ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 16:31:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trăn trở lớp dạy chữ Khmer hè

Báo Cà Mau Huyện U Minh là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với 1.456 hộ/6.591 khẩu. Nhằm góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết và những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, hằng năm, cứ vào dịp hè, huyện phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và chính quyền địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống mở nhiều lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, hiện việc dạy và học chữ Khmer cũng còn nhiều trăn trở.

Mặc dù điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất giảng dạy nhưng đều đặn 1 tuần 3 buổi, lớp dạy chữ Khmer vẫn diễn ra tại Salatel Ấp 6, xã Khánh Hoà. Tại điểm học này có 30 em tham gia học, chia làm 2 lớp, gồm lớp 1 và lớp 2. Tại đây, ngoài học chữ Khmer, các em còn được các thầy dạy về văn hoá, phong tục tập quán, giáo lý nhà Phật...

Lớp học tại điểm Salatel Ấp 6, xã Khánh Hoà khá đông nhưng cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn.

Thầy Sơn Tuyền, phụ trách dạy chữ Khmer trên địa bàn xã Khánh Hoà, cho biết: “Hè năm nay, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục mở các lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc, hầu hết các em tham gia với tinh thần học tích cực. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về điều kiện học tập nên con em đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã tham gia các lớp học chưa đạt yêu cầu. Theo tôi nắm thì Ấp 6 có khoảng 100 em đang trong độ tuổi cắp sách đến trường, nhưng hiện 2 lớp dạy ở salatel này chỉ thu hút được khoảng 30 em, cho thấy số em chưa đi học còn rất nhiều”.

Bên cạnh đó, vì mưu sinh nên trong thời gian hè, nhiều em phải theo cha mẹ đi lao động để kiếm thêm thu nhập. Thêm nữa, nhiều phụ huynh vẫn chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học chữ Khmer, nên không quan tâm động viên con em theo học. Từ đó, dẫn đến tình trạng học sinh đăng ký học ít, các em đăng ký học cũng đến lớp không đều, làm cho việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn.

Thầy Danh Minh Tho, phụ trách dạy chữ Khmer trên địa bàn xã Khánh Lâm, cho biết: “Năm nay, địa phương mượn được 2 điểm trường học trên địa bàn xã để tổ chức 3 lớp, nhưng lượng học sinh tham gia lớp học còn khá khiêm tốn. Theo khảo sát của tôi, riêng tại tuyến T29 có khoảng 140 học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer, nhưng hè này chỉ có 40 em tham gia học. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền còn hạn chế, nên các bậc phụ huynh vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ Khmer, từ đó xem nhẹ việc cho con đến trường học chữ”.

Số em tham gia học chữ Khmer hè khá khiêm tốn so với lượng học sinh trên địa bàn. (Ảnh chụp lớp học tại xã Khánh Lâm).

Một nguyên nhân nữa khiến nhiều học sinh không mặn mà với việc học chữ Khmer là do lớp dạy và học diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ gói gọn trong 3 tháng hè, riêng năm nay thì lớp học diễn ra chỉ hơn 1 tháng. Sau thời gian hè, các em lại học chương trình phổ thông nên chữ Khmer học trong hè rất dễ quên, đến hè năm sau nhiều em phải học lại kiến thức cũ nên việc dạy và học cứ luẩn quẩn. Ðã đến lúc cần phải nghiên cứu lại việc dạy và học chữ Khmer sao cho hợp lý, hiệu quả hơn.

Hè năm nay, huyện U Minh mở được 4 điểm dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc với 6 lớp học. Trong đó, trên địa bàn xã Khánh Lâm có 2 điểm/3 lớp học, xã Khánh Hội 1 điểm/1 lớp và xã Khánh Hoà 1 điểm/2 lớp học, với hơn 100 học sinh, trong đó có cả con em dân tộc Kinh theo học. Việc dạy chữ Khmer không chỉ giúp con em đồng bào dân tộc Khmer biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình, mà còn góp phần lưu giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, truyền thống văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer.    

Thầy Danh Minh Tho chia sẻ: “Ngôn ngữ là gốc, có biết ngôn ngữ mới hiểu biết về văn hoá, cho nên, đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi mong Ðảng, Nhà nước có chính sách ưu tiên thêm nữa, có chính sách hỗ trợ con em đồng bào dân tộc khi tham gia lớp học, ở những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer như xã Khánh Lâm, Khánh Hoà, nên đưa việc dạy chữ Khmer vào dạy trong chương trình học phổ thông, nhằm góp phần chung tay gìn giữ, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer”./.

 

Trần Thể

 

Tạo thói quen tốt

Xác định việc phân loại rác tại nguồn là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế lưu lượng rác thải phát sinh ra môi trường, từ đó có thể tái sinh nguồn tài nguyên từ rác đóng góp vào sự phát triển bền vững cho xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn. Chính từ việc làm này, đã tạo được thói quen tốt trong việc bảo vệ môi trường cho người dân đến làm việc và công chức, viên chức, người lao động ngay tại đơn vị.

Về xã xoá trắng hộ nghèo

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, thời gian qua xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn đã tranh thủ mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân, nhất là những hộ nghèo phấn đấu vươn lên. Qua nhiều năm nỗ lực, đến nay, xã không còn hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.

Người cao tuổi gương mẫu

Toàn huyện Phú Tân có 13.924 người cao tuổi (NCT), chiếm 14% dân số, trong đó có trên 6.480 hội viên Hội NCT, chiếm 46% so tổng số NCT trên địa bàn. Có 204 NCT tham gia công tác chính quyền, đoàn thể, các hội, đây là những điển hình tích cực tham gia xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương, nêu cao tinh thần “Tuổi cao gương sáng”; “Tuổi cao chí càng cao”.

Cậu học trò đam mê Tin học

Ðam mê Tin học, cộng với đức tính cần cù, chăm chỉ trong rèn luyện và học tập, cậu học trò Cao Nguyên Khang, Lớp 12A, Trường THPT U Minh, thị trấn U Minh, không chỉ duy trì thành tích học sinh khá giỏi mà còn sở hữu nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi Tin học.

Khơi gợi niềm tự hào, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Giáo dục truyền thống trong học đường được các trường xác định là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Theo đó, hằng năm, các trường đều xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục thực tiễn như: văn hoá, văn nghệ ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; hành trình về nguồn, kết nạp Ðảng, Ðoàn, Hội, Ðội tại các khu di tích lịch sử cách mạng; tri ân, đền ơn đáp nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia; đồng thời lồng ghép nội dung này vào chương trình giảng dạy.

Tiếng lòng từ thầy của những... người thầy

Công việc giảng dạy của những người thầy được ví như đưa đò tri thức. Cứ mỗi chuyến đò cập bến là đong đầy niềm vui lẫn trăn trở khôn nguôi. Thầm lặng chèo đò, chở những mảnh ghép tri thức vun đắp cuộc đời, đến khi nghỉ hưu, rời xa tiếng trống trường, những nhà giáo ấy vẫn cứ dõi theo công việc giảng dạy của thế hệ sau, về những bước phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà, lẫn niềm xúc động bồi hồi mỗi khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đồng hành cùng bà con Cà Mau

Ngày 18/11, Hội Nhà báo Việt Nam, Văn phòng phía Nam; Tạp chí Người Làm Báo; Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau đã về nguồn và đồng hành, chia sẻ cùng bà con Cà Mau.

Nguy hiểm rác thải thuỷ tinh

Với đặc tính không thể phân huỷ trong tự nhiên ở điều kiện thông thường, tỷ lệ tái chế thấp, rác thải thuỷ tinh đang là thách thức lớn, gây tác động tiêu cực với môi trường. Tại TP Cà Mau, tình trạng đổ trộm rác thải thuỷ tinh vẫn còn xảy ra, gây mất mỹ quan đô thị và dễ có nguy cơ xảy ra thương tích.

Niềm vui trong căn nhà mới

Từ những ngôi nhà chưa lành lặn, được sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) huyện Phú Tân, cùng sự giúp sức của các mạnh thường quân, những mái ấm trong mơ đã thành hiện thực, dệt nên những câu chuyện đẹp về sự sẻ chia và tình người.

Phạm Ðức Thuận và giải thưởng Ðại sứ Văn hoá đọc

Chọn đề tài viết tiếp tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu và đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hoá đọc cho học sinh vùng sâu, vùng xa, Phạm Ðức Thuận, Lớp 10A1, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) đoạt giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc năm 2024.