ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 24-7-25 07:09:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗi niềm xóm chạy thận

Báo Cà Mau (CMO) Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, xóm chạy thận ở Khóm 6, Phường 6, TP. Cà Mau là khu nhà trọ chật chội, ẩm thấp. Nơi đây có hàng chục hộ đều cùng cảnh ngộ phải chạy thận thường xuyên. Đối với họ, giấc mơ được hồi phục sức khoẻ luôn là điều họ phải hụt hơi theo đuổi.

Khi được hỏi thăm về hoàn cảnh những bệnh nhân mắc bệnh thận đang sinh sống ở nơi mình trực tiếp quản lý, ông Nguyễn Phú Diện, Phó trưởng Khóm 6, Phường 6, chỉ tay nói: “Nhà trọ ở đây đa phần là những người mắc bệnh thận mướn ở, vì gần bệnh viện để đi chạy thận cho tiện. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng hễ ai mắc bệnh này thì y như rằng cuộc sống của họ đều phải gắn liền với máy chạy thận. Khó khăn trăm bề, người giàu có cũng trở thành nghèo khó”.

Cùng chung số phận

Cách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau chỉ độ 300 m, khu nhà trọ này được nhiều người dân gọi là “Xóm chạy thận”. Hôm nay xóm vắng vẻ bởi họ “thay phiên” nhau lên bệnh viện chạy thận, người thì thứ Hai, Tư, Sáu hoặc Ba, Năm, Bảy, cứ thế luân phiên tuần, tháng... Họ đã xem bệnh viện là nhà và những người hàng xóm “bất đắc dĩ” này là người thân thuộc.

Chị Phan Thị Điệp, chủ nhà trọ thuộc rành rọt họ tên từng người ở từng phòng, quê quán và hoàn cảnh gia đình. Chị Điệp phân trần: “Sống gần nhau thời gian dài làm sao không rõ từng người cho được. Hiểu rồi mới thấy họ khổ, suốt ngày, suốt năm chỉ biết cái máy chạy thận, có làm ăn gì được đâu. Có người chỉ chạy được một thời gian thì mất”.

Dù trời mưa nhưng mọi người vẫn xếp hàng trật tự chờ đến lượt nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Hằng My

Chung hoàn cảnh chiến đấu với căn bệnh suy thận mãn tính, họ sống với nhau bằng cái tình chòm xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Người mạnh nuôi người yếu, bám víu nhau, lay lắt sống qua ngày.

Anh Châu Thanh Tâm ở ấp Tân Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, bộc bạch: “Sống ở đây hơn 3 năm qua, chúng tôi xem nơi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Khó khăn, hoạn nạn thì choàng tay nhau mà giúp đỡ. Từ ngày con tôi phát bệnh, cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khốn khó. Niềm hy vọng khi con lớn lên được học hành rồi có công việc ổn định phút chốc bị căn bệnh quái ác dập tắt hết. Cả gia đình chỉ trông chờ vào miếng đất, nhưng giờ đã cầm cố. Vì sự sống của con nên còn nước còn tát thôi”.

Trên gương mặt hốc hác, sạm đen vì thiếu máu, anh Châu Trọng Huynh, 26 tuổi, không khỏi xúc động khi nhắc về khoảng thời gian cách đây hơn 6 năm. Anh Huynh bùi ngùi: “Ước mơ của tôi là khi ra trường sẽ trở thành một chiến sĩ công an, phấn đấu làm việc để chăm lo cho gia đình. Không ngờ đi nghĩa vụ được hơn 1 năm thì phát bệnh. Lúc đó gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh ngày càng trở nặng. Ước mơ ấy giờ chỉ là giấc mơ mà thôi”.

Éo le hơn là hoàn cảnh của anh Trương Văn Thảo, 44 tuổi, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. Trước đây anh sống cùng vợ và 2 con, tuy không dư dả nhưng gia đình êm ấm, thuận hoà, sinh kế nhờ vào nuôi tôm. Năm 2009, anh phát bệnh, vợ chồng anh phải chạy vạy khắp nơi mới có đủ chi phí chạy chữa. Đau đớn hơn, 6 năm sau vợ bỏ đi, con cái phải gửi về bên cậu, lúc đó anh tuyệt vọng.
Anh Thảo tâm sự: “Gia đình tôi ly tán, hiện tại tôi ở đây một mình và làm nghề bán vé số, nhưng làm được vài ngày thì phải nghỉ vì hay mệt, choáng váng. Sống ở đây nhờ mọi người thương, giúp đỡ tôi rất nhiều. Giờ sống được ngày nào hay ngày nấy”.

Và những khao khát…

Đa số những người trọ tại đây đều phải rời bỏ quê nhà để lên bệnh viện chạy chữa, mỗi lần chạy chữa là những lần họ ám ảnh. Họ thường xuyên chứng kiến cảnh bệnh nhân chung phòng mất khi còn đang nằm bên máy chạy thận. Nỗi lo sợ đó cứ chực chờ trên từng gương mặt đen sạm, tái nhợt vì thiếu máu nhưng thừa những chất thải độc hại của cơ thể không được tống khứ ra ngoài. Mỗi cánh tay đều nát nhừ những dấu kim tiêm, nhưng đó là chuyện phải làm để duy trì sự sống.

Mỗi lần nhắc đến quê nhà, chị Bùi Thị Hường, 40 tuổi, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, bùi ngùi: “Tôi lên đây ở trọ hơn 4 năm, lâu lâu được về nhà, chỉ được 2 bữa phải lên bệnh viện chạy thận. Mỗi lần gần Tết là tôi ước mình được khoẻ mạnh để được về nhà, vì 4 cái Tết qua tôi đều ở bệnh viện. Cuộc sống của tôi giờ bệnh viện là nhà, còn những người ở đây là thân thuộc. Ai cũng có hoàn cảnh giống nhau nên đùm bọc nhau để sống”.

Trời mưa rả rích nhưng ai cũng phải đến đúng giờ, người mạnh dìu người yếu để nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh. Được chị Thảo (Phạm Thị Ngọc Thảo, Phường 6, TP Cà Mau) làm cầu nối mà hôm nay “Xóm chạy thận” được một ngày ấm áp hơn.

Chị Thảo chia sẻ: “Ai rơi vào nghịch cảnh này mới thấy hết cái khốn khó. Gia đình ly tán, cuộc sống của họ gắn với chiếc máy chạy thận để mong duy trì sự sống. Sự chung tay của cộng đồng xã hội phần nào giúp những bệnh nhân thêm động lực, tiếp tục chiến đấu vì sự sống”.

Mỗi phần quà gồm gạo, mì gói, đường, sữa… là tấm lòng của nhà hảo tâm gần xa trao tận tay những hoàn cảnh bất hạnh. Lần đầu tiên đến với bà con bệnh thận, chị Kim Yến, Quận 11, TP Hồ Chí Minh, không khỏi xúc động: “Gia đình tôi cũng có người mắc bệnh thận nên tôi thấu hiểu được hoàn cảnh của họ. Hằng ngày phải đối diện, chiến đấu với căn bệnh, dù biết đây là căn bệnh khó chạy chữa. Những món quà tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng của chúng tôi, hy vọng mọi người cố gắng, an tâm chữa trị”.

Gương mặt tái nhợt vì bệnh nhưng trong lòng ấm áp, chị Bùi Thị Hường, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, bộc bạch: “Tôi rất vui vì những món quà này. Cái tình và sự chia sẻ của cộng đồng xã hội làm chúng tôi phần nào được an ủi. Tôi sẽ cố gắng tiếp tục điều trị bệnh, hy vọng một ngày nào đó sẽ được trở về cùng gia đình, người thân tại quê nhà”.

Được về nhà cùng người thân, được lao động kiếm sống, ước muốn thật giản đơn nhưng khó thành hiện thực khi căn bệnh thận đang vắt kiệt sức lực của họ từng ngày./.

"Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau có 320 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Lọc máu. Số ca mắc bệnh suy thận mãn tính tăng cao trong những năm gần đây. Tại khoa hiện có 39 máy chạy thận phục vụ việc điều trị cho bệnh nhân. Thông thường bệnh nhân mắc bệnh thận phải chạy thận 3 lần/tuần tại bệnh viện. Các trường hợp nặng, biến chứng sẽ được điều trị nội trú, còn những ca nhẹ hơn sẽ được điều trị ngoại trú và được chạy thận theo đúng lịch để duy trì sự sống", Bác sĩ Trương Hớn Dân, Trưởng Khoa Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, thông tin.

Hằng My

Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài cuối: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

Đồng chí Nguyễn Minh Luân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định:“Từ kết quả thực tiễn phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK) của tỉnh trong nhiều năm qua, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng, tham gia, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà".

Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài 2: Khơi dậy tinh thần tương thân tương ái

Phong trào “Dân vận khéo" (DVK) đã lan toả khắp các miền quê trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Xuất phát điểm các mô hình DVK có khi là từ những việc nhỏ nhưng rất thiết thực như: tự nguyện vá những ổ gà, bồi lại đoạn đường bị sụt lún, sạt lở; vận động hộ khá, giàu cho hộ nghèo mượn đất cất nhà, đất sản xuất; nhận đỡ đầu học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn… thế rồi được lan toả, nhân rộng thành mô hình hiệu quả, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, thiết thực mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người dân, nhất là người yếu thế.

Dân vận khéo, vun đắp niềm tin - Bài 1: Vì lợi ích Nhân dân

Thời gian qua, ở tỉnh Cà Mau đã có hàng ngàn mô hình dân vận khéo (DVK) hiệu quả, thiết thực vì cuộc sống người dân, hướng đến xây dựng “gia đình hạnh phúc”, “cộng đồng hạnh phúc” và dần tiến tới “xã hội hạnh phúc”. Và công tác dân vận khéo chính là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau - Bài cuối: Ðất lành - Trăm năm tươi tốt

Sau 50 năm thống nhất đất nước, hệ thống trường học trên địa tỉnh Cà Mau được quy hoạch, đầu tư kiên cố, khang trang (trường xanh, sạch, đẹp) theo Ðề án kiên cố hoá trường lớp, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, phục vụ tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Các trường được đầu tư theo hướng tiến tới đủ điều kiện công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, hiện nay ngành giáo dục đang tiếp tục triển khai thực hiện sắp xếp mạng lưới trường lớp theo Ðề án “Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau - Bài 2: Nhà giáo hai quê

Trong những năm tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn. Tuy vậy, với tinh thần “tất cả vì sự nghiệp trồng người”, nhiều giáo viên tình nguyện từ miền Bắc vào Nam theo tiếng gọi “Nam tiến”, đã không ngại gian khổ bám trụ để dạy học giữa rừng đước, rừng tràm, bưng biền, để tạo nên lớp thế hệ tương lai cho quê hương.

Nửa thế kỷ chuyện “trồng người” ở Cà Mau

Từ "vùng trũng” giáo dục khi giải phóng (30/4/1975), sau nửa thế kỷ, Cà Mau - vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đã có thể tự tin, tự hào để nói về một vùng đất hiếu học, vùng đất học. Một nhà giáo về hưu, được tăng cường từ miền Bắc vào để giảng dạy những năm đầu sau giải phóng, đã nói đại ý về giáo dục Cà Mau: "Bác Hồ dạy “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Cà Mau là đất lành, thế nên rừng ở Cà Mau mênh mông đước tràm, chim kéo về làm tổ. Con người Cà Mau thì có bản sắc, cá tính riêng, chúng tôi, những người làm nghề giáo chỉ có mặt và góp thêm những điều mình có, nhỏ bé thôi, để khơi mở nội lực lớn lao của tài nguyên con người nơi đây”.

Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dân - Bài cuối: Đồng hành trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang ngày càng đi vào chiều sâu, từ khâu quản lý đến phục vụ người dân. Trong hành trình đó, báo chí đã và đang đóng vai trò không thể thay thế, không chỉ là “kênh truyền dẫn” thông tin, mà còn là người bạn đồng hành tin cậy, giúp đưa tín dụng chính sách đến với người dân một cách hiệu quả, nhất là trong bối cảnh số hóa đang chuyển mình mạnh mẽ.

Báo chí đồng hành, đưa tín dụng chính sách đến dân

Giữa dòng chảy không ngừng của chính sách, báo chí như ống kính soi chiếu hiệu quả từ thực tiễn, là kênh chuyển tải tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, từ đó góp phần xây dựng chính sách hoàn thiện, hiệu quả, thực sự đi vào đời sống Nhân dân. Ðiều này đặc biệt thấy rõ ở vai trò của báo chí đối với công tác truyền thông tín dụng chính sách thời gian qua.

Kỷ niệm với Trường Trung học Tiền Phong

Nhớ giữa năm 1953 đầu năm 1954, tôi đang học Trường Trung học Tiền Phong do Xứ đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ tổ chức thì có quyết định rút tôi về cơ quan Xứ đoàn để bảo vệ Ban Biên tập Báo Nhân Dân miền Nam, do anh Kỉnh (Nguyễn Phượng Vũ) và anh Hưởng Triều (Trần Bạch Ðằng) phụ trách.

Công tác cán bộ: Ai chọn, chọn ai? - Bài cuối: Thành bại tại… cán bộ

Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu Đảng ta khẳng định: “Công tác cán bộ là mấu chốt quyết định sự thành bại của chính quyền địa phương 2 cấp”. Gắn với cuộc cách mạng về bộ máy tổ chức là cuộc cách mạng về công tác cán bộ. Năng lực thực tiễn, đạo đức công vụ, uy tín Nhân dân là những tiêu chí cao nhất cho việc lựa chọn cán bộ. Đây cũng là những vấn đề mà tỉnh Cà Mau đặc biệt lưu tâm trong việc “chọn người” xứng tầm, đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.