Các phần mềm chuyển đổi số của ngành nông nghiệp tỉnh đã giúp người nông dân canh tác, nuôi trồng tốt hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất tiên tiến, hiệu quả.
- Thủ tướng chỉ rõ '3 tăng cường', '5 đẩy mạnh' trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số
- Trên 150 cán bộ, hội viên nông dân tham gia diễn đàn “Nông dân khởi nghiệp, sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số”
- Thủ tướng: Phát huy vai trò tiên phong để tăng tốc, bứt phá chuyển đổi số
- Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số
Nổi bật trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thời gian qua là việc vận hành và sử dụng vô cùng hiệu quả phần mềm Nông nghiệp Cà Mau. Các thông tin ở từng chuyên mục lớn, nhỏ như: giá cả thị trường, thời tiết, khuyến nông... liên tục được cập nhật giúp người nông dân nắm được thông tin về dịch bệnh, kỹ thuật canh tác... Thậm chí có thể biết được những nơi nào đang có những mô hình nuôi trồng hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm cho bản thân trong canh tác, trồng trọt, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Không chỉ dừng lại ở việc cập nhật tin tức, số liệu, dữ liệu, phần mềm Nông nghiệp Cà Mau còn có những buổi tư vấn trực tuyến được tổ chức vào thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần. Từ đó, những thắc mắc về kỹ thuật sản xuất và những khó khăn khi nuôi thuỷ sản cũng như trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi... của nông dân đều được các chuyên gia tư vấn sát sao và kỹ lưỡng nhất.
Người nông dân thao tác thành thạo trên chiếc điện thoại thông minh để truy cập phần mềm Nông nghiệp Cà Mau.
Anh Phạm Hữu Lượng, Ấp 2, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, cho biết: “Phần mềm Nông nghiệp Cà Mau rất hữu ích. Mỗi ngày tôi đều lên coi dự báo thời tiết để canh việc gieo mạ, xuống giống vào những thời điểm được khuyến cáo. Bên cạnh đó, tôi cũng có thêm kiến thức đối phó với các bệnh ở cây trồng, ở con tôm... để bản thân không bị bỡ ngỡ khi đối mặt với những vấn đề trong trồng lúa, nuôi tôm”.
Anh Trần Thanh Phong, ấp Cơi 4, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, thì tâm đắc với những buổi tư vấn trực tuyến. "Trong những buổi tư vấn trực tuyến ở phần mềm Nông nghiệp Cà Mau, tôi và nhiều bạn làm nông khác được nói chuyện, trao đổi với nhiều chuyên gia để hỏi thêm về cách gieo trồng hiệu quả cũng như nắm được thị trường hiện tại cần gì để mình chọn giống trồng cho đúng và dễ bán ra hơn. Phần mềm này cũng dễ sử dụng, cài đặt vào máy rất nhanh”, anh Phong cho biết.
Trong hơn 5 năm đưa vào sử dụng phần mềm này, Sở NN&PTNT đã tổ chức được trên 270 cuộc tư vấn trực tuyến, giải đáp trên 700 câu hỏi của nông dân trên khắp các địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ngoài website https://nongnghiepcamau.vn, phần mềm còn được thiết kế trên phiên bản thiết bị di động, hầu hết các điện thoại thông minh và máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android và iOS đều có thể cài đặt nhanh chóng và tiện lợi phần mềm này.
Chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục cập nhật dữ liệu trên phần mềm Nông nghiệp Cà Mau.
Chuyên viên Sở NN&PTNT, phụ trách quản lý phần mềm Nông nghiệp Cà Mau, anh Quách Hữu Thừa cho biết: “Tính đến thời điểm này, phiên bản web có hơn 1,3 triệu lượt truy cập và gần 6 ngàn lượt cài đặt đối với phiên bản trên thiết bị di động. Hầu hết người dùng phần mềm Nông nghiệp Cà Mau đều đánh giá tích cực về hiệu quả sử dụng và hài lòng vì có nhiều tiện ích được tích hợp. Ðây là tín hiệu đáng mừng để đơn vị tiếp tục duy trì và kết nối với các trường đại học, các trung tâm về phần mềm phát triển nhiều hơn nữa các tính năng trong thời gian tới”.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Vào năm 2019, phần mềm Nông nghiệp Cà Mau được xây dựng và đưa vào thí điểm sử dụng. Sau 3 lần nâng cấp, đến nay phần mềm đã được bổ sung nhiều tính năng, phân hệ, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, kịp thời cho nông dân. Trong thời gian tới đây, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai phần mềm đến nông dân. Hiện Sở đang nghiên cứu bổ sung chức năng quản lý tàu cá nhằm phục vụ nghiệp vụ quản lý tàu cá mở rộng. Ngoài ra, việc mở rộng chia sẻ dữ liệu cho phần mềm kiểm soát tàu cá, cũng như chia sẻ cho các hệ thống khác, giúp cho thông tin về tàu cá luôn đồng nhất với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý. Chúng tôi cũng tập trung đa dạng hoá thông tin nông nghiệp, số hoá các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... để người dân truy cập tham quan, học hỏi trực tuyến bằng công nghệ thực tế ảo. Song song đó là nâng cấp hoàn thiện tính năng tư vấn trực tuyến nhằm đảm bảo tổ chức được các buổi tư vấn trực tuyến chuyên nghiệp, chất lượng”.
Người nuôi cua hay thương lái cũng dùng phần mềm Nông nghiệp Cà Mau để cập nhật giá cả thị trường, xu hướng nuôi cua để thay đổi và thích ứng kịp thời.
Cùng với phần mềm Nông nghiệp Cà Mau, hiện tại, Sở NN&PTNT cũng đang sử dụng các phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý, như: Ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống đo môi trường nước trên tuyến sông phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS)... Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã ký chương trình thực hiện thí điểm sử dụng Hệ thống quản lý thông tin chuyên ngành nông nghiệp miễn phí trong thời gian 6 tháng với Viễn thông Cà Mau (VNPT Cà Mau).
Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất và là "người giúp việc" hiệu quả cho Sở NN&PTNT trong công tác quản lý, điều hành./.
Lam Khánh