ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-12-24 11:41:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tín dụng cho mục tiêu an sinh

Báo Cà Mau (CMO) Tổng dư nợ tín dụng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) tỉnh Cà Mau đến ngày 30/6 là 2.622 tỷ đồng, đạt 94,92% kế hoạch năm. Trong đó, nợ xấu trên 135 tỷ đồng, chiếm 5,15%, tăng 41,156 triệu đồng (gồm nợ quá hạn 43,858 tỷ đồng và nợ khoanh là 91,188 tỷ đồng). Thới Bình là một trong những huyện có tỷ lệ thu lại đạt thấp nhất toàn tỉnh và là huyện có số tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém cao nhất, với 36 tổ.

Nguồn vốn góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Tính trên toàn tỉnh, 5 năm qua, doanh số cho vay phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt trên 3.202 tỷ đồng, với hơn 170.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần giúp hơn 37.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho trên 13.600 lao động, giúp hơn 5.400 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập, cải tạo, xây dựng mới hơn 101.000 công trình nước sạch và vệ sinh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ vốn xây 1.550 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

Hầu hết hộ nghèo trong tỉnh đều tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.

Nguồn vốn này góp phần giúp các hộ vay có vốn để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn trái, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội tại địa phương.

Nhà có 8 công vuông nhưng thời gian gần đây nuôi tôm không hiệu quả, cộng với hơn 1 công đất trồng màu thu nhập khoảng 5 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, vụ vừa qua giá rau màu xuống thấp nên thu nhập không được bao nhiêu. Vì vậy, tổng thu nhập từ vuông tôm và trồng màu mỗi năm chỉ được vài chục triệu đồng. Bà Phan Thị Bê, Ấp 1, xã Trí Phải, cho biết, năm trước bà được Ngân hàng CSXH huyện Thới Bình xét cho vay nguồn vốn sản xuất 15 triệu đồng, bà đầu tư cải tạo vuông, trồng bắp, củ cải trắng, bí đau... Theo bà Bê, hiện nay giá rau củ tăng nhẹ so với trước nên bà hy vọng vụ mùa này thu hoạch sẽ có lãi.

Phó chủ tịch UBND xã Trí Phải Đỗ Ngọc Thuỷ cho biết, thời qian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn phát triển kinh tế, tiếp sức học sinh, sinh viên học cao đẳng, đại học. Nguồn vốn nước sạch, vệ sinh môi trường góp phần cho xã xây dựng cầu tiêu hợp vệ sinh, tạo điều kiện thực hiện tiêu chí môi trường, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.

Phó giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thới Bình Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ: “Thới Bình chủ yếu là nông nghiệp với mô hình chính là sản xuất tôm - lúa, bên cạnh đó còn có mô hình nuôi heo, cá sấu, trồng màu… Từ nguồn vốn tín dụng chính sách giúp bà con phát triển nhiều mô hình kinh tế, có thu nhập ổn định cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua đóng góp nhiều vào công tác an sinh xã hội của địa phương, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện giảm nhiều”.

Đầu nhiệm kỳ, toàn huyện có 2.640 hộ nghèo, đến hiện tại còn 710 hộ, giảm gần 2.000 hộ; đến nay còn 738 hộ cận nghèo, giảm 635 hộ. Hầu hết những hộ nghèo đều được tiếp cận nguồn vốn chính sách.

Nợ quá hạn gia tăng

Do diễn biến phức tạp của thời tiết cũng như dịch tả heo châu Phi năm 2019, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bà con, đặc biệt là người nghèo, sau dịch bệnh ngày càng gặp khó khăn hơn nên họ rời địa phương, đến hạn không thu hồi được, từ đó nợ xấu, nợ quá hạn tăng cao, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, một phận bà con nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, chưa ý thức được việc có vay có trả để nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách.
Hơn 10 năm trước, bà Lê Thị Hiệp, Ấp 6, xã Trí Phải vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để sản xuất nông nghiệp, nhưng do sản xuất không hiệu quả nên đến nay tính cả gốc cộng lãi gộp lên gần 200 triệu đồng. Hiện bà Hiệp đang nuôi cá sấu nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, đầu ra không có, giá cá sấu giảm nên thu hoạch không có lãi. Khi được nhân viên tín dụng chính sách đưa đến thăm mô hình nuôi cá sấu, bà Hiệp hỏi thăm liệu số tiền đã vay này có được giảm hay hỗ trợ gì không.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Ấp 1, xã Trí Phải Nguyễn Thị An Kiều cho biết, tổ chị quản lý có 52 hội viên, tổng dư nợ trên 900 triệu đồng. Các hộ vay nguồn vốn giải quyết việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường, học sinh, sinh viên… Phần lớn các hộ vay chây ỳ, một số hộ bỏ đi làm ngoài tỉnh, vì vậy tháng nào chị cũng bị nhắc nhở do thu lãi không đúng thời hạn.

Chị Kiều chia sẻ: “Vợ chồng tôi không có đất nên thuê đất làm vuông, bản thân tôi ngoài nội trợ trong gia đình, nếu thu lãi từ các hộ vay vốn tín dụng chính sách đúng hạn, mỗi tháng có thể nhận được hoa hồng khoảng 1 triệu đồng nhưng không tháng nào thu đạt”.

Chị Kiều bộc bạch, mặc dù chị thường đến nhà vận động, những hộ nghèo vay nuôi heo, gà, vịt nhưng heo, gà bị chết nên người vay không có tiền đóng lãi cũng như trả nợ gốc, đến nay tiền lãi lên vài triệu đồng. Đối với những hộ đi làm ăn xa, khi hay họ về chị đến nhà vận động để họ đóng lãi cũng như trả nợ gốc, nhưng tất cả đều hứa…

Bà Đỗ Ngọc Thuỷ cho biết, địa phương gặp không ít khó khăn khi người vay vốn tín dụng sản xuất không hiệu quả, bỏ đi làm ăn xa, việc đóng lãi và thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn trên, Đảng uỷ, UBND xã chỉ đạo bộ phận chuyên môn kết hợp nhân viên tín dụng phụ trách địa bàn rà soát đối tượng còn nợ, liên hệ người thân đã vay vốn để tìm nguồn thông tin đối tượng vay vốn bỏ đi làm ăn xa. Tranh thủ dịp lễ, Tết đến nhà vận động bà con trả nguồn vốn vay cũng như tiền lãi hàng năm./.

Hồng Phượng
 

Blog Credit card Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng Ứng dụng vay tiền online nhanh chóng