(CMO) Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2022 đạt 61,6 điểm (giảm 3,14 điểm), xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 26 hạng) so với năm 2021. Ðồng thời, xếp thứ 12/13 (giảm 5 bậc) so với các tỉnh, thành phố trong khu vực ÐBSCL. Kết quả PCI năm 2022 cho thấy điểm số và thứ hạng bị sụt giảm mạnh. Ðây là lần sụt giảm hạng sâu nhất trên bản đồ xếp hạng PCI của tỉnh so với các tỉnh, thành phố cả nước, cũng như đối với khu vực ÐBSCL.
Phân tích, so sánh kết quả PCI tỉnh bị tụt hạng mạnh có thể thấy, trong 10 chỉ số thành phần, Cà Mau chỉ có 4 chỉ số thuộc nhóm có điểm số cao hơn điểm số trung vị cả nước, gồm các chỉ số: tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), chi phí gia nhập thị trường. Nhưng lại có đến 6 chỉ số thành phần thuộc nhóm thấp hơn điểm số trung vị cả nước, như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đào tạo lao động.
Trong đó, chỉ số thành phần bị tụt hạng mạnh nhất và có vị trí xếp hạng thuộc nhóm rất thấp so với các tỉnh, thành phố cả nước, đó là: chi phí không chính thức (xếp 62/63, giảm 31 hạng), tính năng động (xếp 61/63, giảm 46 hạng), thiết chế pháp lý (xếp 61/63, giảm 19 hạng), đào tạo lao động (xếp 60/63, giảm 17 hạng). Kế đến là chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước (xếp 38/63, giảm 29 hạng) và tiếp cận đất đai (xếp 38/63, giảm 17 hạng).
Biểu đồ: HỒNG NHUNG |
Ðánh giá về kết quả cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Cà Mau năm 2022 qua góc nhìn PCI, ông Nguyễn Ðức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, cho biết: "Thực hiện đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thời gian qua hầu hết các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan đều đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể theo nhiệm vụ được phân công và gửi về Sở Kế hoạch và Ðầu tư theo dõi, tổng hợp. Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá kết quả về nhiệm vụ được giao tại đề án qua góc nhìn PCI có thể thấy, có tổng số 142 chỉ tiêu phân công cho 20 sở, ngành, đơn vị, địa phương cải thiện trong năm 2022. Song, chỉ có 65 chỉ tiêu chuyển biến tích cực (giảm 21 chỉ tiêu) và 77 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực (tăng 11 chỉ tiêu) so với năm 2021".
Qua đó, nguyên nhân PCI và các chỉ số thành phần của PCI bị tụt hạng mạnh năm 2022 gắn với trách nhiệm của các đơn vị được phân công chịu trách nhiệm cải thiện cũng được làm rõ. Trong đó, đối với tiêu chí thành phần tiếp cận đất đai, có 67% doanh nghiệp đánh giá thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định và các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian. 33% DN cho rằng cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ. Ðồng thời, 32% DN gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch.
Ðối với tiêu chí tính năng động của chính quyền tỉnh, mặc dù 84% DN đánh giá UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, song, chỉ có 48% DN cho rằng thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực. Ðặc biệt, các sở, ngành, địa phương cấp huyện, xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố theo kết quả khảo sát còn khá cao.
Cà Mau đã và đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Ðặc biệt, chỉ số chi phí không chính thức, đây là chỉ tiêu thành phần giảm mạnh của tỉnh, xếp thứ 62 cả nước (giảm 31 bậc), chỉ tiêu này thuộc Thanh tra tỉnh là đơn vị đầu mối. Qua khảo sát ghi nhận, có 45% DN đánh giá, các DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; 56% DN phải chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai, chi trả "hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu (46%).
Ngoài ra, ghi nhận tỷ lệ khá cao các DN phải trả các chi phí không chính thức trên các lĩnh vực như: DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy (46%); DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ quản lý thị trường (57%); DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế (45%). Tuy nhiên, 84% DN cũng đánh giá rằng, các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được.
"Qua góc nhìn PCI năm 2022 cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh chưa tạo được nhiều thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư. Vấn đề này sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực trong việc DN, nhà đầu tư quyết định lựa chọn địa phương để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới", ông Nguyễn Ðức Thánh cho biết thêm.
Ðể cải thiện chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, tiếp tục có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện và các đơn vị có liên quan tập trung rà soát, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan, những khó khăn trong cải thiện các chỉ tiêu được giao thuộc chức năng nhiệm vụ quản lý của đơn vị, đặc biệt các chỉ tiêu được giao có chuyển biến tiêu cực. Theo đó, đề xuất những giải pháp để cải thiện chỉ số này trong thời gian tới./.
Phi Long