(CMO) Ngày 11/12, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2016 – 2020 Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo; đề xuất, báo cáo chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tại điểm cầu Cà Mau, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Quốc Việt cùng lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành dự.
Thực hiện mục tiêu GNBV, hạn chế tái nghèo, giai đoạn 2016 – 2020, tổng kinh phí thực hiện chương trình trên 48 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 41 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư trên 29 nghìn tỷ đồng; vốn sự nghiệp gần 12 nghìn tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình còn huy động nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp và vốn huy động hợp pháp khác gần 7 nghìn tỷ đồng.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 điểm cầu Cà Mau
Tính đến năm 2020, ngân sách Trung ương đã bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV giai đoạn 2016 - 2020 hơn 42.334 tỷ đồng/kế hoạch 41.449 tỷ đồng (đạt 101,02%), vượt 1,02% so với chỉ tiêu phê duyệt. Trong đó tập trung vào vốn đầu tư phát triển chiếm 72%; 28% còn lại hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; duy tu, bảo dưỡng; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá.
Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm (chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1-1,5%/năm). Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2018 tăng khoảng 1,4 lần so với cuối năm 2015, dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập hộ nghèo tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra là 1,5 lần.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa thực sự mang tính bền vững tại một số địa phương, tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm 2016 - 2019 bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016 - 2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo. Sự chênh lệch giàu - nghèo, về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Tại Cà Mau, giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 12,14% (đầu năm 2011) xuống còn 3,56% (cuối năm 2015), bình quân giảm 1,8%/năm. Giai đoạn 2016 - 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 9,94% (đầu năm 2016) xuống còn 2,52% (cuối năm 2019), bình quân giảm 1,9%/năm; đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 1,5%/năm. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,82%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,7%; giảm tỷ lệ từ 1% đến 2% ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 5% đến 6%, riêng các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 7% trở lên thì giảm 3%.
Phát triển mô hình đa cây, đa con theo hướng sản xuất hữu cơ đã mang lại lợi nhuận hoảng 450 triệu đồng/năm cho nữ cán bộ đoàn Nguyễn Thanh Kiều (ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời)
Giai đoạn 2021 – 2025, nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững khoảng 117.555 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương khoảng 78.050 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 24.740 tỷ đồng và trên 14.765 tỷ đồng từ nguồn huy động hợp pháp khác. Phấn đấu từng bước xoá bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người ở mọi nơi; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người; góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và biểu dương các mô hình xóa đói giảm nghèo từ trung ương đến địa phương, nhất là tinh thần không ỷ lại, vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo. Tuy nhiên, giai đoạn 2021 – 2025, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn là một thách thức lớn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng giảm nghèo cần tập trung chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương với mục tiêu “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”; cần xây dựng mô hình giảm nghèo, an sinh xã hội phù hợp với bối cảnh mới, bối cảnh của dịch bệnh. Song song đó các hoạt động dân trí, giáo dục, dạy nghề phải được xem là một bài toán quan trọng để có thể thúc đẩy công tác giảm nghèo một cách bền vững, đạt hiệu quả cao. Đồng thời nhân rộng những hình giảm nghèo nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ./.
Phương Lài