ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 6-12-23 01:18:29

Tiền trong tài khoản bỗng “bốc hơi”

Báo Cà Mau (CMO) Không bị lừa đảo, cũng không ấn vào bất kỳ đường link lạ nào, càng không cung cấp mã bảo mật (OTP) cho ai, nhưng gần đây liên tiếp có nhiều người phản ánh việc tài khoản ngân hàng bỗng chốc mất sạch. Họ lo lắng đặt câu hỏi về tính năng an toàn và bảo mật của tài khoản ngân hàng, nhất là khi sử dụng ứng dụng app ngân hàng trên điện thoại.

Mất tiền nhưng chưa được giải quyết thoả đáng

Phản ánh với phóng viên báo Cà Mau, anh H.K.B, nhân viên một cơ quan Nhà nước, cho biết, anh vừa mất hơn 7 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng, dù không giao dịch.

Anh kể, đó là ngày anh phải trực ca 24/24h, việc sử dụng điện thoại rất hạn chế, do yêu cầu công việc đặc thù. Hơn 10 giờ sáng hôm đó, tài khoản ngân hàng báo trừ 5,1 triệu đồng. Anh giật mình, vì anh không hề nhận cuộc gọi từ ai yêu cầu chuyển tiền, hay cung cấp mã OTP (các chiêu thức lừa đảo trước đó - PV). Anh cũng khẳng định là không có thời gian cầm điện thoại thì làm sao ấn vào link lạ. Thế nên, anh gọi nhờ tổng đài ngân hàng hỗ trợ, được báo là hệ thống lỗi, không thể kiểm tra nên đề nghị anh trực tiếp đến ngân hàng để được hỗ trợ cụ thể.

Màn hình chụp biến động số dư tài khoản của anh K.B thông qua giao dịch các ví điện tử mà anh không hề hay biết.

“Lúc đó tôi chỉ nghĩ chắc hệ thống lỗi, sáng 7 giờ ra ca mình đến ngân hàng chắc sẽ được hỗ trợ thôi, chứ sao mất tiền được”, anh K.B bộc bạch. Cho tới hơn 1 giờ sáng của ca trực hôm đó, điện thoại anh tiếp tục báo trừ tiền, lúc này anh thực sự hoang mang, kiểm tra lại tài khoản thì chỉ còn hơn 50 ngàn đồng. Anh mới biết mình bị mất tiền thật chứ không phải lỗi hệ thống. Anh B đến ngân hàng nhờ can thiệp, được báo anh mất tiền thông qua ví điện tử Momo và ZaloPay. Khi kiểm tra 2 ví này, tiền mất theo cách rút rất lạ: 10 ngàn, 20 ngàn, 90 ngàn, 1 triệu…, chứ không phải rút toàn phần và có rất nhiều giao dịch rút không thành công rồi chuyển lại mới thành công. Có điều lạ là ZaloPay được báo trừ tiền là do tôi mua hàng 1 ứng dụng online mà tôi chưa từng dùng tới”, anh K.B khẳng định.

Ðiều khiến anh bức xúc chính là trả lời chưa thoả đáng từ phía ngân hàng. Lẽ ra để rút được tiền từ 2 ví điện tử thì anh vẫn được yêu cầu mã OTP, khi sử dụng tài khoản ngân hàng anh luôn lưu ý tính bảo mật, nhưng khi đặt câu hỏi cho ngân hàng, anh chỉ nhận lại lời đáp là do “anh bị lộ thông tin và không có hướng giải quyết nào khác”.

Anh bày tỏ: “Mất tiền do tôi bất cẩn. Nhưng tôi mong các ngân hàng cần có sự cảnh báo, có hướng dẫn khách hàng cách bảo vệ tài khoản và tăng tính bảo mật cao hơn. Chứ hiện nay cùng với các hình thức giao dịch ngân hàng điện tử, ví điện tử đang là dịch vụ phổ biến đối với người dùng, song rủi ro vừa rồi khiến chúng tôi rất hoang mang, không dám để tiền trong tài khoản”.

Một trường hợp nữa là anh T.G, cũng là nhân viên Nhà nước. Theo lời anh G, số tiền trong tài khoản của anh còn trên 10 triệu đồng, sự việc vỡ lẽ khi anh cần thanh toán viện phí cho mẹ thì số dư tài khoản chỉ còn vài chục ngàn đồng. Bất ngờ và hoang mang, anh G đã nhiều lần tìm gặp nhân viên ngân hàng để giải quyết thì được bảo rằng do anh cung cấp mã OTP, anh G thì quả quyết chưa hề cung cấp cho ai và mật khẩu này chỉ một mình anh biết. Sau đó, nhân viên ngân hàng hứa kiểm tra và thông tin lại, nhưng đến nay hơn 2 tháng trôi qua, anh G vẫn chưa được phản hồi.

Giấy báo chuyển tiền của anh G từ phía ngân hàng cho một người thụ hưởng mặc dù anh không thực hiện chuyển khoản.

Trình bày với báo chí, anh G có nguyện vọng, ngân hàng tìm giúp lý do mất tiền và phải đảm bảo an toàn số tiền trong tài khoản, tránh tâm trạng hoang mang, bất an nơi khách hàng khi tiền bỗng “bốc hơi”.

Nhận diện chiêu lừa

Liên quan sự việc trên, chúng tôi có liên hệ, trao đổi với ông Võ Kiên Giang, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Cà Mau. Ông Giang khuyến cáo, trước tiên, 2 trường hợp bị mất tiền theo phản ánh, cá nhân cần làm đơn yêu cầu gửi đến ngân hàng có liên quan để có hướng giải quyết chính đáng.

Qua theo dõi hoạt động thanh toán, NHNN Việt Nam cảnh báo một số hiện tượng liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán thời gian gần đây như sau: Ðối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch cho khách hàng, sau đó tìm cách dẫn nạn nhân cung cấp mã OTP gây rủi ro mất tiền trong tài khoản. Hình thức khác là đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn Internet (đường link), nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử, sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng. Ðối tượng mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash...) để giải ngân một khoản tiền “ảo” (không có thực) kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả, lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt... Ðể đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, người dân cần nhận diện, cập nhật các phương thức, thủ đoạn tội phạm nêu trên; hạn chế tham gia các hoạt động thanh toán dạng liên kết ngân hàng khi chưa am hiểu rõ, nhằm tránh mất tiền oan.

Thông tin từ NHNN chi nhánh Cà Mau, hiện toàn tỉnh có 148 máy ATM, hơn 1 triệu tài khoản đang hoạt động; 7.130 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 785 điểm đặt máy post, với 1.058 máy; 6.295 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR; 491.752 ứng dụng xài app qua ngân hàng trong trạng thái hoạt động; 781.346 thẻ đang hoạt động...

Thời gian qua, việc ứng dụng các dịch vụ ngân hàng qua thẻ có nhiều tiện ích, nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, cá nhân sử dụng thẻ rất cần được bảo mật, đặc biệt là đảm bảo an toàn tài khoản trong quá trình sử dụng, rất mong các ngành chức năng sớm tìm nguyên nhân dẫn đến sự việc mất tiền như đã nêu trên, tránh tâm lý hoang mang cho người sử dụng./.

 

Phương Thanh

 

Báo động tình trạng trộm cắp điện và vật tư trên lưới điện

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều trường hợp trộm cắp điện. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến độ ổn định cung cấp điện, an toàn lưới điện, tổn thất điện năng mà còn nguy hiểm đến tính mạng khi có sự cố xảy ra.

Hiệu quả “Hoà giải 5 tốt” ở cơ sở

Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật luôn bám sát định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, đảm bảo hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, hiệu quả nhất là mô hình “Hoà giải 5 tốt” ở cơ sở.

Tham thì thâm

Ngày 8/11, Toà án Nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Tham ô tài sản” đối với Phan Thị Thuý Phương (SN 1985, ngụ Phường 8, TP Cà Mau); về tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” đối với Dương Mỹ Phượng (SN 1984, ngụ Phường 5, TP Cà Mau).

Thiết thực, hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11

Chiều 6/11, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 và tổng kết trao giải các cuộc thi tìm hiểu pháp luật năm 2023.

Bé gái 4 tuổi bị bạo hành ở Tân Trung đã được chăm sóc

Thông tin từ chính quyền xã Tân Trung (huyện Đầm Dơi) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra 1 vụ bạo hành trẻ em và đối tượng đã thừa nhận hành vi sai trái của mình. Hiện cháu bé đã được tiếp cận chăm sóc và an toàn.

Huy động sức dân đảm bảo an toàn giao thông

Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau, cho biết: "Nhằm kịp thời nắm bắt tình hình trên địa bàn, địa phương triển khai nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh. Mới đây, để nâng chất giải pháp này, địa phương xây dựng kế hoạch với nhiều nhóm nhiệm vụ cụ thể".

Huyện Năm Căn: Vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ còn cao

Từ ngày 25/10-1/11, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức đoàn giám sát công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại một số sở, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Khó khăn trong xử phạt vi phạm hành chính

Vừa qua, Ðoàn Kiểm tra thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính (VPHC) tỉnh, do ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, làm Trưởng đoàn, có buổi kiểm tra thực tế tại TP Cà Mau. Qua đó, đoàn ghi nhận nhiều hạn chế, khó khăn trong công tác này tại địa phương.

Hậu quả khôn lường từ sự chủ quan của người lớn

Học sinh chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn đến trường không phải là câu chuyện mới, tuy nhiên để giải quyết triệt để không hề dễ. Bởi, vẫn còn một bộ phận phụ huynh giao xe cho con em đến trường khi chưa đủ điều kiện điều khiển, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) đối với nhóm lứa tuổi này thực sự đáng báo động.

Tai nạn giao thông và nước mắt người thân

Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là vấn đề “nóng” toàn xã hội quan tâm. Hậu quả của TNGT không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người có liên quan trong vụ tai nạn mà còn gây thiệt hại về kinh tế, tinh thần và nhiều hệ luỵ khác cho gia đình, xã hội. Những đứa con vốn dĩ là chỗ dựa cho bậc cha mẹ lúc tuổi già, thế nhưng cũng vì TNGT, niềm tin, hy vọng ấy bỗng chốc tan biến.