Theo thống kê của Cục Di sản văn hoá, hiện cả nước có 5 Đền thờ Vua Hùng mang tính quy mô về tổ chức lễ hội tại các tỉnh, thành: Phú Thọ, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và Cà Mau.
Theo thống kê của Cục Di sản văn hoá, hiện cả nước có 5 Đền thờ Vua Hùng mang tính quy mô về tổ chức lễ hội tại các tỉnh, thành: Phú Thọ, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và Cà Mau.
Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau toạ lạc tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. Đền thờ tồn tại qua nhiều thế hệ, theo Ban Quản lý Đền Hùng và các bậc cao niên ở Giao Khẩu xác định ngôi đền đã có trên 150 năm.
Ðền thờ Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. |
Lúc ban đầu, đền hướng nhìn ra sông Bạch Ngưu, cư dân nơi đây còn thưa thớt và đời sống gặp nhiều khó khăn nên xây dựng đền đơn sơ bằng cây lá địa phương, dân trong vùng thường gọi là “Miếu Ông Vua”.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi đền đã bị bom đạn tàn phá rất nhiều lần, có lúc phải di dời ngôi đền từ nơi này đến nơi khác để dễ tổ chức lễ giỗ, cũng như tránh sự hư hại do chiến tranh gây ra.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngôi đền ngày càng được Nhân dân và chính quyền nơi đây quan tâm. Với sự tôn kính tổ tiên, Nhân dân vùng Giao Khẩu, mỗi người đã đóng góp một phần vật chất cũng như công sức, ngôi đền được xây dựng mới bằng bê-tông và lợp tol khang trang.
Năm 2006, với sự vận động của Ban Quản lý Đền Hùng, được Nhân dân quanh vùng ủng hộ tài trợ, Đền Hùng đã được đầu tư xây dựng bằng bê-tông cốt thép, đất xây dựng đền do ông Nguyễn Quốc Vụ hiến tặng, mặt chính đền hướng ra Quốc lộ 63, có sân rộng, cổng khang trang.
Hằng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch), ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Nhân dân quanh vùng đến đây cúng viếng rất đông, thể hiện lòng tưởng nhớ cội nguồn, công ơn các Vua Hùng đã dựng xây nên cơ đồ Việt Nam.
Từ năm 2000, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành quốc lễ và được nghỉ 1 ngày. Đó là ngày mà người dân Việt Nam thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”.
Ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương còn là ngày để dân ta nhắc nhở nhau về lòng yêu nước, về tình đoàn kết, giúp đỡ nhau của các tộc người trên đất nước Việt Nam ta theo nghĩa “đồng bào”.
Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc từ tục thờ cúng Vua Hùng là một việc cần thiết và đáng trân trọng, nhằm giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau tự hào về truyền thống của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước của con Lạc cháu Hồng./.
Bài và ảnh: Dương Minh Vĩnh