Chiều 7/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 - Ảnh VGP
Mở đầu họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ dành thời gian thông tin về nội dung Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 9/2024 diễn ra sáng nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính bàn về tình hình KTXH 9 tháng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý IV năm 2024 và thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết:
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều bất định và thiếu vững chắc. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động kép" của những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại; đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản tại các địa phương phía Bắc.
Tại Hội nghị, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định: nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, tình hình KTXH tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; tính chung 9 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, nổi bật là:
(1) Tăng trưởng được thúc đẩy; tính chung 9 tháng, GDP tăng 6,82%. Trong đó, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tốt; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.
(2) Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. An ninh năng lượng, an ninh lương thực, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
(3) Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%; Nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD.
(4) Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Số lượt khách quốc tế 9 tháng đạt trên 12,7 triệu, tăng 43,0%.
(5) Tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu NSNN 9 tháng đạt 85,1% dự toán năm, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 116,4 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
(6) Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 6,8%. Thu hút FDI 9 tháng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%; vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% và cao nhất trong nhiều năm qua.
(7) Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực; trong 9 tháng có 183 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
(8) Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193.
(9) Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133.
(10) Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân của lao động 9 tháng đạt 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
(11) Tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó, phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong đó, đã huy động gần 3,4 nghìn tỷ đồng và Chính phủ đã cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
(12) Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Trên cở sở đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại; chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần: Quyết tâm cao độ - Nỗ lực hết mình - Hành động quyết liệt - Phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 - Ảnh VGP
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 12 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể trên các lĩnh vực và 5 nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết thời gian tới. Trong đó, 12 nhóm giải pháp trong tâm, cụ thể bao gồm:
(1) Tập trung khắc phục hậu quả, phòng, chống thiên tai, ổn định đời sống Nhân dân, thúc đẩy phục hồi SXKD. Trong đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 143 của Chính phủ, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
(2) Chuẩn bị kĩ, bảo đảm tiến độ, chất lượng các báo cáo, Đề án tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với tinh thần chủ động thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và chủ động, kịp thời xử lý vướng mắc, tạo đồng thuận cao.
(3) Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2024 khoảng trên 7%.
(4) Đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ 3 CTMTQG; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng.
(5) Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, về đầu tư tập trung giải ngân vốn đầu tư công; về xuất khẩu tập trung đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; về tiêu dùng tập trung tăng tổng cầu.
(6) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số quốc gia. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội. Tăng cường kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia.
(7) Tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, trong đó lưu ý chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.
(8) Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, nâng cao đời sống Nhân dân.
Thực hiện hiệu quả, thực chất Phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Xử lý quyết liệt, hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Có các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động, nhất là ở các khu công nghiệp… Lắng nghe các ý kiến, khuyến nghị của người dân, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
(9) Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao.
(10) Tăng cường thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội.
(11) Khẩn trương trình UBTVQH về nguyên tắc tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2026 và chi đầu tư NSNN 2026 - 2030. Trong đó lưu ý ưu tiên nguồn vốn cho các dự án có tính kết nối liên vùng, quốc gia, quốc tế và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.
(12) Tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
05 nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết là:
(1) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, trong đó làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao…).
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; không điều hành "giật cục".
(2) Không để thiếu điện, xăng dầu, điện, nước, vật tư y tế, hàng hóa thiết yếu, vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh.
(3) Phối hợp với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội chuẩn bị kỹ các Luật, Nghị quyết trình Quốc hội theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, phục vụ kiến tạo phát triển.
(4) Hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bão số 3. Thúc đẩy gói tín dụng 140 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Thực hiện hiệu quả, thực chất phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc.
(5) Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tạo việc làm, sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tăng cường phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an phát biểu tại họp báo - Ảnh VGP
PV Kỳ Thành (Báo Đầu tư): Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng dự án Luật Dữ liệu, đáng chú ý là quy định đề xuất lập sàn giao dịch dữ liệu. Đề nghị Bộ Công an cho biết những dữ liệu nào dự kiến được đưa lên sàn giao dịch?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an trả lời:
Dự án Luật Dữ liệu là luật mới, được xây dựng nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu phù hợp với tiến trình hội nhập; phục vụ công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu nâng tầm chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam theo kịp các quốc gia trên thế giới, bảo đảm điều kiện cho Việt Nam phát triển và hòa nhập với nền kinh tế số của thế giới.
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".
Đối với quy định về thành lập Sàn giao dịch dữ liệu, hiện nay, trên thế giới rất nhiều sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu đang phát triển với xu hướng ngày càng mở rộng, gắn kết với mọi ngành nghề kinh tế, hoạt động xã hội như: Sàn giao dịch dữ liệu; dịch vụ trung gian dữ liệu; dịch vụ phân tích, tổng hợp dữ liệu; xác thực điện tử đối với dữ liệu không gắn với chủ thể danh tính điện tử...
Tuy nhiên, ở nước ta chưa có quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động này để tạo cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy, phát triển các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu, tạo lập thị trường dữ liệu. Do vậy, Luật Dữ liệu bổ sung quy định về Sàn giao dịch dữ liệu để góp phần thiết lập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, chuyển đổi phương thức giao tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân và các quan hệ xã hội trên môi trường số...
Do đây là những quy định mới, lần đầu tiên được quy định, cần cơ chế linh hoạt để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, ngày 23/9/2024, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ, Chính phủ đã thống nhất xây dựng dự thảo luật theo hướng không quy định cụ thể nội dung này trong luật, giao Chính phủ quy định lộ trình, giải pháp phát triển thị trường phù hợp với thực tiễn.
Hiện, Bộ Công an đang nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên: Từ 01/7/2024 đến ngày 07/10/2024, đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ Căn cước - Ảnh VGP
PV Kỳ Thành (Báo Đầu tư): Đề nghị Bộ Công an cho biết kết quả bước đầu sau 3 tháng thực hiện Luật Căn cước? Kết quả thực hiện cấp thẻ Căn cước, Giấy chứng nhận căn cước theo quy định mới như thế nào?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an trả lời:
Luật Căn cước năm 2023 được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (ngày 27/11/2023), gồm 07 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Trong đó, có một số điểm mới của Luật như chính thức đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước; bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước; mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước; bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; bổ sung quy định cấp Căn cước điện tử; bổ sung quy định thu thập thông tin sinh trắc học...
Để triển khai thực hiện Luật, Bộ Công an đã tập trung triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch số 175 ngày 14/2/2024, trong đó tập trung các công tác trọng tâm:
(1) Tham mưu ban hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Căn cước.
(2) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Căn cước và sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Căn cước.
(3) Đẩy mạnh thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chuẩn bị các điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học vê mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử...
(4) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt ra quân, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm việc thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước, tài khoản định danh điện tử cho công dân; mở đợt cao điểm triển khai thực hiện Luật Căn cước; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những điểm mới của Luật...
Kết quả là từ 01/7/2024 đến ngày 07/10/2024, đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ Căn cước. Trong đó, có hơn 3,17 triệu thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi; gần 4,03 triệu thẻ cho trẻ em từ đủ 6 đến 14 tuổi; hơn 2,38 triệu thẻ cho người từ đủ 14 tuổi.
Toàn quốc đã thu nhận hơn 1.500 dữ liệu sinh trắc giọng nói và thu nhận hơn 260 mẫu ADN.
Qua gần 3 tháng triển khai Luật Căn cước, lực lượng Công an đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và Nhân dân; việc triển khai Luật Căn cước và công tác thu nhận hồ sơ, cấp Căn cước cơ bản thuận lợi, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng trả lời về các giải pháp đối với thị trường bất động sản - Ảnh VGP
PV Văn Kiên (Báo Tiền Phong): Hiện nay giá nhà ở Thành phố lớn đang rất cao, có dấu hiệu ảo cho dù thị trường chưa thực sự sôi động. Xin hỏi, giải pháp nào để đưa bất động sản về đúng giá trị, tránh bong bóng và để những người có nhu cầu thực có thể mua được?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng trả lời:
Ba nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá bất động sản cao, đột biến thời gian qua, bao gồm:
Thứ nhất, do nguồn cầu lớn hơn nguồn cung quá nhiều.
Thứ hai, thị trường bất động sản có tình trạng đẩy giá, thổi giá. Điển hình, thời gần đây báo chí cũng đã phản ánh tình trạng một số địa phương ở Hà Nội tổ chức đấu giá đất, bị người mua đẩy giá đất cao lên rồi bỏ cọc.
Thứ ba, đó là chi phí đầu tư, đầu vào của bất động sản bị tăng cao, từ chi phí đầu tư xây dựng, sử dụng đất.
Để giải quyết 3 nguyên nhân trên, về xử lý hành vi thao túng thị trường, thổi giá, Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Cạnh tranh, Luật Đất đai, và đặc biệt Luật Kinh doanh bất động sản 2023… đã có quy định rất rõ ràng.
Cụ thể, theo Luật Kinh doanh bất động sản, cấm hành vi thao túng thị trường, đẩy giá, thổi giá trong kinh doanh bất động sản, như tại Điều 8, trong đó bao gồm việc giả mạo tài liệu, có ý làm sai lệch thông tin (nhằm tăng giá trị của bất động sản không minh bạch); không công khai thông tin về bất động sản; gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh BĐS (làm nhiễu loạn thị trường); Điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS (Điều 9); Trách nhiệm về việc cung cấp thông tin (Điều 56, Điều 62…); Hoạt động môi giới BĐS (Điều 61 – 65).
Tóm lại, Luật Kinh doanh bất động sản đã đề ra những điều khoản rõ ràng, mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát các hành vi thổi giá và lũng đoạn thị trường bất động sản.
Vừa qua, để kịp thời chấn chỉnh hiện trạng đấu giá quyền sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 với các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 5333/BXD-QLN ngày 18/9/2024 về việc "phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, đất ở và ổn định thị trường bất động sản" gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Văn bản số 5155/BXD-QLN ngày 06/9/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản gửi UBND các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp, cũng như kiến nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp bao gồm:
1. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ tại Công điện số 82/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).
3. Đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất… nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường (nhằm cân bằng cung cầu tại một số thành phố lớn đặc biệt như tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
4. Các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản, các chương trình, kế hoạch phát triển khu đô thị, nhà ở, các dự án bất động sản được phê duyệt, các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện huy động vốn theo quy định pháp luật, nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.
5. Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý" nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua.
6. Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhà, đất đã được mua, bán, nhưng bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trả lời về sửa đổi quy chế thi THCS và THPT - Ảnh VGP
PV Hoàng Lê (Báo điện tử VOV): Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo có xin ý kiến để sửa đổi quy chế thi THCS và THPT, trong đó về phương thức xét tuyển, tuyển sinh lớp 10 THPT có đưa ra 2 phương thức là xét tuyển và thi tuyển. Về thi tuyển, dự thảo quy định số lượng thi là 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và một môn thi do Sở GD tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên. Xin Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu chi tiết hơn về việc bốc thăm lựa chọn môn này như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trả lời:
Năm học 2024-2025 đã là khép kín một cái chu kỳ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo chương trình 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Và theo đó, năm học 2024-2025 này, chúng ta cân nhắc tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào khoảng giữa tháng 6 và tháng 7 năm 2025.
Vì thế, Bộ Giáo dục Đào tạo đang hết sức khẩn trương xây dựng quy chế thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến đến tháng 11 sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPC và ngày 15/10 này sẽ đăng lên Cổng Thông tin điện tử về dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào lớp 10.
Theo thông lệ của nhiều năm, nếu ban hành được vào thời điểm này thì sớm hơn những năm trước ít nhất là khoảng 3 tháng, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho hoạt động dạy và học, đặc biệt là học sinh.
Về thi tuyển sinh vào lớp 10, như phóng viên Hoàng Lê hỏi, chúng tôi cung cấp thông tin như sau:
Trước hết, về quan điểm xây dựng quy chế thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định 3 nguyên tắc, quan điểm cốt lõi.
Một là, không gây áp lực, gây tốn kém cho phụ huynh, cho học sinh và xã hội với tinh thần là gọn nhẹ. Đây là một quan điểm cũng như là nguyên tắc xuyên suốt trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và cũng tiếp tục được thể hiện trong Kết luận 91.
Nguyên tắc thứ hai là quy chế thi phải thúc đẩy được hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện để làm sao cho học sinh chuẩn bị những bước cơ bản, bước đầu về phẩm chất và năng lực để các em có đủ điều kiện có thể tiếp tục học lên cấp bậc cao hơn, đó là trung học phổ thông. Hoặc nếu các em chuyển đổi, phân luồng khi học nghề thì các em cũng có nền tảng về phẩm chất và năng lực để có thể học nghề và thực hành nghề nghiệp ngay.
Trong nội dung này, những môn thi, phương thức thi cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra, đánh giá cuối kỳ. Có nghĩa là các môn học nào trong quá trình học có kiểm tra, có đánh giá đặc biệt là cho điểm thì cuối kỳ, cuối khóa cũng phải có thể kiểm tra, đánh giá. Điều này nhằm giúp các em có đầy đủ phông nền về phẩm chất, năng lực đảm bảo giữa các môn học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội với những môn công cụ, phương tiện phù hợp với xu thế đổi mới hiện nay như ngoại ngữ, tin học, khoa học - công nghệ, STEM, v.v. và đặc biệt là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nguyên tắc thứ ba là đảm bảo công tác quản lý nhà nước. Đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khung để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá và đồng thời, cũng thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của các Sở Giáo dục trong quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Từ 3 nguyên tắc cốt lõi và cơ bản này, chúng tôi chỉ đạo xây dựng quy chế thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào 10 với những nội dung cơ bản:
Một là về phương thức thi. Có 3 phương thức: thi tuyển; xét tuyển và phối hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tất cả những nội dung này thuộc về thẩm quyền của địa phương, tức là Sở giáo dục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và lựa chọn và có căn cứ nguyên tắc. Nếu số lượng học sinh thi hay số lượng nhu cầu đầu vào phù hợp, tức là cung - cầu phù hợp thì không nhất thiết phải thi mà có thể xét tuyển…
Thứ hai, về môn thi. Quy định khung cứng của Bộ là 2 môn: ngữ văn và môn toán, còn môn thứ 3 nằm trong số những môn còn lại. Đối với những môn có đánh giá, cho điểm thì do các Sở giáo dục đào tạo quyết định nhưng phải do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.
Thứ ba là thời gian thi. Thời gian thi chúng tôi cũng quy định thống nhất.
Thứ tư là công tác ra đề, coi thi, chấm thi, công bố điểm.
Để xây dựng những nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có khảo sát tổng hợp, đánh giá rất kỹ lưỡng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 trong 10 năm qua. Qua đó, thấy rằng nếu không có quy định khung cũng như phân cấp thì công tác quản lý của chúng ta vẫn có những bất cập.
Qua thống kê, chúng tôi thấy, về phương thức thì cơ bản ổn. Về số lượng môn thi thì cũng đa số là các tỉnh lựa chọn 3 môn, có khoảng 3 đến 4 tỉnh lựa chọn 2 môn. Như vậy, không đồng nhất. Và môn thi thứ 3 là môn gì? Môn ngoại ngữ, môn tin học hay các môn khác thì cũng chưa có quy định thống nhất, tạo ra sự bất cập, và sẽ khó kiểm tra, đánh giá đối với công tác quản lý của trung ương cũng như đánh giá mặt bằng trong quá trình dạy học của cơ sở.
Phương thức chọn môn thứ ba "được quan tâm nhất". Nếu để địa phương tự chọn, việc này có thể ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của người đứng đầu, gây ra nhiều hệ lụy. Nhưng nếu chọn một môn cố định, Bộ lo gây ra tình trạng học tủ, học lệch. Như thế, học sinh không được chuẩn bị đầy đủ phẩm chất và năng lực theo yêu cầu của chương trình mới.
Bộ đang nghiên cứu có thể có các phương thức, hình thức khác nhau có thể lựa chọn trong số các môn còn lại, ví dụ như năm nay có thể thi môn khoa học xã hội, năm sau có thể khoa học tự nhiên, năm sau có thể các môn khoa học khác hoặc có thể bốc thăm. Bây giờ chúng tôi đang lấy ý kiến.
Về thời gian thi, qua tổng kết có Sở tổ chức thi môn ngữ văn là 120 phút, môn toán 120 phút, có nơi môn toán 90 phút, có nơi tiếng anh 90 phút, có nơi 60 phút. Tức là trăm hoa đua nở. Cho nên phải có sự thống nhất. Nếu làm tốt thì thuận lợi hơn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo, tránh được những rủi ro, bất cập.
Hiện nay, đang trong quá trình chúng tôi lấy ý kiến để xây dựng dự thảo Thông tư với quan điểm lắng nghe ý kiến từ cấp cơ sở nhưng trên một nguyên tắc và đảm bảo quy định thống nhất quản lý nhà nước và đảm bảo khoa học về đánh giá và đảm bảo đầu ra theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, phù hợp với cấp học.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện kỹ lưỡng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 của giai đoạn trước làm sao vừa mang tính ổn định nhưng có sự đổi mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông của 2018.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long trả lời về vấn đề phân cấp, phân quyền - Ảnh VGP
PV Văn Kiên (Báo Tiền Phong): Vừa qua, trong các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ có nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Thủ tướng có nói tránh tình trạng việc nhỏ cũng phải trình lên cấp Trung ương. Vậy giải pháp nào để có thể thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin cho?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long trả lời:
Chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chúng ta đã triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương VI về "Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động theo hướng hiệu quả", Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo tinh thần đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/2022, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng bộ, ngành, rà soát các thể chế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành mình quản lý để phân cấp cho các địa phương, hoặc phân cấp giữa Chính phủ giao cho bộ, ngành triển khai thực hiện.
Kết quả là, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 04, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi 14 luật, cho ý kiến 2 luật và chuẩn bị trình thêm 4 luật. Trình Quốc hội ban hành 9 nghị quyết, sửa đổi, bổ sung thay thế 27 nghị định. Thủ tướng Chính đã phủ ban hành 19 quyết định và các bộ, ngành đã ban hành 8 thông tư liên quan đến đẩy mạnh, phân cấp, phân quyền.
Tuy nhiên, ý kiến phóng viên nêu cũng là chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp vừa qua, thấy rằng việc phân cấp, phân quyền không phải nằm tại một văn bản mà nằm nhiều các văn bản luật, các thể chế, văn bản pháp luật khác liên quan đến điều này. Do vậy, tiến độ rà soát, sửa đổi, trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian vừa qua chậm. Một số bộ, ngành có tâm lý nể nang, né tránh, nhiều khi ngại phân cấp đến địa phương vì e ngại địa phương chưa thực hiện được.
Về giải pháp, thời gian vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực để cho các địa phương tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các chỉ tiêu đề ra.
Thủ tướng đã thành lập ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, nhiệm vụ này Bộ Tư pháp tham mưu. Khi rà soát các vướng mắc trong thực tế để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đề xuất, thực hiện việc sửa đổi kịp thời các Luật. Trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi yêu cầu các cơ quan chủ trì xây dựng luật thì yêu cầu giao thẩm quyền theo đúng tinh thần cấp nào làm cấp đó chịu trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Đơn giản các thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ khi chấp hành các thủ tục trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Về phía Bộ Nội vụ, trên cơ sở tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ sửa 2 luật liên quan đến Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Trước đây nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong luật quy định chưa quyết liệt, cơ chế phân cấp, ủy quyền chưa quy định rõ ràng, có thể những việc cấp trên giao cho cấp dưới yêu cầu phải đảm bảo về nguồn lực, tài chính, gần như chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của cấp được phân cấp hoặc được ủy quyền.
Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương X đã nêu rõ, phân cấp, phân quyền phải theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Bộ Nội vụ xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, do đó chúng tôi tiếp thu tinh thần này và sửa các quy định chung liên quan đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền, tiến tới phân định thẩm quyền chứ không phải mỗi phân cấp.
Việc gì Trung ương làm, việc gì địa phương làm sẽ được quy định rõ trong Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, các bộ chuyên ngành khi rà soát các luật chuyên ngành tương tự thì sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan để đảm bảo làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm, tạo nguồn lực.
Để tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tập trung khẩn trương xây dựng 3 luật để sửa đổi các luật trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và tài chính, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ VIII này. Những vấn đề mang tính cấp bách trong việc thực thi pháp luật, thúc đẩy phân cấp, phân quyền đã được thể hiện trong dự thảo luật sửa đổi mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ VIII này.
Trong quá trình Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định liên quan đến các quy định pháp luật chuyên ngành, cũng như các quy định về tổ chức bộ máy, yêu cầu các Bộ, ngành, các cơ quan chủ trì khi tham mưu các quy định chuyên ngành thì không lồng ghép các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến thẩm quyền trong các văn bản chuyên ngành.
Trong một số luật chuyên ngành, lại đưa thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ vào các vấn đề cụ thể. Do vậy, dẫn đến tình trạng như phóng viên nêu có những việc nhỏ cũng trình Thủ tướng. Nhưng khi mà Thủ tướng muốn phân cấp thì trong Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa thiết kế thành một thiết chế riêng. Do vậy, khi sửa đổi Luật tổ chức Chính phủ, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để làm rõ vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời về khắc phục hậu quả bão số 3 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh VGP
PV Ngọc An (Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh): Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết về toàn bộ mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão tới người dân, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế? Theo chỉ đạo của Thủ tướng thì sẽ xây dựng chương trình phục hồi tổng thể để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau bão cũng như đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Vậy đến nay Bộ KH&ĐT đã xây dựng chương trình này như thế nào, việc triển khai ra sao? Ngoài ra, các chương trình tiếp tục hỗ trợ đồng bào sau bão số 3 được triển khai như thế nào? Sáng nay, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng có chỉ đạo phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP trong năm nay khoảng 7% là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh bão lũ vừa xảy ra. Xin Bộ KH&ĐT cho biết những giải pháp để đạt được mục tiêu này trong năm nay như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời:
Về đánh giá hậu quả của cơn bão số 3, đây là cơn bão mạnh chưa từng có, gây thiệt hại rất lớn. Mặc dù có nhiều nỗ lực phòng chống bão với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhưng thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã cho thấy tác động của nó rất ghê gớm.
Có 318 người chết, 26 người mất tích và 1976 người bị thương.
Tính đến ngày 27/9/2024, ước tính thiệt hại khoảng 81,5 nghìn tỷ đồng. Các công trình hạ tầng công cộng cũng như các hạ tầng lớn của địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, như sập cầu Phong Châu, các hạ tầng, dịch vụ công cộng như về điện, nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện bị hư hại. Đây là thống kê sơ bộ về thiệt hại của cơn bão số 3 và hoàn lưu của nó gây ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá nhanh về tác động đến tăng trưởng kinh tế cả nước là làm giảm khoảng 0,15%.
Ngay sau khi cơn bão qua, Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời Bộ KH&ĐT cùng với các bộ ngành khẩn trương báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ ngay đối với những đối tượng bị ảnh hưởng sau bão .
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 với nội dung chính là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và nhanh chóng ổn định tình hình, đời sống của nhân dân, đẩy mạnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh ở những vùng bị ảnh hưởng.
Nghị quyết có 6 nội dung cơ bản và cũng đã thể hiện được tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về thứ tự ưu tiên trong các giải pháp, trong đó ưu tiên về con người, tính mạng con người, sức khỏe của con người được đặt lên hàng đầu. Cho nên, giải pháp đầu tiên là bảo vệ tính mạng, an toàn sức khỏe cho nhân dân, sau đó mới đến khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong Nghị quyết 143 cũng đã tập hợp các giải pháp, trong đó, các giải pháp hỗ trợ tập trung ở 2 khía cạnh là giải pháp về tài khóa và tiền tệ. Rất cảm ơn ngành tài chính và ngành ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp, ví dụ như cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay để phục hồi sản xuất. Đối với tài chính cũng tiếp tục thực hiện các chính sách mà trước đây chúng ta đã áp dụng trong COVID-19, đó là chúng ta giãn, hoãn việc nộp thuế, phí, lệ phí để tạo dòng tiền cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sớm phục phồi.
Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cũng khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại để đền bù cho những hợp đồng bảo hiểm đối với những tài sản cũng như các doanh nghiệp, xí nghiệp bị ảnh hưởng bão lũ. Đấy là các chính sách tác động kịp thời, ngay lập tức để phục hồi sản xuất.
Chúng tôi đã đi thực địa tại Hải Phòng và Quảng Ninh thì thấy rằng tại các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất rất nhanh, chỉ sau khoảng hơn 1 tuần đã phục hồi.
Tuy nhiên, công nghiệp có thể phục hồi nhanh nhưng ngành nông nghiệp và du lịch thì bị tác động lâu hơn, khả năng phục hồi đòi hỏi phải lâu hơn. Nông nghiệp đặc biệt là giống cây, con cần phải thời gian dài ngày. Đối với du lịch, đặc biệt những nơi sử dụng các tài sản lớn như tàu thuyền, để phục hồi thì mất rất nhiều thời gian. Trong báo cáo Chính phủ lần này, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn đối với 2 ngành nông nghiệp và du lịch, các khu vực bị thiệt hại.
Theo số liệu sơ bộ đến nay, ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho vay vốn khoảng 84,5 nghìn lượt đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão với tổng số tiền khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xuất cấp 432,6 tấn gạo để cứu đói, cũng như chi ngay từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương triển khai ngay hỗ trợ cho bà con.
Đồng thời, các nhà hảo tâm, cá nhân, doanh nghiệp trong cả nước, cộng đồng xã hội đã quan tâm, ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt về cả tiền và hiện vật.
Các nhà báo quan tâm đến câu chuyện Bộ KH&ĐT có đánh giá thiệt hại của bão là làm giảm 0,15 điểm% tốc độ tăng GDP mà tại sao tăng trưởng vẫn 7,4% của quý 3 và 6,82% của 9 tháng.
Thiệt hại là chúng tôi đánh giá là sơ bộ, là đánh giá nhanh để báo cáo với Thủ tướng để có chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng, nếu như không có bão xảy ra thì con số có thể còn cao hơn 7,4%.
Đối với mục tiêu tăng trưởng 7% thì theo kịch bản xây dựng với kết quả của quý 3 và 9 tháng thì Bộ KH&ĐT vẫn tiếp tục báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 7% của cả năm. Nếu có điều kiện thì có thể phấn đấu cao hơn 7%.
Về giải pháp, có một điểm mà trong giải pháp chỉ đạo của Chính phủ mà Bộ KH&ĐT tham mưu là những địa phương không bị ảnh hưởng mà có tiềm năng tăng trưởng cao thì cần chia sẻ và nỗ lực hơn để bù đắp lại các thiệt hại của các địa phương bị ảnh hưởng. Trong báo cáo, chúng tôi đã kiến nghị với Thủ tướng có 2 địa bàn trọng điểm mà đạt tăng trưởng ở mức cao hơn thì sẽ tác động rất tốt đến tăng trưởng kinh tế của cả nước, đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là 2 đầu tàu, động lực chính của cả nước.
Với tinh thần như vậy, sắp tới đây Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, triển khai thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ