Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân người đã khuất, vừa qua, ông Trần Thiện Hà, thành viên Ban Liên lạc Cựu cán bộ Ðoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam, đã đến trao ảnh phục dựng cho 2 gia đình liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) ở huyện Trần Văn Thời. Ðây là hoạt động mang lại ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn cho gia đình liệt sĩ, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về một thế hệ thanh niên đã từng đóng góp máu xương trên tuyến đường 1C huyền thoại.
- Tri ân vùng căn cứ
- Tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Trung tâm Bảo trợ xã hội tri ân người có công
- Thắp nến tri ân các anh hùng
Trước đó, Ban Liên lạc đã thông qua tổ chức "Trái tim người lính", sử dụng công nghệ AI để phục dựng lại hình ảnh 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Võ Thị Hồng và Nguyễn Ngọc Ðẹp.
Anh hùng LLVTND Võ Thị Hồng sinh năm 1951, hy sinh năm 1969. Theo lịch sử ghi lại, ngày 18/7/1967, cô Võ Thị Hồng khi ấy mới 16 tuổi, xin nhập ngũ vào lực lượng TNXP Ðại đội Nguyễn Việt Khái II, phục vụ vận chuyển hàng trên tuyến đường 1C. Tuy thời gian tham gia cách mạng không dài nhưng nữ chiến sĩ trẻ khi sa vào tay giặc vẫn hiên ngang, bất khuất đến giây phút cuối cùng, đã để lại cho đời, cho đồng đội, cho thế hệ sau tấm gương chói sáng về tình yêu Tổ quốc và khí phách anh hùng. Ngày 5/12/2007, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sĩ Võ Thị Hồng.
Hiện tại, người thờ cúng Anh hùng LLVTND Võ Thị Hồng là ông Võ Văn Cường, ấp Tân Phong, xã Phong Ðiền. Ông Cường xúc động nhớ lại: “Chị tôi ở nhà tên Hồng, tới khi đi TNXP mới có tên Hồng Láng. Lúc sinh thời ở nhà, chị rất giỏi giang, chịu cực khổ, chuyện trong nhà, làm ruộng, cấy lúa gì cũng giỏi”. Theo ông Cường, trước đây mẹ và người em trai Út của ông đảm nhận việc thờ cúng, nhưng sau khi bà mất và người em đi nơi khác làm ăn thì ông đảm trách. Giờ đây, khi nhận được di ảnh người chị thân thương của mình được phục dựng lại đẹp đẽ, rõ ràng đường nét, ông Cường hết sức xúc động, cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Ông Trần Thiện Hà trao ảnh phục dựng Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ Võ Thị Hồng cho gia đình ông Võ Văn Cường, ấp Tân Phong, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời.
Rời gia đình ông Cường, ông Trần Thiện Hà về ấp Kinh Hãng B, xã Khánh Hưng, trao di ảnh Anh hùng LLVTND Nguyễn Ngọc Ðẹp cho gia đình. Hiện tại, người thờ cúng là ông Nguyễn Văn Út. Nhận được di ảnh của người chị đã mất, ông Út xúc động rưng rưng, lời nói như nghẹn lại vì không nghĩ có ngày hình ảnh được phục dựng chân thực như vậy.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Ngọc Ðẹp sinh năm 1951, hy sinh năm 1972. Lịch sử còn ghi, năm 1967, Tỉnh đoàn Cà Mau phát động phong trào “Năm xung phong", Nguyễn Ngọc Ðẹp đăng ký tham gia TNXP và được biên chế vào Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái II, vận chuyển vũ khí trên tuyến đường 1C. Giai đoạn 1970-1972, đồng chí Nguyễn Ngọc Ðẹp được tăng cường về đơn vị 195 phụ trách bộ phận vận chuyển vũ khí, đồng thời chăm sóc thương binh (vì đồng chí còn là một nữ y tá). Vào mùa khô năm 1972, nhận nhiệm vụ đưa quân về miền Tây, trên đường đi công tác, đồng chí lọt vào ổ phục kích của địch, đồng thời bị máy bay địch săn đuổi. Sau nhiều giờ chiến đấu ngoan cường với số lượng quân địch đông gấp bội, đồng chí Nguyễn Ngọc Ðẹp đã anh dũng hy sinh. Ngày hôm sau, đồng đội tìm thi thể đồng chí đưa về truy điệu, an táng với lòng thương tiếc vô hạn. Ngày 30/1/2011, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 164/QÐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Ðẹp.
Di ảnh Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Ðẹp được phục dựng (bên trái) và đặt trên bàn thờ tại gia đình, ấp Kinh Hãng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.
Hoàn thành nhiệm vụ trao di ảnh liệt sĩ, ông Trần Thiện Hà rất vui, song cũng xen lẫn nỗi băn khoăn bởi căn nhà tình nghĩa đang thờ cúng Anh hùng LLVTND Nguyễn Ngọc Ðẹp đã xuống cấp, xiêu vẹo. Ông Hà bảo: “Thấy cảnh này bản thân không khỏi xót xa. Với vai trò thành viên Ban Liên lạc, tôi sẽ cố gắng làm cầu nối, vận động hỗ trợ gia đình ông Út có được căn nhà lành lặn hơn, để phần nào hương hoả cho Anh hùng LLVTND Nguyễn Ngọc Ðẹp ấm cúng hơn”.
Chia sẻ về hoạt động trao di ảnh liệt sĩ, ông Hà tâm sự: “Với phương châm "Nhớ ơn liệt sĩ, đáp nghĩa đồng bào, chăm lo đồng đội, tiếp lửa thanh niên", đây là hoạt động nhằm tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường 1C. Từ đó, giáo dục truyền thống cách mạng, động viên thế hệ trẻ hăng hái, xung phong kiến thiết đất nước trong thời đại mới”.
Ðược biết, 1C là mật danh của tuyến đường vận tải chiến lược của Trung ương chi viện hậu cần, lực lượng cho chiến trường Tây Nam Bộ đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu uỷ Khu IX và các tỉnh uỷ những nơi tuyến đường đi qua như Tây Ninh, Rạch Giá, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau. Với vai trò là huyết mạch của cách mạng miền Tây, từ cuối năm 1967-1975, thông qua tuyến đường 1C, lực lượng TNXP vận chuyển trên 13 ngàn tấn hàng quân sự và đưa đón trên 30 ngàn lượt cán bộ, cung cấp kịp thời cho chiến trường miền Tây, góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.
Gia Minh