(CMO) Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tiếng Anh được xem như một trong những chiếc chìa khoá đi đến thành công cho tất cả mọi người.
Một tiết học tiếng Anh của sinh viên Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau |
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc học và sử dụng tiếng Anh, Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau đã và đang tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh cho sinh viên và kỹ năng giao tiếp cho giảng viên, nhân viên tại phân hiệu.
Nhận diện hạn chế
Trong chương trình giáo dục, từ bậc tiểu học đến THPT và trải qua quá trình học cao đẳng, đại học, mỗi chúng ta phải có hơn 10 năm học tập và tiếp xúc với tiếng Anh. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có khả năng sử dụng tiếng Anh giao tiếp một cách thành thạo và tự tin. Thực tế, để học tốt tiếng Anh, chúng ta cần có những phương pháp học phù hợp mới đem lại hiệu quả như mong muốn.
Thạc sĩ Trần Nguyệt Thái Châu, giảng viên Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau, cho biết: "Các bạn học viên, sinh viên có thói quen chỉ chú trọng các cấu trúc ngữ pháp, mà không tập trung vào những kiến thức về cách phát âm hay từ vựng. Đặc biệt, sinh viên còn thụ động, nhút nhát và ngại giao tiếp nên rất khó khăn trong việc giảng dạy. Vì thế, giảng viên ngoài việc truyền đạt kiến thức còn phải kịp thời nắm bắt tâm lý của sinh viên để đưa ra những phương pháp phù hợp".
Theo giảng viên Sofiane Messiline (đến từ Algeria): Muốn nâng cao kỹ năng nói và giao tiếp tiếng Anh, người học phải tích cực tham gia vào các hoạt động giao tiếp như luyện hội thoại, tích cực xem truyền hình, video, nghe nhạc, đọc báo tiếng Anh hoặc nói chuyện với người bản ngữ bất cứ khi nào có cơ hội. Đừng bao giờ sợ mắc lỗi khi nói và viết tiếng Anh.
Đổi mới phương pháp dạy và học
Xác định được những hạn chế, Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau đã bắt đầu thay đổi phương pháp giảng dạy. Đội ngũ giảng viên tại phân hiệu đã tích cực sáng tạo, thiết kế các mô hình lấy người học là trung tâm trong giảng dạy. Cụ thể, tăng cường thực hành theo nhóm, theo cặp hoặc hoá thân thành các nhân vật trong các tình huống mà giảng viên tạo ra, để giúp người học phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, giảm tâm lý ngại ngùng, tăng tính chủ động, từ đó giảng viên điều chỉnh được cách phát âm, sắc thái, biểu cảm khi giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Anh.
Ngoài ra, phân hiệu còn hình thành câu lạc bộ tiếng Anh giúp sinh viên, học viên có cơ hội giao tiếp trao đổi, thảo luận và học hỏi nhiều hơn; chú trọng 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết lồng ghép với việc dạy từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm. Đặc biệt, phân hiệu đã mời một số giảng viên người nước ngoài có trình độ chuyên môn trực tiếp tham gia giảng dạy, đây được xem phương pháp mang lại hiệu quả và chuyển biến tốt cho sinh viên, học viên.
Sinh viên Phan Kim Ngọc, lớp 19AV0101, chia sẻ: "Với phương pháp giảng dạy tiếng Anh như hiện nay tại phân hiệu, em cảm thấy rất phù hợp và dễ tiếp thu. Tuy nhiên, theo em nghĩ, để giao tiếp tốt được tiếng Anh, ngoài việc nỗ lực của thầy cô, bản thân mỗi sinh viên phải tự cố gắng rèn luyện thêm vốn từ vựng, luyện nghe và mạnh dạn giao tiếp, cũng như tham gia những hoạt động ngoại khoá mà trường tổ chức".
Ngoài việc thay đổi và nâng cao phương pháp giảng dạy cho người học, phân hiệu còn tổ chức các lớp học tiếng Anh giao tiếp cho giảng viên, nhân viên đang làm việc tại phân hiệu. Sau mỗi tháng sẽ có bài kiểm tra đánh giá nghiêm túc 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết nhằm đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp hơn.
Để sinh viên tăng cơ hội tìm việc làm khi ra trường, những năm gần đây, Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau đã chọn tiếng Anh và Tin học làm môn học bắt buộc chuẩn đầu ra đối với sinh viên. Điều quan trọng nhất trong tất cả là bản thân mỗi người học phải tự xác định cho mình động cơ học tập rõ ràng, thái độ học tập tích cực, chiến lược học phù hợp./.
Đào Thể