Nửa nhiệm kỳ đã qua, trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đoàn kết, chung sức, đưa kinh tế huyện Thới Bình phát triển đúng hướng. Để đạt kết quả này, một trong nhiều giải pháp được địa phương triển khai đó là huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư.
Những năm qua, huyện Thới Bình được Đảng, Nhà nước ưu tiên quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đời sống, sinh hoạt. Xác định đây là thời cơ, động lực phát triển, huyện quan tâm triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án cũng như các chính sách ưu đãi. Từ đó, huyện bứt phá đi lên, thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo, an sinh, Nhân dân yên tâm sản xuất, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Huyện Thới Bình rất quan tâm huy động nguồn lực cho công tác an sinh xã hội. (Trong ảnh: Thông qua vận động, Báo Cà Mau cùng các mạnh thường quân tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tặng quà học sinh nghèo trên địa bàn xã Tân Bằng).
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhìn tổng quan, các ngành, lĩnh vực tại địa phương phát triển ổn định, năng suất, chất lượng và hiệu quả từng bước được nâng lên. Trong đó, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất sạch, hữu cơ/hướng hữu cơ. Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 17.791 tỷ đồng, đạt 53,79% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, tăng 24,58% so với cùng kỳ. Địa phương đã chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế về hệ thống giao thông, đặc điểm sinh thái, văn hoá - lịch sử… để quy hoạch, thu hút, mời gọi đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ ước đạt 13.995 tỷ đồng, đạt 57,2% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, tăng 101,34% so với cùng kỳ.
Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Bí thư Huyện uỷ, cho biết: "Trong phát triển kinh tế - xã hội, việc huy động nguồn vốn, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn là yêu cầu quan trọng. Trong đó, xã hội hoá nguồn vốn góp phần gia tăng nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp, thu hút cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng hạ tầng xã hội. Vì vậy, trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cũng như trong xây dựng NTM, huyện triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động các nguồn lực, vận dụng linh hoạt, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác để tập trung đầu tư các công trình xây dựng trọng điểm, hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình”.
Nửa nhiệm kỳ qua, địa phương huy động trên 1.376 tỷ đồng (tăng gấp 2,36 lần so với cùng kỳ) đầu tư xây dựng NTM, NTM nâng cao, đô thị văn minh và xây dựng sản phẩm OCOP. Hiện nay, bình quân mỗi xã đạt 12,36/19 tiêu chí xã NTM, 5,36/19 tiêu chí xã NTM nâng cao; thị trấn Thới Bình đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2020-2021; huyện đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM. Toàn huyện hiện có 5 sản phẩm OCOP 3 sao.
Một góc thị trấn Thới Bình.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được tập trung đầu tư thực hiện đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trọng tâm là tập trung triển khai, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021-2025) và kế hoạch đầu tư công hằng năm.
Ngoài ra, cũng trong nửa nhiệm kỳ này, địa phương vận động xã hội hoá được trên 40 tỷ đồng (tăng 11 tỷ đồng so với cùng kỳ) để chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, hỗ trợ người dân bị thiên tai, dịch bệnh…
“Song song với huy động nguồn lực, địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo kế hoạch đề ra. Điểm cốt lõi trong phát triển và duy trì phong trào xây dựng NTM là phát huy vai trò chủ thể, giao quyền tự chủ, tự quyết, tự giám sát, tổ chức thực hiện cho người dân. Đặc biệt, luôn nhất quán quan điểm huy động vừa sức dân và thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ”, ông Huỳnh Quốc Hoàng chia sẻ thêm./.
Văn Đum