(CMO) Chiều 31/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi Tọa đàm lịch sử về “Các khu căn cứ Tỉnh uỷ Cà Mau thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”. Đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, dự và phát biểu đề dẫn toạ đàm.
Đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, cho biết, việc xác định những vị trí khu căn cứ Tỉnh uỷ nhằm làm cơ sở để phục dựng, tôn tạo hoàn chỉnh hai khu di tích Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể và Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Đước.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, nhấn mạnh, việc tổng hợp tư liệu lịch sử về các khu căn cứ Tỉnh uỷ đóng trong thời kỳ kháng chiến để làm rõ, xác định được một cách đầy đủ nhất những vị trí khu căn cứ Tỉnh uỷ là rất cần thiết. Từ đó, làm cơ sở để phục dựng, tôn tạo hoàn chỉnh hai khu di tích Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể và Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Đước, nhằm tạo thành bản đồ những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Buổi toạ đàm giúp Ban Tổ chức thu thập thêm nhiêu thông tin về hai khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá Nhà Thể và Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước.
Tại buổi toạ đàm, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, nhân chứng lịch sử, cá nhân, tổ chức có am hiểu về lịch sử các khu căn cứ của tỉnh Cà Mau thời kỳ kháng chiến đã tham gia thảo luận, giúp cho Ban Tổ chức có nhiều thông tin để xác định vị trí của hai khu di tích Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể và Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Đước như hiện nay là tương đối phù hợp lịch sử.
Đồng thời, các bài tham luận sẽ được tổng hợp thành tư liệu lịch sử quý giá, góp phần bổ sung cho Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau. Bởi từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay đã qua một chặng đường lịch sử dài nên nguồn thông tin, tư liệu thành văn rất ít và nhân chứng lịch sử cũng không còn nhiều…
Ông Phạm Thạnh Trị, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, người từng có thời gian dài làm việc tại khu căn cứ Tỉnh uỷ trong những năm kháng chiến, tham gia đóng góp tại toạ đàm.
Theo ông Phạm Thạnh Trị, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, người từng có thời gian dài làm việc tại khu căn cứ Tỉnh uỷ trong những năm kháng chiến, thì: “Những địa danh Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị trực thuộc trực tiếp trong tỉnh thì rất nhiều. Song, giữa năm 1965, toàn bộ lực lượng từ Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị phục vụ đều dời về căn cứ Tỉnh ủy ở Xóm Mới, ấp Xẻo Đước, xã Phú Mỹ, huyện Năm Cứng (nay là huyện Phú Tân). Từ địa điểm Tỉnh ủy chọn làm nơi căn cứ cách đồn Thị Kẹo dưới 5 km, cả một tuyến dài các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy bố trí “Đại hội phòng thủ Tỉnh ủy” chốt bảo vệ 24/24 từ hướng đồn Thị Kẹo lên.
Vào thời điểm lịch sử khi Tổng thống Dương Văn Minh thay mặt chế độ Ngụy quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và quân giải phóng miền Nam Việt Nam, cũng chính tại căn cứ Tỉnh ủy ở Xẻo Đước, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Tỉnh ủy Cà Mau cùng các cơ quan, đơn vị trực thuộc lại cấp tốc hành quân ra tiếp thu tiểu khu An Xuyên tại chợ Cà Mau vào ngày 1/5/1975…”.
Bản đồ sơ lược vị trí của Tỉnh uỷ và các cơ quan thuộc Tỉnh uỷ trong thời kỳ kháng chiến.
Đồng chí Hồ Trung Việt, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, cho biết, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương nơi từng là khu căn cứ cách mạng… sẽ tiếp tục thu thập thêm tài liệu, di vật có liên quan.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức thêm các buổi toạ đàm để bổ sung và thực hiện một cách đầy đủ nhất tư liệu lịch sử về các khu căn cứ Tỉnh uỷ thời kháng chiến. Qua đó, có sự đầu tư, tôn tạo thể hiện sự tri ân của thế hôm nay.
“Đồng thời, sẽ đề nghị nâng cấp thành di tích lịch sử Quốc gia đối với hai khu di tích Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá - Nhà Thể và Căn cứ Tỉnh uỷ tại Xẻo Đước”, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thông tin./.
Mã Phi