Tìm hiểu về điều thú vị này, tôi gặp ông Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn) - người đã dành hơn 20 năm qua để viết sách về lịch sử các vùng đất trên địa bàn tỉnh, hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử thuộc Bảo tàng tỉnh, cũng như đang tham gia biên soạn Lịch sử Ðảng bộ huyện U Minh. Tôi được ông cung cấp nhiều tư liệu, thông tin vô cùng quý giá về vùng đất U Minh, Trần Văn Thời xưa.
Theo đó, thời xa xưa, xã Khánh An bao gồm các xã của huyện U Minh và hầu hết huyện Trần Văn Thời bây giờ. Tức là từ hữu ngạn sông Trèm Trẹm và hữu ngạn sông Ông Ðốc chạy dọc dài ven biển, từ cửa sông Ông Ðốc đến Tiểu Dừa, giáp tỉnh Kiên Giang.
Theo địa bạ Nam Kỳ (năm 1836), Khánh An là 1 trong 12 thôn của tổng Quản Xuyên, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên. Ðến năm 1910, Khánh An là 1 trong 9 làng (Tân Hưng, Phong Lạc, Khánh An, Tân Duyệt, Tân Thuận, Hưng Mỹ, Thạnh Phú, Tân Ân, Viên An) của tổng Quản Xuyên, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu. Khánh An được hợp nhất từ 2 thôn Tân Khánh và Lâm An.
Cụm công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm mang tầm vóc quốc gia được xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh. Ảnh: HUỲNH LÂM
Vào khoảng năm 1932, làng Khánh An được chia thành 3 làng: Khánh An, Khánh Lâm và Khánh Bình. Ðịa giới xã Khánh An từ rạch Cây Khô đến Rạch Giếng. Tháng 5/1950, Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Bạc Liêu quyết định thành lập huyện Trần Văn Thời gồm 12 xã: Khánh Bình, Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Phong Lạc, An Bình, Phú Hưng, Phú Mỹ, Hưng Mỹ, Tân Hưng Mỹ; Khánh An thuộc huyện Trần Văn Thời. Tháng 10/1956, chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh An Xuyên gồm 6 quận: Quản Long, Thới Bình, Sông Ông Ðốc, Ðầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn; xã Khánh An thuộc quận Thới Bình.
Về phía cách mạng, thời kỳ đầu chống Mỹ cứu nước, 2 xã Khánh An và Nguyễn Phích ghép lại, gọi là xã Hai Khánh, thuộc huyện Trần Văn Thời (bí danh huyện Mười Tế), có 5 xã: Khánh Bình Ðông (Bảy Ðiền), Khánh Bình Tây (Tám Biển), Phong Lạc, Khánh An (Hai Khánh), Khánh Lâm.
Cánh đồng tôm xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Ảnh: NHẬT MINH
Năm 1960, huyện Trần Văn Thời chia tách thành 9 xã: Khánh An (Hai Khá), Nguyễn Phích (Hai Phích), Khánh Lâm, Khánh Bình, Trần Hợi, Khánh Hưng A (Tám Biển), Khánh Hưng B (Chín Hòn), Phong Lạc, Lợi An. Ngày 20/5/1979, huyện U Minh chính thức được thành lập, tách ra từ huyện Thới Bình, gồm 3 xã: Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm. Tháng 7/1979, xã Khánh An được tách ra làm 4 xã: Khánh Minh, Khánh An, Khánh Hiệp, Khánh Thới. Xã Khánh Thới được giao về huyện Thới Bình. Tháng 5/1991, xã Khánh An và Khánh Hiệp nhập lại thành xã Khánh An, xã Khánh Minh nhập vào xã Nguyễn Phích...
Hòn Ðá Bạc, thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: HUỲNH LÂM
Trên đây có lẽ là lý giải thuyết phục nhất cho việc vì sao trên địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời lại có đến 13 trong số 21 đơn vị hành chính đều có chữ "Khánh" đứng đầu.
Qua chia sẻ từ ông Sáu Sơn, tôi không chỉ được sáng tỏ về cội nguồn của chữ “Khánh”, mà còn hiểu thêm truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng và con đường đi lên kiến thiết quê hương từ sau ngày giải phóng của vùng đất Khánh An. Lịch sử Khánh An ghi dấu đậm nét nhất là khoảng thời gian từ năm 1955-1975, khi Mỹ và tay sai phá vỡ Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiến hành các chiến lược chiến tranh tàn khốc nhất, nhằm triệt phá phong trào cách mạng nơi đây. Tuy nhiên, Ðảng bộ và quân, dân Khánh An một lòng một dạ nêu cao khẩu hiệu: “Một tấc không đi, một li không rời”... với làng rừng, với vũ khí tự tạo, với phương châm “hai chân - ba mũi”, với cuộc chiến tranh Nhân dân du kích, với ý chí kiên cường, nhiều lần ta lấy đồn địch không tốn một viên đạn, lập nên những chiến công to lớn. Làng rừng Khánh An là nơi mở đầu phong trào làng rừng trong tỉnh, nơi xây dựng lực lượng vũ trang các cấp, vùng lên tiêu diệt quân thù.
B52 và chất độc hoá học huỷ diệt làng xóm, 4 lần địch thực hiện chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, làng xóm hoang tàn, xơ xác. Vậy mà đội du kích xã cùng các ban, ngành, đoàn thể Khánh An vẫn tồn tại và lớn mạnh, liên tục xông lên đánh địch, giải phóng quê hương.
Khu Di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt được xây dựng tại xã Khánh Hoà, huyện U Minh. Ảnh: HUỲNH LÂM
Với chiến công đó, Ðảng bộ và quân, dân Khánh An vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý của Ðảng, Nhà nước như: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất... Ngày 29/1/1996, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Ðảng bộ và quân, dân Khánh An vì “Ðã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Phát huy tinh thần kiên cường bất khuất ấy, Ðảng bộ và quân, dân Khánh An tiếp tục tô thắm trang sử vẻ vang của quê hương bằng nhiều thành tựu trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới, hội nhập cùng tỉnh nhà, cả nước. Khánh An hôm nay đang trong chặng cuối tiến đến nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An, phấn khởi chia sẻ, dù đang còn hụt về tiêu chí giao thông nông thôn để đạt 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nhưng có thể nói lộ giao thông của xã thuộc diện được quan tâm đầu tư, với 56 km đường nhựa, đường bê tông, đáp ứng xe 4 bánh lưu thông và đường liên ấp hiện nay dài hơn 103 km. Thêm nữa, hiện nay xã đã xoá trắng hộ nghèo được 7/18 ấp; 11 ấp còn lại cũng chỉ còn 31 hộ nghèo, tức tỷ lệ hộ nghèo chỉ khoảng 0,6%. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2024 đạt con số 78 triệu đồng.
Mục sở thị diện mạo xứ này, từ UBND xã theo đường nhựa tuyến 23, tôi rẽ vào tuyến T19 chạy dọc theo Ấp 13, Ấp 14 là những căn nhà tường kiên cố, khang trang, mà theo lời anh Quách Minh Hoà, Trưởng Ấp 14, hiện toàn ấp có hơn 80% bà con xây dựng được nhà kiên cố như thế này... Hiện nay, nhiều xã bắt đầu bằng chữ “Khánh” của 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời đều thay đổi từng ngày, góp phần cùng tỉnh nhà viết tiếp những thành tựu trong thời đại mới./.
Nguyễn Phú