Việc tạo cơ hội để người khuyết tật có việc làm, tự nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, luôn được các cấp, các ngành và cộng đồng quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản trong thực hiện công tác này.
- Tiếp thêm niềm tin cho trẻ khuyết tật
- "Nâng cao vai trò lãnh đạo của người khuyết tật vì một tương lai toàn diện và bền vững"
- Cải thiện cuộc sống người khuyết tật
- Dìu dắt trẻ khuyết tật trưởng thành
- Hơn 5.500 trẻ được sàng lọc khuyết tật
Điển hình như tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau (ấp Cây Trâm, xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau), bên cạnh việc dạy cho trẻ khuyết tật những kỹ năng giao tiếp, đọc viết, Trung tâm vẫn còn hạn chế trong tìm kiếm thông tin, phát triển kỹ năng và cơ hội đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho trẻ khuyết tật ở đây.
Cô Giã Tố Quyên, Phó giám đốc Trung tâm, chia sẻ: “Trung tâm đi “gõ cửa” nhiều đơn vị, nhưng chưa có đơn vị nào phối hợp. Vừa qua, Trung tâm có dịp đối thoại với lãnh đạo HÐND tỉnh, Ban Giám đốc cũng thay mặt các em nêu lên nguyện vọng học nghề, nhưng hiện nay vẫn chưa có đề án”.
Các em mong muốn có nghề nghiệp ổn định để tự lập, không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Năm học 2023-2024, Trung tâm có 4 em tốt nghiệp lớp 12. Năm học 2024-2025 này, Trung tâm có 11 em và dự kiến có 10 em hoàn thành chương trình học 12 tại đây.
Dù là học sinh lớp 11 nhưng em Dương Ngọc Trân đã là cô gái 22 tuổi. Trân mong muốn được học may để sau này có công việc ổn định và nuôi sống bản thân, không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Còn với em Nguyễn Thái Bảo, lớp 11 (20 tuổi), mong muốn được học sửa xe, nếu có điều kiện em sẽ đi học nghề để sau này mở tiệm.
Cô Quyên chia sẻ thêm: “Ða số các em có điểm chung là gia đình hoàn cảnh khó khăn, các em ở đây đôi khi một năm về nhà được 1-2 lần, có những em cha mẹ đi làm ăn xa, gửi vào đây, dịp lễ, Tết mới đón các em về”.
Ngoài nhiệm vụ dạy các em kiến thức, Trung tâm mong muốn kết nối để đào tạo thêm nghề cho các em, để các em sau khi về với gia đình, cộng đồng, có công việc ổn định.
Các em cũng có ước mơ, có nghề nghiệp ổn định để tự lập, không làm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cô Quyên cho biết: “Trung tâm kết nối với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau liên quan đến các lớp đào tạo nghề. Trường thì có lớp, nhưng các em ở đây đi lại khó khăn, các em không nghe, nói được nên không thể cho các em đi một mình đến trường học. Mặt khác, nếu các em đi học mà không có giáo viên hướng dẫn đi cùng thì các em sẽ không hiểu thầy cô dạy nghề nói gì. Vì thế, mong muốn của Ban Giám đốc Trung tâm là tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ mở lớp học tại Trung tâm thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, có giáo viên tại Trung tâm phiên dịch cho các em, các em tiếp thu bài cũng nhanh hơn”.
“Tại Trung tâm, hằng năm cũng có vài học sinh xong chương trình học, vì mưu sinh mà bôn ba đi các xí nghiệp, nhà máy ngoài tỉnh làm việc, kiếm sống. Song, vì hạn chế trong giao tiếp nên các em chỉ làm được trong môi trường sản xuất dây chuyền. Nhưng con số này cũng rất hiếm hoi”, cô Quyên trần tình.
Sinh ra với cơ thể khiếm khuyết đã là nỗi mất mát đối với trẻ em khuyết tật. Như bao người khác, các em muốn được học nghề, có thu nhập. Vì vậy, thời gian tới, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đến đối tượng người khuyết tật, đặc biệt là trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau, để các em có điều kiện tham gia các khoá đào tạo nghề, giúp các em sớm hoà nhập cộng đồng và hơn hết có thể kiếm tiền để tự nuôi sống bản thân./.
Kim Cương - Lê Tuấn