(CMO) Đó là kỳ vọng của Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trần Hiếu Hùng trong phần thảo luận tại kỳ họp HĐND lần thứ 15 diễn ra sáng 9/12.
Động lực để phát triển
Ông Trần Hiếu Hùng thông tin, tính đến ngày 1/12, Cà Mau đón hơn 1.126.000 lượt khách, chỉ đạt hơn 71% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm mạnh, chỉ đạt hơn 17% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch chỉ đạt gần 1.800 tỷ đồng, giảm 13-15% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với bình quân chung các địa phương ĐBSCL với lượng khách giảm hơn 30%, doanh thu cũng giảm hơn 40%, có những tỉnh giảm đến 50-60% thì Cà Mau đã minh chứng được sự nỗ lực vực dậy ngành du lịch và bước chuyển tích cực mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện nay, Cà Mau có 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; 83 cơ sở lưu trú du lịch với 2.656 phòng; 19 khu, điểm du lịch.
Trải nghiệm xuyên rừng, vượt biển đang là tour “hot” của du lịch Mũi Cà Mau. |
Du lịch Cà Mau xác định có 3 tuyến du lịch chính gồm: Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - hòn Đá Bạc; Cà Mau - Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm; Cà Mau - Khu Du lịch Mũi Cà Mau. Riêng tuyến du lịch Cà Mau - Khu Du lịch Mũi Cà Mau được xác định là tuyến trọng điểm của tỉnh, hiện nay đã và đang khai thác phát triển các tuyến du lịch tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (tuyến nội bộ) nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù, từng bước phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau có sức cạnh tranh so với khu vực và cả nước.
Theo ông Trần Hiếu Hùng, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Cà Mau đã lập “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tại, Cà Mau đang tiếp tục lập quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau để kêu gọi đầu tư theo quy định. Trên cơ sở đó, tỉnh thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Công viên Văn hoá du lịch Mũi Cà Mau để triển khai một số hạng mục quan trọng, mang tính chiến lược, tạo điểm nhấn cho du lịch Cà Mau phù hợp là khu du lịch quốc gia trong tương lai.
Bên cạnh đó, Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Minh Hạ, một số quy hoạch khác như: quy hoạch cụm đảo Hòn Khoai, quy hoạch điểm du lịch sinh thái đầm Thị Tường, hòn Đá Bạc… đang triển khai thực hiện.
Song song đó, xác định sản phẩm thế mạnh tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển, đảo..., gắn phát triển du lịch nông thôn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhiều năm gần đây, Cà Mau đầu tư nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu. Đặc biệt là tập trung phát triển Khu Du lịch Mũi Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực, cả nước và quốc tế, hướng đến hoàn thành mục tiêu năm 2025 đủ tiêu chí là khu du lịch quốc gia theo quy hoạch được phê duyệt.
Ông Trần Hiếu Hùng cho rằng, chính từ những nỗ lực hình thành “khung” phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, sự chung tay khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, hộ dân tham gia kinh doanh dịch vụ, du lịch Cà Mau sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện. “An toàn không chỉ là an toàn về dịch Covid-19, mà còn là an toàn về trật tự, xã hội, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn tâm lý để du khách khi đến với Cà Mau là sự trải nghiệm thân thiện, hiếu khách, hào sảng”, ông Hiếu Hùng khẳng định.
Tăng cường liên kết, hợp tác
Để tạo nên bức tranh du lịch đa sắc, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành tập trung xây dựng điểm đến liên kết các tỉnh, thành, đặc biệt là 2 điểm lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, gần đây còn có thêm Cần Thơ.
Hiện Cà Mau đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trap (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua việc đã ký kết bảng ghi nhớ hợp tác: quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch… nhằm mở rộng thị trường du lịch quốc tế trong công tác phát triển du lịch.
Trên cơ sở Chương trình hợp tác phát triển du lịch, thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã liên kết, hợp tác, trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn giữa các địa phương. Quá trình trao đổi thông tin về tình hình thị trường, phát triển sản phẩm, phối hợp trong công tác xúc tiến du lịch như: Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội, VITM Cần Thơ, ITE hàng năm; ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh; tham gia chương trình kích cầu du lịch tại Kiên Giang; tham gia ngày hội kích cầu du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành ĐBSCL tại Cần Thơ… Ngoài ra, còn tham gia hội nghị liên kết phát triển du lịch của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch giữa Hà Nội với các tỉnh, thành tại Hà Nội; đồng thời, tổ chức buổi gặp gỡ trao đổi với Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch Hà Nội, CLB UNESCO Hà Nội nhằm thống nhất những nội dung hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút khách du lịch vào cuối năm 2020 và năm 2021 giữa 2 địa phương.
“Việc xác định sản phẩm du lịch chủ lực đã được đưa vào xây dựng tuyến du lịch trọng điểm của các địa phương trong chương trình liên kết, nhằm giới thiệu kết nối, tổ chức khai thác sản phẩm gắn với đặc trưng của địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm liên tỉnh, liên vùng. Qua đó, định hướng cho doanh nghiệp du lịch của các địa phương kết nối hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm du lịch”, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết thêm.
Riêng đối với phát triển nguồn nhân lực du lịch, Cà Mau tích cực hỗ trợ thông báo chiêu sinh đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho các đơn vị kinh doanh du lịch có nhu cầu, cử lao động tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng tổ chức tại các địa phương trong cụm liên kết.
Thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ chủ động kết nối với các tỉnh, thành trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành giữa các tỉnh kết nối hợp tác khai thác chương trình du lịch 2 chiều cho khách đi và đến bằng đường hàng không (Cà Mau - TP Hồ Chí Minh - Hà Nội), đường biển (Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc).
Đặc biệt, sẽ tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch theo chủ đề “Cà Mau - điểm đến năm 2021”, với các nội dung: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; “Hương rừng U Minh” gắn với các hoạt động đời thường của người dân làm nghề rừng; Lễ hội Đền Hùng gắn với văn hoá tâm linh vùng sông nước; ngày hội cua Năm Căn giới thiệu các món ẩm thực được chế biến từ đặc sản Cà Mau; phối hợp với một số địa phương tổ chức Lễ thượng cờ với chủ đề “Thống nhất non sông” và các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch tại Mũi Cà Mau. Các sự kiện này sẽ được công bố chi tiết trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Sở VH-TT&DL, ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động để du khách và Nhân dân được biết, tham gia. Đồng thời, phối hợp tổ chức giới thiệu điểm đến du lịch Cà Mau với các tỉnh tại các thị trường trọng điểm du lịch (Hà Nội, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh...) theo Chương trình liên kết hợp tác nhằm tăng cường kết nối các doanh nghiệp lữ hành tại các thị trường trọng điểm với Cà Mau.
Giám đốc Sở VH-TT&DL tin tưởng rằng, nếu không có biến động về dịch Covid-19, bức tranh du lịch năm 2021 và những năm tiếp theo của Cà Mau sẽ bừng sáng với đa sắc màu, hướng đến mục tiêu đón 1.860.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng./.
Phong Phú - Băng Thanh