ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 28-4-25 11:56:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tri thức dân gian về đánh bắt thuỷ sản

Báo Cà Mau Kinh nghiệm đánh bắt thuỷ sản của cư dân Cà Mau được hình thành qua hàng trăm năm, từ thời khai hoang, mở cõi. Xuất phát từ nhu cầu khai thác môi trường thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của con người, trong đó việc đánh bắt các loài thuỷ sản để bổ sung thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày đã trở thành hoạt động thường xuyên.

Kinh nghiệm đánh bắt thuỷ sản của cư dân Cà Mau được hình thành qua hàng trăm năm, từ thời khai hoang, mở cõi. Xuất phát từ nhu cầu khai thác môi trường thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của con người, trong đó việc đánh bắt các loài thuỷ sản để bổ sung thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày đã trở thành hoạt động thường xuyên.

Là vùng đất được mệnh danh “trên cơm, dưới cá” rất giàu có về trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, những thế hệ lưu dân đầu tiên trên vùng đất này vốn đã không gặp nhiều khó khăn trong việc đánh bắt thuỷ sản. Vì vậy, những phương tiện sử dụng ban đầu rất thô sơ, chủ yếu dùng “tay không” để đánh bắt. Phương pháp đánh bắt đơn giản nhất mà từ trẻ con đến người lớn đều biết là dùng tay để thu giữ các loài thuỷ sản.

Dựa vào tập tính của một số giống loài, người ta có những cách đánh bắt khác nhau: mò cua, bắt ốc, bắt vọp, sạc sò, thụt lịch, chụp ếch, vớt cá lia thia… cũng bằng đôi tay trần nhưng có nhiều phương cách sử dụng khác nhau, mỗi cách sử dụng có một tên gọi riêng phản ánh sự đa dạng giống loài cũng như sự thích nghi của con người trong việc sử dụng, khai thác môi trường thiên nhiên.

Ðánh bắt thuỷ sản bằng cách đóng đáy trên sông.

Theo thời gian, các thế hệ cư dân địa phương đã nghiên cứu tập tính, quy luật hoạt động của các giống loài thuỷ sản sinh sống trong môi trường tự nhiên để tạo ra những công cụ, dụng cụ đánh bắt đơn giản nhưng hiệu quả. Từ đôi tay trần, các thế hệ dân cư Cà Mau sáng tạo ra nhiều hình thức đánh bắt cá, tôm. Ðể bắt cá trong đìa vào mùa hạn, người ta có nhiều cách: đào hầm, kéo lưới, chụp đìa, tát đìa… Trong đó, đào hầm là cách đơn giản và nhàn rỗi nhất.

Trước tiên người ta chọn vị trí miệng đìa (họng đìa) cho thật êm, đào xuống một lỗ tròn sâu khoảng 5-6 tấc rồi đặt xuống một cái thùng, hoặc khạp da bò để làm hầm, sau đó dọn sạch cỏ rác và tạo đường cho cá dễ dàng bò từ mé đìa tới miệng hầm, tưới lên ít nước cho trơn tru, cá trong đìa muốn tìm đường ra sẽ tìm cách bò (lóc) lên chỗ ẩm ướt và rớt vào hầm, hình thức này thường bắt được nhiều cá lóc, cá rô.

Cách đánh bắt trên sông, rạch đa dạng và phong phú hơn. Phổ biến nhất và đa dạng nhất có lẽ là các loại câu: câu giăng, câu thả, câu cắm, câu giềng, câu nhắp (câu rê), câu thượt, câu cá rô, câu cá chẽm, câu tôm, câu mực… dựa vào tập tính của các loài thuỷ sản khác nhau. Dân gian đã sáng tạo ra các loại câu phù hợp, để câu cá chốt trên sông rạch, người ta thường sử dụng loại câu tay được làm bằng cây trúc, dây câu làm bằng sợi ni-lông với lưỡi câu nhỏ. Cá chốt có nhiều loại: cá chốt giấy, cá chốt trâu, cá chốt chuột… loại mồi thường dùng để câu là trùn (trùn cơm, trùn đất), tép rong hoặc dế cơm, dế nhũi…

Ðặc biệt, cá chốt rất thích mồi câu là trứng kiến vàng được lấy từ các tổ kiến trên cây xoài, cây bần ổi. Loại câu nhắp, câu thượt thường dùng để câu cá lóc, loài cá này rất háu ăn, dựa vào đặc điểm này người ta dùng loại câu (cũng làm bằng cây trúc) dài khoảng 4-6 m, dây câu, lưỡi câu lớn và chắc chắn hơn câu cá rô. Lưỡi câu móc vào lưng một con nhái bén làm mồi, khi câu sẽ điều khiển cần câu theo động tác “nhắp”, “thượt” sao cho mồi câu rê dài trên mặt nước.

Những vị trí gần bờ ao, bờ kinh rạch, chỗ các gốc cây là nơi trú ẩn ưa thích của cá lóc, loài cá này thích động vật sống nhảy trên mặt nước sẽ lao theo đớp lấy, người câu cứ thế giật lên để bắt cá. Các loại câu giăng, câu cắm, câu thả dùng để bắt nhiều loài cá trên đồng ruộng, kinh mương, sông rạch như cá trê, cá lóc, cá rô, cá thác lác… tuỳ theo loại mồi ưa thích của chúng. Cá thác lác thích mồi trùn, cá rô thích cào cào hoặc tép rong, cá lóc thích con còng gió, nhái bén, cá trê thích mồi trùn hoặc ốc…

Vào lúc chiều tối, khi mặt trời sắp lặn, người ta móc mồi câu mang đi giăng (hoặc thả, cắm) ở nơi có nhiều cá trú ẩn, chờ khoảng 4-5 giờ, lúc sắp đi ngủ thì đi “thăm câu” lần một để gỡ cá, đồng thời thay mồi mới để đến sáng sớm hôm sau sẽ cuốn câu. Nghề “giăng câu” đôi khi thu hoạch rất khá, trở thành nghề mưu sinh của một số người nhàn rỗi ở nông thôn.

Ðặt vó cũng là hình thức đánh bắt cá, tôm phổ biến trên sông rạch ở Cà Mau. Người ta thường chọn những đoạn sông có cá, tôm đi nhiều, lòng sông sâu, phía trên bờ thiết kế một khung lưới hình cái vợt lớn khoảng 10 m2, sử dụng cây tre hoặc gỗ đóng thành cái “vó” hoạt động theo nguyên tắc đòn bẩy. Tấm lưới được kết vào một đầu của đòn bẩy sao cho phần “tùng” võng xuống tạo thành nơi chứa tôm cá, sau khi “đặt vó” xuống sông một thời gian thì “cất vó” lên khỏi mặt nước để dùng vợt nhỏ xúc tôm, cá. Theo đặc điểm của các loại vó được thiết kế theo địa hình sông rạch mà có nhiều tên gọi khác nhau: vó càng, vó gạt, vó gọng…

Xây hàng đáy, xây nò, đặt đó, đặt lú trên sông phổ biến ở những đoạn sông lớn, có nhiều tôm cá. Đây là những loại hình sử dụng ven đăng (được bện bằng tre trúc, cây sậy hoặc lưới) dẫn dụ cá tôm vào những cái “rọ” được thiết kế sẵn chủ yếu để bắt tôm tép và các loài cá trắng trên sông rạch.

Ðặt lọp, đặt lờ là hình thức đánh bắt ở kinh mương, đồng ruộng với địa hình hẹp, các dụng cụ này được thiết kế bằng tre, trúc vót nhỏ hoặc lưới bao quanh, ở đầu có gắn “hom” để tôm cá có thể vào được nhưng không ra được, lọp thường đặt dưới đáy mương để bắt cá lớn, tôm càng, cua, rùa… trong khi lờ thường dùng để bắt loại cá nhỏ hơn như cá rô, cá sặt.

Ðịa hình sông rạch, kinh mương, đồng bãi Cà Mau vô cùng đa dạng kéo theo sự đa dạng, phong phú về chủng loại tôm cá, thuỷ sản. Dân gian Cà Mau đã sáng tạo ra hàng chục, hàng trăm hình thức nông ngư cụ khác nhau, mỗi loại nông ngư cụ lại có những cách sử dụng tương ứng, tạo nên nét đặc thù trong sinh hoạt: đặt trúm bắt lươn; đi “trễ” tôm tép trên sông; nơm cá, chĩa cá trên đồng ruộng; móc lịch, thụt lịch, se lịch trên bãi bồi; phóng lao bắt cá dứa; chài cá, kéo cá, giăng lưới; sạc sò; soi nhái, soi ếch; móc hang bắt cua; thụt cá bống kèo; dùng bẫy rập câu cua; giậm cù bắt cá; dùng sà di bắt cá thòi lòi; quây chà bắt cá tôm…

Quá trình tích luỹ và trau dồi qua năm tháng trở thành những kinh nghiệm dân gian và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những kinh nghiệm này đã giúp cư dân càng nâng cao “tay nghề” về đánh bắt thuỷ sản. Nhiều người được mệnh danh là “thầy nò” vì khả năng xây nò trên sông rạch đạt đến trình độ “bậc thầy”, hiểu được quy luật đi lại cũng như luồng lạch di chuyển theo bầy đàn của các loài tôm cá dưới sông ngòi, kinh rạch. Người được gọi là có tay “sát cá” do lúc nào đi giăng câu, chài lưới cũng thu hoạch được nhiều cá hơn người khác

Tri thức dân gian về đánh bắt thuỷ sản của các thế hệ dân cư Cà Mau được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm, đây là những tri thức quý giá cần được nghiên cứu bảo tồn để làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Phú Hưng

Wonder English Center Chính Thức Khai Trương tại Cà Mau, Cam Kết Phát Triển Toàn Diện Theo Mô Hình "3 Gốc"

Cà Mau – Ngày 18/04/2025, lúc 9 giờ 30 phút, Trung tâm Anh ngữ Wonder (Wonder English Center) đã long trọng tổ chức Lễ Khai trương tại địa chỉ C3A, Khu Trung tâm Hành chính Chính trị (Nội khu Mường Thanh), Phường 9, TP. Cà Mau. Sự kiện đánh dấu bước chân chính thức của Wonder vào lĩnh vực giáo dục tại địa phương, mang theo tâm huyết kiến tạo một môi trường học tập không chỉ chuyên sâu về ngoại ngữ mà còn hướng đến sự phát triển con người toàn diện.

Khơi gợi tình yêu với sách

Sách có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, sách chứa đựng tri thức của nhân loại, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Trải qua hàng ngàn năm từ khi sách được viết, in trên lá, tre, trúc, vải lụa, ngày nay, ngoài xuất bản trên chất liệu giấy, với xu hướng trong kỷ nguyên mới, sách còn được phát triển ở dạng điện tử e-book... Tuy vậy, dù tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, sách vẫn có vai trò quan trọng.

Cuối tháng 5 sẽ hoàn thành xoá nhà tạm

Với quyết tâm cao, huyện Ðầm Dơi triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến cuối tháng 5 này hoàn thành xoá 698 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Bàn giao nhà “Nghĩa tình Cựu chiến binh”

Trong sinh khí nô nức thi đua của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích cao nhất kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chiều ngày 22/4, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức lễ bàn giao nhà “Nghĩa tình Cựu chiến binh” thay lời tri ân và nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn, một nghĩa cử cao đẹp của dân tộc ta.

Xuôi dòng Gành Hào

Sông Gành Hào bắt nguồn từ trung tâm TP Cà Mau tại ngã ba sông với kênh Quản lộ Phụng Hiệp và Tắc Thủ (còn gọi là ngã ba Chùa Bà). Ðây là con sông dài, ngoằn ngoèo, có nhiều chi lưu, qua nhiều địa phương và một mạch chảy ra biển Ðông.

Xung kích, tình nguyện giúp dân xoá nhà tạm

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Cái Nước có tổng số 363 hộ gia đình được thụ hưởng nhà ở theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát (Chương trình), trong đó có 275 căn xây mới và số còn lại hỗ trợ sửa chữa. Ðoàn bộ và tuổi trẻ huyện đã tích cực góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng có nơi ăn chốn ở ổn định, an tâm lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

“Bữa sáng 0 đồng” ấm tình giáo xứ

Người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tắc Vân (TP Cà Mau) như được tiếp sức cho một ngày làm việc cực nhọc với bữa ăn sáng ngon miệng do Giáo xứ Tắc Vân phục vụ.

Nuôi dưỡng tình yêu tri thức qua trang sách

Nhằm khơi dậy niềm say mê đọc sách và tạo điều kiện để học sinh tiểu học được tiếp cận tri thức từ sớm, ngành giáo dục huyện Cái Nước đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hoá thư viện học đường. Những tủ sách thân thiện, với số lượng đầu sách phong phú, sinh động, không chỉ mang lại niềm vui trong học tập mà còn mở ra thế giới tưởng tượng kỳ diệu, nuôi dưỡng tình yêu tri thức trong tâm hồn trẻ nhỏ.

Không để bệnh dại bùng phát diện rộng

Thông tin từ UBND xã Ðất Mới, huyện Năm Căn, vào ngày 7/4, trên địa bàn ấp Ông Chừng xảy ra trường hợp bị chó cắn và cho kết quả dương tính với bệnh dại. Hiện nay, ngành chức năng huyện tập trung triển khai thực hiện các bước phòng, chống dịch theo quy định, không để bệnh dại bùng phát trên diện rộng.

Thành phố Cà Mau hoàn thành xoá nhà tạm

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động là chủ trương lớn, nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện phong trào thi đua, cùng với các địa phương trong tỉnh, TP Cà Mau xác định quyết tâm cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ những người còn khó khăn về nhà ở.