ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 16-3-25 04:19:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trăn trở trên vỉa than bùn

Báo Cà Mau (CMO) Tình cờ đọc lại những trang viết của cố nhà văn, nhà báo Lê Vĩnh Hoà, trong bút ký “Chuyện một người săn máy bay”, qua lời của nhân vật chính - ông Bảy Thời Thế mới biết được đất Cà Mau mình quý cỡ nào: “Đất trồng khóm tốt, làm ruộng trúng, mà túng tiền cạy bậy một xuồng đi bán cũng kiếm được sáu, bảy chục đồng mua gạo.

Đất này là thứ than đá non chụm được mà”. Rồi cách đây mấy năm, khi về xã Khánh An để tìm tư liệu viết bài, chúng tôi được giới thiệu về vùng than bùn (chứ không phải là than đá non) thứ thiệt, thuộc Ấp 17 của xã này. Trái ngược với những gì mường tượng, cuộc mưu sinh của người dân trên vỉa than bùn không hề suôn sẻ, nếu không nói là nhọc nhằn. Và giờ đây, khi trở lại, nỗi niềm trăn trở của thớ đất mang trong mình quặng mỏ quý vẫn còn hiện hữu…

Gặp người quen cũ, chú Sáu Lương (Đỗ Thanh Lương, Ấp 17), hộ dân được coi là “khá giả” nhất ở đây, chú không giấu được lo lắng: “Hồi mấy năm trước, dây thuốc cá có giá, bà con cũng dễ thở. Bây giờ thì khác rồi, đầu ra của dây thuốc cá khó quá. Giá bán cũng giảm từ 30 ngàn đồng/kg chỉ còn hơn 10 ngàn đồng/kg. Bà con lần lượt phá bỏ dây thuốc cá, trồng đủ thứ hết để cầm cự”. Chúng tôi biết, với dân Ấp 17, thuốc cá là loài cây ơn nghĩa, đã giúp bà con thoát khỏi cảnh nghèo đói, từng bước vươn lên. Vậy là “thủ phủ dây thuốc cá” ở miệt U Minh (như cách người ta gọi Ấp 17, xã Khánh An này) đã bước qua thời kỳ hoàng kim. Đã có lúc người ta đinh ninh rằng, giống cây này sẽ mở ra một tương lai tốt đẹp cho vùng đất tái định cư này…

Ấp 17 thành lập năm 2007, khi Lâm Ngư trường U Minh 3 giải thể, cư dân là những người nghèo ở khắp nơi trong huyện U Minh dạt về. Rồi sau này, khi cụm công nghiệp khí - điện - đạm hình thành, người ta gọi Ấp 17 bằng một cái tên khá mỉa mai: “Ấp nghèo nhất của một xã giàu”. Phó trưởng Ấp 17 Nguyễn Văn Đa cho biết: “Ấp có hơn 200 hộ thì có 1/4 thuộc diện nghèo, cận nghèo. Riêng nghèo 46 hộ. Hiện đang có chủ trương đưa thêm 11 hộ nghèo về ấp để tái định canh, định cư”. Thật không quá khi nói Ấp 17 là cái “rốn nghèo” không chỉ của Khánh An mà là của U Minh.

Chú Dương Văn Gian phải trồng củ lùn, rau má để có chi phí trang trải sinh hoạt hàng ngày vì giá dây thuốc cá xuống thấp, đầu ra khó khăn.

Cũng phải nói thêm rằng, điều kiện thổ nhưỡng của Ấp 17 có quá nhiều bất lợi để người nông dân phát triển sản xuất. Riêng cây lúa thì không trụ được trên đất phèn trũng, úng ngập và hạn cháy này. Phải loay hoay rất lâu, bà con Ấp 17 mới tìm được loài cây cứu tinh - dây thuốc cá, nhưng rồi khi giá cả và đầu ra bấp bênh, những người nông dân nơi đây lại trắng mắt âu lo. Theo lời chú Sáu Lương, con cá đồng ở vùng này hiện nay đang bị tận diệt. Mỗi nhà một kiểu, nào trồng nhào, rau má, củ lùn, hay kê liếp trồng tràm, phải “quơ quào” để có cái mưu sinh tạm thời. Cùng đi với anh cán bộ xã, ghé hỏi thăm mấy nhà, người dân cứ trả lời nhát gừng rồi ra chiều từ chối, bà con nói hoàn cảnh sống của họ khó khăn quá, có gì đâu mà chụp hình, viết báo. Có người nói, lâu lâu cũng thấy phóng viên, nhà báo xuống, song rồi đâu lại vào đấy. Có người chỉ nói “không biết” rồi thì kệ…

Sau một hồi lựa chọn, chúng tôi tới thăm gia đình ông Trương Vũ Linh, vợ chồng ông than thở: “Nhà nợ nần quá mấy chú ơi, sổ đỏ, sổ xanh gì nằm trong ngân hàng hết rồi. Con cái cũng đi mần ăn xa luôn. Giờ trồng lúa không xong, nuôi rắn, nuôi cá cũng chỉ phá huề, trồng cái gì cũng khó khăn hết, chưa biết tính sao”. Theo lời chủ gia, đất Ấp 17 để khai phá thành thuộc, trồng trọt được thì phải tốn kém rất nhiều tiền của, thời gian. Nào là đào gốc tràm, kê liếp cho rỏ phèn, khỏi ngập úng… rồi lại lo chuyện giá cả, đầu ra. Vậy nên bao nhiêu năm nay dân Ấp 17 cũng chỉ cầm chừng mà chưa bứt phá lên được.

Cán bộ phụ trách khuyến nông xã Khánh An Nguyễn Chí Nguyện cho biết: “Do Ấp 17 là khu vực tái định canh, định cư cho những đối tượng nghèo của toàn huyện U Minh nên có những khó khăn trong quá trình lựa chọn mô hình sản xuất. Thời gian qua, một số mô hình như trồng dây thuốc cá, nuôi rắn, trồng rau má, rau màu… đã và đang mang lại những tín hiệu tốt. Tuy nhiên, nơi đây rất khó để phát triển những mô hình, cách làm mang tính đột phá”.

Vợ chồng ông Trương Vũ Linh hơn 10 năm lập nghiệp đã mang nợ hơn 200 triệu đồng, con cái đều phải đi làm ăn xa.

Chú Dương Văn Gian, người từ vùng Trần Văn Thời về Ấp 17 hơn 20 năm, trầm ngâm: “Mình nghèo quá phải về đất này, chớ để phát triển thì khó quá mấy đứa. Dây thuốc cá phải 2 năm mới thu hoạch, lúa thì không trồng được, cá đồng ngày càng khan hiếm, giờ ở nhà chỉ trông chờ vào việc hái rau má bán ngày trên dưới 100 ngàn đồng. Bây coi, giáp xứ này, thanh niên trai tráng đi hết, ở lại chỉ còn người bệnh tật, con nít với ông bà già thôi”.    

Mang những trăn trở về khó khăn của dân Ấp 17 trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An Phạm Văn Hiếu, ông cho biết: “Nói gì thì nói, bà con Ấp 17 bây giờ đỡ hơn trước lắm rồi. Đợt rồi đích thân Chủ tịch UBND huyện xuống khảo sát và địa phương đang chuẩn bị thí điểm mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng”. Hỏi ông Hiếu về chuyện vỉa than bùn, ông thông tin: “Cái này là tài nguyên, trước đây có tình trạng lén khai thác, nhưng giờ thì cấm hẳn rồi”. Mang chuyện vỉa than bùn hỏi khắp bà con, ai cũng biết nhưng câu trả lời mới khiến chúng tôi ngạc nhiên: “Thì có than bùn đó, đào lên cũng có tiền đó, nhưng đào rồi thì sao, hết than thì đất đai chắc cũng banh hết à”.

Hơn 20 năm lập xóm, lập ấp, dân Ấp 17 vẫn loay hoay tìm câu trả lời đất than bùn thì phù hợp với cây gì, con gì nhất. Người người nơi đây vẫn rất tự hào vì mình đang sống trên một mỏ tài nguyên thật sự, nhưng song hành cùng với đó là nỗi nhọc nhằn của cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền. Đất Cà Mau, như lời các bậc tiền nhân khẳng định quý vậy, giá trị vậy, không có lý do gì để những người nông dân chí thú làm ăn chật vật mãi. Vấn đề là sự quan tâm, là những hoạch định tính toán của các cấp, ngành và đặc biệt là của chính quyền địa phương để một ngày nào đó, trên vỉa than bùn của Cà Mau, người nông dân sẽ có cuộc đời thật sự ấm no, giàu đẹp, dù không đụng đến một chút than bùn…./.

Phạm Quốc Rin

Bảo vệ rừng mùa khô - Phòng vẫn là chính

Hiện nay đã bước vào cao điểm mùa khô, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học trong lâm phần đang được các chủ rừng triển khai, sẵn sàng. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) với phương châm “phòng là chính, chủ động phát hiện và chữa cháy khẩn trương, kịp thời, triệt để”.

Không để bị động trước hạn mặn

Trong khoảng thời gian từ tháng 2-4/2025 được dự báo là thời kỳ đỉnh điểm của hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, để giảm thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng hạn mặn đến sản xuất và đời sống của người dân, nhiều giải pháp ứng phó đã và đang được các ngành chức năng cũng như người dân trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện.

Bảo vệ khu rừng hậu cần quân đội

Rút kinh nghiệm từ mùa khô năm trước, năm nay, đơn vị quản lý khu đất rừng thuộc Cục Hậu cần - Kỹ thuật (Quân khu 9), tại ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, chuẩn bị khá sớm phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.

Phối hợp tốt trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển

Chiều 21/2, tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau diễn ra Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố (khu vực từ tỉnh Bình Thuận đến Kiên giang), Hải đoàn Biên phòng với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III trong năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phối hợp năm 2025.

Cần phương án bảo vệ vùng ngọt hoá

Cà Mau là tỉnh duy nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long không có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn đang là vấn đề ngày càng trở nên cấp bách, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng ngọt hoá ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau.

Chuyển từ ứng phó sang chủ động phòng ngừa

Hiện mực nước trên các tuyến kênh vùng ngọt hoá đang giảm dần, đánh dấu mùa khô đang bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm. Ðiều này đồng nghĩa với thách thức phòng chống hạn mặn, nhất là bảo vệ, duy trì vùng ngọt, cũng ngày một lớn hơn.

Chủ động bảo vệ rừng mùa khô

Rừng tràm U Minh Hạ có diện tích lớn, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho hàng chục ngàn hộ dân, mà từ lâu đã trở thành nét đặc trưng khi nhắc đến Cà Mau, bởi nó có vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ nguồn gen, bảo tồn lịch sử văn hoá và cả phục vụ nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm, khám phá du lịch… Do đó, việc bảo vệ và quản lý tốt diện tích rừng U Minh Hạ có ý nghĩa vô cùng quan trọng; trong công tác này cũng có không ít khó khăn.

Phát triển đi đôi với bảo vệ

Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thời gian qua được tỉnh Cà Mau dành sự quan tâm đặc biệt, xem đây là một trong các giải pháp hiệu quả, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu (BÐKH).

Hành động sớm, giảm thiệt hại

Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, đời sống và sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt xảy ra, nhất là khó khăn về nước sinh hoạt, đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng ngọt thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau, các khu vực ven biển, đảo và hải đảo, vùng nông thôn.

Thích ứng linh hoạt, sống chung biến đổi khí hậu

Chủ động tiếp cận, linh hoạt thích ứng và sống chung với biến đổi khí hậu (BÐKH), biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đó là quan điểm trong mọi hành động ứng phó với BÐKH trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng như ở giai đoạn tiếp theo.