(CMO) Nét đẹp của nông thôn Việt Nam, từ Bắc chí Nam, ngoài giúp nhau trong lao động sản xuất, các hộ gia đình chung xóm ấp hay giáp ranh đất nhau còn thể hiện rõ truyền thống có từ bao đời nay đó là “vần công”.
Kiểu “vần công” này, đối với thế hệ trẻ bây giờ nghe có vẻ hơi lạ lẫm, lứa 7X và 8X bọn tôi ở quê ngày đó, không có gì là ngỡ ngàng hết. Bởi, mỗi khi vào vụ mùa, chuyện qua lại giúp đỡ lẫn nhau là chuyện thường, và mọi người cứ thấy việc “vần công” nhau trong lao động sản xuất, là trách nhiệm chung của cá nhân mỗi người, mà nguyên văn lời cha tôi dặn từ hồi tôi còn nhỏ, tôi vẫn nhớ như in: “Cuộc sống lúc vầy lúc khác con à! Nay nhà người ta, có khi mai tới nhà mình; như việc chung, đừng so đo hơn thiệt”. Nới rộng ra một chút, như tôi đã nói ở trên, tình làng nghĩa xóm trong văn hoá Việt bao đời này, là một hình ảnh đẹp, thể hiện đạo lý tương thân tương ái, dẫu không họ hàng cật ruột, nhưng sống gần gũi nhau, lâu ngày đều trở nên thâm tình hết. Bởi vậy, dân gian đã đúc kết thành tục ngữ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”.
Đó là cách nói chung về tính cộng đồng trong sinh hoạt của đại đa số bà con ở nông thôn. Ở đô thị nói chung, với cuộc sống bon chen như hiện tại, có quá nhiều yếu tố tác động. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nếp sinh hoạt của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình; nên ít nhiều, tính cộng đồng này cũng có sự khác biệt đôi chút. Tuy có sự khác biệt, nhưng về tính chất, sự sẻ chia, hỗ trợ qua lại lẫn nhau giữa các cá nhân, các hộ gia đình ở đô thị, về căn bản, vẫn còn hiện hữu và xét về góc độ tình cảm, cũng nghĩa tình không kém ở nông thôn là mấy.
Không phải chủ quan mà tôi khẳng định như vậy. Trong hai tháng vừa qua, miền Trung phải oằn mình trong bão lũ; những cái chết xảy ra trong tích tắc, thậm chí, đất đá sạt lở trong lúc người dân đang chìm sâu trong giấc ngủ, như nhiều vụ sạt lở ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Đến hôm nay, sau hơn 2 tháng mà sự kêu gọi để góp chút thảo thơm sẻ chia cùng đồng bào miền Trung vẫn còn đang tiếp tục thực hiện. Đây là câu chuyện lớn, gần như cả nước đều chung tay, bởi các eo miền Trung năm nào cũng hứng chịu bão lũ; nên chia sẻ với miền Trung xem như trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Cùng với thời điểm bão lũ ở miền Trung, Nam Bộ cũng vào giai đoạn mưa già để chuẩn bị bước vào 6 tháng nắng triền miên. Do tình hình thời tiết và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nên vào giai đoạn mưa già cuối mùa như thế này, một số địa phương ở Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng, chìm sâu trong biển nước. Đặc biệt ở các đô thị miền Tây, cũng là lúc bấc non vừa chớm, đi kèm với mưa già, với bấc non; là triều cường nên hầu hết các con đường trũng, thấp; vừa ảnh hưởng của mưa cuối mùa, vừa ảnh hưởng của triều cường, đều ngập sâu trong biển nước. Đối với Cần Thơ, Hậu Giang và Cà Mau, tình hình các tuyến đường trong nội đô ngập nước như thế này kéo dài rất lâu, làm ảnh hưởng lớn đến việc đi đứng, sinh hoạt hàng ngày của người dân, nhất là đối với các bà, các chị làm nghề mua gánh, bán bưng, các chú, các bác làm nghề xe ôm, xe thồ.
Vần đổi công, nét đẹp văn hoá của nông dân Việt Nam. Ảnh: Thảo Mơ |
Sở dĩ phải kể hơi dông dài một chút, cũng chính là cách để tôi “dẫn” bạn đọc trở lại với tình làng nghĩa xóm như ở trên tôi đã viết.
Đối với những tuyến đường ngập sâu trong các đô thị, cộng thêm với triều cường, nên chỉ sau hơn một tháng, các tuyến đường này đã hư hỏng rất nặng. Có một câu chuyện cảm động về tình làng nghĩa xóm xung quanh câu chuyện các tuyến đường xuống cấp sau mùa mưa già và triều cường này. Đường Nguyễn Trãi là tuyến đường bị hư hỏng nặng nhất của tỉnh Cà Mau sau những trận mưa già vừa qua. Đường Nguyễn Trãi (phường 9, TP Cà Mau) dài chỉ tầm khoảng 3,5 km nhưng là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân sinh sống cũng như hàng ngày phải bắt buộc đi trên tuyến đường này. Toàn bộ con đường có thể gọi là ổ voi liên hoàn chứ không còn là ổ gà nữa. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, do nước ngập quá sâu, người đi đường không định hình được từng vị trí hư hỏng trên toàn tuyến nên khi vô tình “sụp hố” và té ngã.
Chính trong lúc này, tình làng nghĩa xóm ở đô thị mới thể hiện rõ. Một số gia đình ở gần vị trí có những hố sâu, họ thường khuân vác ghế đá hoặc những vật dụng nặng ra ngay vị trí đó như vừa để đánh dấu nguy hiểm, vừa để cho người đi đường định vị được từ xa mà điều khiển xe một cách thận trọng hơn. Chưa hết, khi có một chiếc xe vô tình nào sụp hố, thì mọi người cùng chạy ra, thậm chí lội nước ra trợ giúp, từ đỡ xe đến dìu người vào mép lộ hoặc những vị trí cao hơn, nơi mà nước không ngập tới. Có lẽ nhịp sống trong thời đại công nghiệp cứ cuốn người ta vào việc mưu sinh với cơm áo gạo tiền lâu nay, nên với một chút cử chỉ sẻ chia nhỏ như vậy, cũng đủ làm cho lòng người, lòng mình dịu đi và lắng lại, thậm chí còn nghe cay xè nơi sóng mắt…
Đó mới chỉ là một phần trong câu chuyện tình làng nghĩa xóm nơi đô thành. Ngoài chuyện hỗ trợ người đi đường không may té ngã trong mưa nước, những người dân ở gần khu vực có các hố ngập sâu còn tự vận động nhau, người góp công, người góp của để mua vật liệu như cát, đá, xi măng… cùng nhau vá giặm những chỗ hư hỏng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người lưu thông trước khi các cơ quan chức năng tiến hành sửa chữa, nâng cấp mặt đường. Những thanh niên trai tráng cởi trần nhễ nhại mồ hôi vác đá đổ xuống những nơi có nhiều hố sâu trước, nhiều ngày sau, khi nước rút khô, những ai biết chút kỹ thuật về xây tô thì trộn hồ và đổ lên những hố đã đổ đá đó. Để có những nguyên vật liệu trên, không cần ai phải lên tiếng, mỗi người sớt chút thơm thảo của nhà mình, dăm bảy chục đến vài trăm nghìn, tuỳ điều kiện của mỗi gia đình mà tự nguyện góp vào. Cũng không ai câu nệ nhiều hay ít. Các bà, các chị thì chạy ra chạy vào mang nước uống, thậm chí có bà còn mang cả rổ khoai lang vừa luộc xong, còn nghi ngút khói. Những hình ảnh này, trong một ngày miền Tây dập dềnh cơn bấc ngót, tôi như thấy cuộc sống xung quanh mình, còn quá nhiều yêu thương đang lan toả.
Tình làng nghĩa xóm thời nào, nơi nào cũng có; bất kể nông thôn hay thành thị. Tình cảm tốt đẹp giữa xóm làng với nhau chính là căn cốt của văn hoá Việt. Chính những hình ảnh đẹp, đầy sẻ chia đó sẽ là những bài giáo dục về giá trị đạo đức để nuôi dưỡng cho tâm hồn con trẻ lớn lên; bởi nhịp sống hối hả của thời hiện tại đã vô tình làm khuyết đi những hình ảnh đời thường sống động và đầy tình mà không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hay nhìn thấy./.
Huỳnh Thuý Kiều