bàn huyện bị rớt chuẩn nhiều nhất là các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa... Do đó, nhu cầu về vốn xây dựng, đầu tư nâng cấp lớn, nhưng nguồn lực địa phương chưa đáp ứng nhu cầu nên khi thực hiện phong trào thi đua, các tiêu chí này rất khó đạt.
Tiến độ giải ngân vốn các chương trình MTQG còn chậm. Đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về định mức hỗ trợ thực hiện dự án nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo cũ) khu vực nông thôn của huyện giảm nhưng vẫn còn cao so với các huyện trong tỉnh và khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo tăng cao; doanh nghiệp đóng trên địa bàn các xã ít nên việc huy động nguồn nội lực còn hạn chế. Công tác giảm nghèo đang gặp khó khăn vì các hộ nghèo hầu hết là thiếu nguồn lực lao động, thiếu vốn để phát triển sản xuất, không đất sản xuất...
Kinh tế tập thể tuy thường xuyên được củng cố nhưng hiệu quả hoạt động vẫn chưa cao, việc xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn chậm.
Đoàn kiểm tra thực tế mô hình trồng rau màu thuộc Chương trình MTQG phát triển - kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Ấp 6, xã Khánh Hoà.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng so với các huyện khác thì U Minh là địa phương được đầu tư vốn nhiều và tập trung nhất do huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, có 3 xã đặc biệt khó khăn, nhưng quá trình thực hiện các dự án đầu tư tương đối chậm.
Góp ý với huyện, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Địa phương đưa vào quy hoạch đừng quá tham vọng, công trình phải hiệu quả khi triển khai. Đối với các dự án văn hoá - xã hội nên vận động xã hội hoá, dành nguồn cho phát triển tiêu chí giao thông nông thôn. Địa phương cần quan tâm hơn nữa về tiêu chí sản xuất, phát triển nông thôn”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân khảo sát tiến độ xây dựng Trường THPT U Minh, dự án được đầu tư thêm hạng mục nhà thi đấu đa năng.
Qua khảo sát tiến độ thi công dự án Trạm Y tế xã Khánh Hội, Đoàn công tác thống nhất đầu tư thêm các hạng mục: sân, hàng rào, nhà ở công vụ.
Đánh giá việc thực hiện các chương trình MTQG của địa phương còn khá chậm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân chỉ đạo trong thời gian tới huyện cần phải quyết liệt hơn; thực hiện theo phương châm “ăn chắc, mặc bền”; tránh trường hợp đầu tư không đồng bộ, không mang đến hiệu quả như mong muốn.
“Từng chương trình nên chọn cụ thể để làm thí điểm, tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống ấp theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, từ đó nhân rộng mô hình điển hình. Đặc biệt là công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh sai sót thời điểm đầu mới triển khai”, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đồng thời lưu ý, riêng đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện cần có chương trình, dự án riêng, phải có cách làm mới, hướng đến sự căn cơ hơn đó là đời sống, tư liệu sản xuất, kinh tế gia đình của hộ nghèo./.
Phú Hữu