Những người sống tại “hẻm chạy thận” (thuộc địa bàn Khóm 6, Phường 6, TP Cà Mau) đều là người lớn tuổi, mất sức với căn bệnh thận đeo bám suốt nhiều năm qua và duy trì cuộc sống nhờ vào những mạnh thường quân.
Con hẻm này bây giờ còn 20 người, đã giảm 4 người so với 2 tháng trước đây. Các cô chú kể lại, tuần trước đã có một người ra đi ở tuổi 35. Các cô chú và các em còn khoẻ đều duy trì cuộc sống bằng nghề bán vé số, phụ quán ăn..., số còn lại nhờ vào các mạnh thường quân và người thân dưới quê gửi tiền chu cấp. Dãy nhà trọ với những căn phòng nhỏ hẹp, ẩm thấp nhưng phải ở đến 3, 4 người để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, bởi gánh nặng của mỗi con người nơi đây là tiền chạy thận quá đắt so với khả năng của họ.
Cánh tay của những bệnh nhân nơi đây cũng đầy vết kim tiêm.
Bà Nguyễn Thị Thắm (59 tuổi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) tâm sự: “Tôi lên đây thuê nhà trọ để chạy thận đã 7 năm. Tiền trọ, tiền điện, nước mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Tôi có 2 người con, chúng làm ăn cũng không khá. Tôi chạy thận mỗi tuần 3 lần, chi phí mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Con cái chỉ hỗ trợ tiền ăn uống, tiền nhà, còn lại đều là mạnh thường quân hỗ trợ tôi và bà con nơi đây. Ông nhà tôi 61 tuổi, đau ốm suốt, phải ngồi xe lăn. Tôi đưa ông ấy lên đây sống cùng để tiện chăm sóc”.
Bà Nguyễn Thị Thắm an ủi chồng khi ông bật khóc vì thấy những mạnh thường quân đến hỗ trợ và tặng quà cho mình.
Mắc bệnh thận khi còn khá trẻ, anh Trần Trọng Huynh (sinh năm 1992, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) cùng mẹ sống ở hẻm này đã nhiều năm. Dù khó khăn, vất vả nhưng anh chưa bao giờ thôi hy vọng về cuộc sống tươi sáng hơn: “Tôi đã chạy thận 11 năm. Mỗi tháng tiền nhà 1,2 triệu đồng, tiền thuốc 7 triệu đồng. Tôi và mẹ đi bán vé số, mỗi ngày bán được hơn 100 tờ, chỉ đủ tiền ăn uống, còn tiền thuốc là cha tôi làm ở quê gửi lên. Tôi hy vọng mình hết bệnh để duy trì sự sống”.
Khi đón các đoàn thiện nguyện, các mạnh thường quân đến hỗ trợ, các cô chú lớn tuổi không cầm được nước mắt mỗi khi nhận quà, tiền giúp đỡ vì họ được tiếp sức duy trì cuộc sống từng ngày. May mắn là cứ cách tháng lại có nhiều người hảo tâm, nhiều đoàn từ thiện đều đặn ghé qua, bởi các đoàn cứ truyền tai nhau về sự khốn khó của bà con nơi đây và lại mạnh dạn kêu gọi tiền, gạo, vật phẩm... để quay lại thêm nhiều lần nữa.
Chị Trần Thanh Quý, mạnh thường quân tại xã Tắc Vân, TP Cà Mau, cho biết: “Tôi biết đến con hẻm qua lời kể của bạn tôi. Xem hình, xem clip thấy thương quá. Tôi không dư dả nhiều nhưng ủng hộ hết sức hết lòng trong khả năng cho phép. Tôi có vận động thêm nhiều bạn bè của mình, người giúp cái này, người cho cái khác. Chúng tôi mong là cứ cách tháng sẽ đều đặn hỗ trợ các cô chú, anh chị em tại đây, góp phần chia sẻ khó khăn với họ".
Mới đây, nằm trong chuỗi các hoạt động của Chiến dịch "Kỳ nghỉ hồng" năm 2024, Ðoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau cùng các mạnh thường quân có chuyến đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các bệnh nhân tại đây. Ðoàn đã ân cần thăm hỏi, động viên bệnh nhân vượt qua khó khăn, yên tâm điều trị bệnh, đồng thời trao 20 suất quà (mỗi suất trị giá gần 1 triệu đồng, bao gồm tiền mặt, dây chạy thận, gạo, mì, nhu yếu phẩm và 1 phần ăn), tổng trị giá 20 triệu đồng, do các doanh nghiệp, đoàn khách từ Singapore hỗ trợ. Các phần quà có ý nghĩa rất lớn, giúp bệnh nhân giảm bớt áp lực cuộc sống, có thêm động lực yên tâm điều trị, vơi bớt nỗi đau bệnh tật, phấn khởi hơn trong sự sẻ chia, yêu thương của cộng đồng.
Nhiều đoàn thiện nguyện đã đến giúp đỡ các bệnh nhân tại đây, để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Bạn Phạm Lê Tuyết Anh, sinh viên năm nhất Trường Ðại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, tình nguyện viên, cho biết: “Ðây là lần đầu tiên tôi đến đây. Những hoàn cảnh bệnh nhân tại đây làm tôi xúc động thật sự, vì họ quá khó khăn. Tôi hy vọng trong những năm tới bản thân sẽ kêu gọi được nhiều nguồn lực hơn để giúp đỡ họ”.
Các bệnh nhân mắc bệnh thận phải chạy thận, đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhà ở xa, vừa điều trị bệnh, vừa phải mưu sinh kiếm sống. Sự sống với họ là cả sự nỗ lực. Tình thương và sự dang tay giúp đỡ của các mạnh thường quân, của xã hội tạo thêm động lực cho họ vượt qua bạo bệnh và có niềm tin hơn vào cuộc sống./.
Lam Khánh