Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là chủ trương đúng đắn, cần thiết và đã được triển khai thực hiện sâu rộng từ Trung ương đến cơ sở. Ở một lát cắt riêng, tổ chức Đoàn - Hội các cấp của tỉnh Cà Mau đang đối mặt với không ít thách thức khi mà tinh gọn về “lượng” chưa đồng nghĩa với tăng trưởng về “chất”.
Lực lượng giảm, áp lực công việc tăng
Việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, quá trình này đã tác động nhất định đến hệ thống Đoàn - Hội và phong trào thanh niên tại tỉnh.
Lãnh đạo Tỉnh đoàn thăm và kiểm tra công trình "Thắp sáng đường quê" tại huyện Phú Tân (cũ).
Một trong những thách thức lớn đặt ra lúc này là sự biến động về tổ chức bộ máy và nhân sự, nhất là đội ngũ cán bộ đoàn không chuyên trách ở cấp cơ sở. Cụ thể là việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại vị trí công tác khiến lực lượng cán bộ làm công tác Đoàn bị giảm sút. Trên thực tế, có một số cán bộ đoàn dù có năng lực, gắn bó với công tác Đoàn hàng chục năm, nhưng đã lặng lẽ rời khỏi guồng máy bởi đã hết tuổi Đoàn và không còn vị trí sắp xếp phù hợp. Không chỉ vậy, số lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tại cơ sở cũng không trụ lại nhiều dù yêu công tác Đoàn, bởi họ hoạt động theo nhóm và lấy nhau làm động lực, khi một hay một số người nản chí vì bị thay đổi vị trí, địa bàn công tác và quyết định nghỉ thì sẽ kéo theo sự ra đi của nhiều người khác. Từ đó, ảnh hưởng đến tính kế thừa, sự gắn bó và hiệu quả triển khai phong trào ở địa phương.
Bên cạnh mất đi nhiều người giỏi, một khó khăn dễ nhận thấy nhất trong hệ thống Đoàn - Hội là số lượng người giảm nhưng công việc lại tăng lên sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Từ việc có cán bộ chuyên trách đảm nhiệm từng mảng công tác: thanh niên, thiếu nhi, tổ chức phong trào, tuyên truyền, phối hợp với đơn vị khác…, thì nay nhiều nơi chỉ còn vài cán bộ phải “ôm trọn” tất cả. Áp lực công việc tăng, dẫn đến hiệu quả chuyên môn, chiều sâu phong trào ít nhiều cũng bị giảm theo.
Các bạn nhiệt tình và lăn xả trong xử lý "điểm đen" rác thải tại các địa phương.
Anh Nguyễn Hoài Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Chánh Văn phòng Đảng uỷ xã Tân Lộc, nguyên Phó Bí thư Huyện đoàn Thới Bình, cho biết: “Sau sắp xếp đơn vị hành chính, một số đoàn cơ sở đã mất đi nhiều người hiểu phong trào, có kinh nghiệm vận hành thực tiễn, mà điều đó không dễ đào tạo lại từ đầu. Một vấn đề khác phải đối mặt là nhân lực ít, nên một người gánh nhiều đầu việc và yêu cầu phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vừa lo kinh tế gia đình, vừa gánh trách nhiệm với Đoàn - Hội là điều khiến nhiều cán bộ đoàn và ĐVTN cảm thấy khá áp lực”.
Anh Dương Quốc Thịnh, Phó chánh Văn phòng Đảng uỷ xã Khánh An, nguyên Bí thư Xã đoàn, chia sẻ: “Giảm người, công việc tăng, nhưng chưa có chính sách nào ưu tiên cho cán bộ đoàn và ĐVTN giúp họ yên tâm về kinh tế để tiếp tục cống hiến. Hiện tại, một số bạn đã dừng tham gia phong trào Đoàn tại địa phương để đi nơi khác mưu sinh. Đây là một tổn thất của Đoàn - Hội”.
Bài toán giữ lửa phong trào
Đặc biệt, việc tinh gọn bộ máy cũng đang khiến tổ chức Đoàn - Hội đối mặt với thách thức trong việc tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Với sự ra đi của nhiều người giỏi, cùng môi trường làm việc áp lực, tiền lương và phụ cấp khiêm tốn, nhất là trạng thái lo lắng về vị trí việc làm, lộ trình công tác khi tổ chức thay đổi, dẫn đến nhiều cán bộ đoàn, ĐVTN có tâm lý nản lòng, xin chuyển ngành, thi công chức hoặc nghỉ việc để tìm hướng đi mới có điều kiện sống tốt hơn... Từ đó, lực lượng trẻ bắt đầu có dấu hiệu khan hiếm, điều này tạo ra khoảng trống thế hệ kế thừa trong tương lai. Vì vậy, cần sớm có lời giải cho vấn đề này, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh của tổ chức Đoàn - Hội sau này.
Ngoài ra, việc tinh gọn đối với tổ chức đặc thù như Đoàn - Hội, nơi hoạt động phong trào cần sự linh hoạt, sáng tạo và có chiều sâu, cũng cần lưu tâm, bởi nếu cắt giảm nhân sự một cách máy móc rất dễ dẫn đến giảm sút phong trào. Trong thực tế, không ít địa phương ở Cà Mau sau tinh gọn, hoạt động Đoàn - Hội gần như lắng xuống do nhân lực ít, không có người phụ trách sát sao, kinh phí eo hẹp... Ngoài ra, các đơn vị cũng thiếu sự kết nối; công tác tập huấn, bồi dưỡng giảm chất lượng đáng kể...
ĐVTN tự tin giới thiệu sản phẩm của tỉnh nhà với du khách nước ngoài.
Anh Nguyễn Tường Duy, nguyên Bí thư Xã đoàn Khánh Bình, hiện đã nghỉ công tác, thẳng thắn: “Chúng ta cần có phương án tinh gọn phù hợp với tính chất đặc thù của tổ chức Đoàn - Hội. Nếu không giữ lại được những hạt nhân phong trào là những người có kỹ năng, có tinh thần cống hiến thì tinh gọn cũng chỉ là hình thức, không hiệu quả”.
Thanh niên là rường cột nước nhà, là lực lượng xung kích, nòng cốt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói riêng, đất nước nói chung. Cùng chuyển mình trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, song tổ chức Đoàn - Hội cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Bài toán đặt ra cho hệ thống Đoàn - Hội tỉnh Cà Mau lúc này là phải chắc lọc, giữ được "tinh chất”. Tinh gọn đúng nghĩa không phải là “bớt người, giảm việc”, mà là “ít người nhưng hiệu quả, ít việc nhưng đi vào chiều sâu”.
Song song với việc vạch ra lộ trình tinh gọn phù hợp với đặc thù của hệ thống, thì bản thân tổ chức Đoàn - Hội và lực lượng ĐVTN cũng phải nêu cao tinh thần chủ động, biến áp lực thành động lực, biến thách thức thành sáng kiến, để giữ lửa phong trào bằng chính khối óc và trái tim của người trẻ. Nếu tinh gọn bộ máy là một phép thử về thể chế, thì sức bền và tinh thần dấn thân của tuổi trẻ Cà Mau chính là lời giải mang tính nội lực, để tiếp tục phát huy sứ mệnh của công tác thanh niên trong hành trình đổi mới toàn diện hôm nay.
Lam Khánh - Đại Dương