Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn. Ðây là một thách thức, khó khăn không nhỏ đối với ngành BHXH cũng như tổ chức công đoàn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các ngành trong việc giải quyết vướng mắc liên quan đến nợ BHXH…
Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cho tổ chức công đoàn. Ðây là một thách thức, khó khăn không nhỏ đối với ngành BHXH cũng như tổ chức công đoàn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các ngành trong việc giải quyết vướng mắc liên quan đến nợ BHXH…
Chính sách BHXH là trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội. Hằng tháng, người sử dụng lao động sẽ trừ số tiền BHXH trong khoản thu nhập của người lao động (NLÐ) và NLÐ sẽ an tâm với các chính sách mà mình được hưởng. Tuy nhiên, rất nhiều công nhân lao động khi phát sinh về hưởng chính sách BHXH thì mới biết mọi quyền lợi của mình chỉ là ảo tưởng. Bởi lẽ, tiền đóng BHXH của mình thay vì nộp ở cơ quan BHXH thì lại đang bị các doanh nghiệp chiếm dụng.
Theo số liệu của BHXH tỉnh Cà Mau, đến ngày 18/11, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh trên 153 tỷ đồng. Trong đó, có 107 công ty, doanh nghiệp nợ trên 4 tháng với số tiền gần 52 tỷ đồng. Có nhiều doanh nghiệp nợ cao như: Công ty TNHH Thuỷ sản Camimex 13,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thuỷ sản Cadovimex (huyện Phú Tân) 11,25 tỷ đồng… Hệ quả của điều này là hàng ngàn công nhân lao động bị mất quyền lợi về hưởng các chính sách BHXH, quan hệ lao động tại các công ty căng thẳng, dễ dẫn đến ngừng việc.
Ngoài ra, nhiều trường hợp NLÐ nghỉ việc ở những doanh nghiệp nợ BHXH, khi tìm được việc làm mới thì cơ quan BHXH không thể chốt sổ BHXH cho NLÐ, hoặc lao động nữ có thai chậm được hưởng các chế độ thai sản, ốm đau…
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên cho biết, tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN từ đầu năm đến nay tăng cao là do từ ngày 1/1/2016, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành thì toà án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động mà việc khởi kiện các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH được giao cho tổ chức công đoàn.
Ông Trần Thanh Phong, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, LÐLÐ tỉnh, thông tin, do luật mới nên cần có thời gian triển khai thực hiện. Hiện LÐLÐ đã xây dựng quy chế phối hợp với BHXH tỉnh nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra toà án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan toà án cùng cấp.
Theo ông Phong, đây là nhiệm vụ mới nên lực lượng cán bộ công đoàn cũng chưa nắm chắc những quy định pháp luật tố tụng, khởi kiện nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Hơn nữa, trước đây cơ quan BHXH kiện doanh nghiệp nợ BHXH chỉ cần dựa vào số nợ, thời gian nợ, còn khi tổ chức công đoàn kiện doanh nghiệp nợ BHXH cần phải được người lao động uỷ quyền. Trong khi đó, ở khu vực ngoài Nhà nước không phải doanh nghiệp nào cũng có tổ chức công đoàn, đó là chưa nói tới sức ép, sự cản trở của người sử dụng lao động đối với việc NLÐ làm đơn, uỷ quyền cho công đoàn khởi kiện doanh nghiệp.
"Việc trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH là quy định phù hợp với tình hình mới, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, giúp tổ chức công đoàn có thêm cơ sở để đảm bảo thực hiện tốt vai trò đại diện cho tiếng nói, quyền lợi hợp pháp của NLÐ. Ðể chủ động thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi NLÐ, từ đầu năm đến nay, LÐLÐ tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai Luật BHXH mới cho công đoàn các cấp cũng như đối thoại tại các doanh nghiệp về luật này", ông Phong cho biết./.
Hồng Phượng