(CMO) Hoàn cảnh kinh tế không mấy dư giả, nhưng ông Dương Minh Thích, Ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đã góp lại số tiền gần 3 triệu đồng khi vinh dự được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng dịp 2/9 vừa qua cho Ðảng uỷ xã Nguyễn Phích với tâm niệm: “Trong bối cảnh dịch bệnh, hy vọng số tiền nhỏ của tôi sẽ giúp được những hoàn cảnh khó khăn. Tôi coi đó là bổn phận, trách nhiệm của người đảng viên mà trong lúc này tôi còn làm được”.
Tận tuỵ cống hiến
Ông Trần Quốc Sự, Phó bí thư Ðảng uỷ xã Nguyễn Phích, cho biết: “Dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, một số đảng viên cao niên của xã được trao huy hiệu tuổi Ðảng theo quy định. Thật bất ngờ, chú Thích đã ngỏ ý gởi tặng lại số tiền gần 3 triệu đồng của mình cho Ðảng uỷ, dùng số tiền ấy để hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Ðây là lần đầu tiên, một đảng viên cao niên của xã Nguyễn Phích có nghĩa cử, việc làm đẹp và ý nghĩa như thế này”.
Tìm về thăm gia đình ông Dương Minh Thích, câu đầu tiên ông nói với khách là: “Việc làm của tôi là nên làm, việc rất nhỏ thôi, đâu có gì phải phiền đến các cháu nhà báo!”.
Ông Thích đã qua tuổi xưa nay hiếm, bệnh nhiều, đi lại khó khăn, sống với vợ, bà Bùi Thị Triều, vì con cái đã trưởng thành, ra riêng. Ông Thích xởi lởi: “Già rồi, có ít đất cho con hết. Tôi cũng không có lương hưu, giờ con cho nhiêu, sống nhiêu. Mà tiêu pha có tốn kém là bao, có gì ăn đó thôi”.
Ông Dương Minh Thích hy vọng số tiền nhỏ của mình sẽ giúp đỡ phần nào những hoàn cảnh khó khăn. |
Kể cả bà con chòm xóm lân cận lâu năm, ai cũng biết ông Thích đi công tác nhiều năm, mà không ai rõ ông làm những gì, ở đâu, bởi tính ông vốn kiệm lời. Ông Thích kể: “Hồi trước, tôi làm thầy giáo trường làng, dạy quanh xóm. Sau đó, giặc giã rộ lên, tôi tham gia du kích ấp. Sau đó, quay lại làm thầy giáo, làm Phó trưởng phòng Giáo dục - Ðào tạo huyện U Minh. Vì hoàn cảnh riêng, xin nghỉ công tác ngành giáo dục. Về Nguyễn Phích thì công tác ở xã, ấp mấy chục năm nữa, bệnh quá, đi không được nữa, rồi mới xin nghỉ luôn”.
Ông Thích vẫn nhớ như in ngày mình được kết nạp vào Ðảng, mùa mưa tháng 6/1981: “Khi được kết nạp, tôi mừng và vinh dự lắm, nhưng còn là trách nhiệm nữa. Mỗi người phải tự thân phấn đấu cả quãng dài, kiên trì và được ghi nhận thì mới được là đảng viên. Cũng kể từ đó, tôi tự nhủ bản thân, phải trung thành với Ðảng, làm được gì cho tổ chức, cho Nhân dân thì ráng sức mà làm”. Ngồi bên người đảng viên cao niên, tâm sự của ông làm chúng tôi cảm phục: “Tôi già quá rồi, hổm rày thấy anh em góp sức chống dịch, phải còn khoẻ là tôi xông pha đi liền”.
Theo cảm nhận của ông Thích: “Lúc này mới là lúc cần phát huy hơn nữa vai trò của Ðảng, của đảng viên. Ðảng viên phải đi trước để làng nước theo sau, phải thực hiện lời thề trước Ðảng là cống hiến, phục vụ Nhân dân”.
Việc làm nhỏ, giá trị lan toả
Hàng ngày theo dõi tin tức về dịch bệnh, ông Thích tâm sự: “Tôi liên tưởng đến thời đoạn năm 1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp, thì nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã ra lời kêu gọi toàn dân chống dịch. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, ai làm được gì giúp ích cho công tác phòng chống dịch thì ráng sức làm”. Nghe Ðảng uỷ xã trao Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng, ông Thích bàn với vợ ngay, lấy số tiền chế độ đó góp lại cho địa phương, coi như là góp sức mọn vào công việc chung cần kíp.
Hỏi kỹ ra, vợ chồng ông Thích đã mang tâm niệm làm thiện nguyện từ lâu. Bà Bùi Thị Triều, hễ có chút tiền dư giả, hoặc có thời gian nhàn rỗi là tham gia bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Ða khoa U Minh nhiều năm nay. Việc làm này nhận được sự ủng hộ, động viên của ông Thích. Bởi với đôi vợ chồng này, ý nghĩa cuộc sống không nằm ở tài sản vật chất, vun vén cho bản thân, mà cuộc sống là sự sẻ chia, là tình người lan toả.
Bà Triều bộc bạch: “Ông nhà và tôi thấy quê mình còn nhiều người khổ hơn, đem chút ít tấm lòng của mình để san sẻ, coi đó là niềm vui tuổi già. Nói theo ông bà xưa là tích đức cho con cháu. Mà có đi làm từ thiện thì tôi với ông nhà mới thấy vui, thấy sống có ích”.
Nói về việc làm của mình, ông Thích trầm lặng: “Việc tôi làm thì nhỏ bé, có đáng gì đâu. Ngoài kia, cả đất nước gồng mình chống dịch. Có người vì chống dịch mà cách xa gia đình hàng tháng, hàng năm trời, có người nhiễm bệnh, có người hy sinh cả mạng sống. Ít tiền này thì làm sao mà sánh được với những hy sinh cao cả ấy”.
Nói tới đây, khoé mắt của vị cao niên tuổi Ðảng ứa lệ: “Tôi coi ti-vi, thấy cảnh đồng bào bị dịch bệnh, mất mát, khổ cực mà xót lòng, xót dạ lắm. Phải thấy mình may mắn cỡ nào khi được bình yên. Còn nữa, phải làm sao để giữ được cho quê mình bình yên như vầy. Cái này thì không chỉ đảng viên, mà mỗi người đều phải cố gắng chung sức”.
Ngoài kia là cơn mưa bão vào mùa, ông Thích mân mê Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng mới nhận bằng niềm vinh dự dạt dào và đong đếm lại những kỷ niệm của chặng đường đã qua.
Ông tự nói với mình và cả với khách: “Ðảng là đạo đức, là văn minh. Ðạo đức mới là cái gốc, cái cội nguồn của tất cả. Tôi đã hiểu và sống hết lòng như thế đó với tổ chức và với cuộc đời”. Chân trời hửng nắng, ông Thích và vợ tiễn chúng tôi với niềm tin trọn vẹn: “Mai mốt hết dịch, hẹn mấy đứa vào lại nhà chú thím chơi. Còn bây giờ, anh em hãy về vị trí của mình, góp sức cho cuộc chiến chống dịch và nhất định là chiến thắng nhé!”./.
Phạm Hải Nguyên