Tối 16/9, Nhà thiếu nhi tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Thành đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Cà Mau tổ chức chương trình tổng kết, trao giải Liên hoan “Em hát với đêm trăng rằm” lần thứ XVIII và Hội thi làm “Lồng đèn đẹp” năm 2024.
Ban tổ chức trao 2 giải A Liên hoan “Em hát với đêm trăng rằm”.
Các đơn vị tham gia liên hoan năm nay có phần chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, cả về dàn dựng, phục trang, đạo cụ... làm nên một cuộc thi rất chất lượng và đảm bảo tính nghệ thuật cao. Ngoài ra, hoạt động quyên góp được nhà thiếu nhi thực hiện song song cùng các hội thi đã góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn cùng các em thiếu nhi cũng như đồng bào miền Bắc sau bão số 3, đó cũng là một trong những thành công lớn của các hoạt động mừng Tết Trung thu.
Ban tổ chức trao giải Nhất tập thể cho Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.
Kết quả chung cuộc Liên hoan “Em hát với đêm trăng rằm” lần thứ XVIII, 2 giải A thuộc về tiết mục đơn ca “Chị Hằng” của em Nguyễn Hà My, đơn vị Trường Tiểu học Lạc Long Quân; tiết mục ca múa “Rước đèn tháng tám”, đơn vị Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Giải Nhất tập thể thuộc về Trường Tiểu học Lê Quý Đôn. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 4 giải B, 7 giải C và 10 giải Khuyến khích cho các tiết mục dự thi.
Kết quả Hội thi làm “Lồng đèn đẹp”, giải Nhất tập thể thuộc về đơn vị Trường Tiểu học Tân Thành 2; 2 giải Nhất cá nhân thuộc về em Ngô Nhã Trâm, lớp 5C, Trường Tiểu học Quang Trung và em Nguyễn Chí Nguyễn, lớp 9D, Trường THCS Lương Thế Vinh.
Ban tổ chức trao 2 giải Nhất cá nhân trong Hội thi làm “Lồng đèn đẹp”.
Ban tổ chức trao các giải Nhất, Nhì, Ba cho các trường tham dự Hội thi làm “Lồng đèn đẹp”.
Trước đó, sáng 16/9, Hội thi làm “Lồng đèn đẹp” thu hút hơn 200 học sinh đến từ 20 đơn vị trường học cấp tiểu học, THCS trên địa bàn TP Cà Mau tham gia. Mỗi đơn vị sẽ tham gia thi với 5 lồng đèn cá nhân và 1 lồng đèn tập thể. Bên cạnh những chiếc đèn ngôi sao truyền thống thì có rất nhiều loại đèn khác được các em sáng tạo như đèn lồng hình cá chép, hoa sen, cột mốc chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa... Vật liệu làm nên những chiếc lồng đèn tại hội thi cũng rất đa dạng. Mỗi chiếc đèn mang một ý nghĩa và thông điệp khác nhau mà các em muốn truyền tải. Đó là lòng yêu nước, là ý thức bảo vệ môi trường, là gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau.
Hình dáng lồng đèn được các em thoả sức sáng tạo.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học Văn Lăng chia sẻ: “Đèn trung thu của trường làm từ vật liệu tái chế như vỏ chai nước suối, giấy gói quà... Bên cạnh giáo dục các em về truyền thống văn hoá dân tộc thì còn nhắc nhở các em trong những dịp vui chơi giải trí không quên tiết kiệm và bảo vệ môi trường”.
Hữu Nghĩa – Vân Anh