(CMO) Những năm qua, bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và chăm lo đời sống đồng bào, Ðảng và Nhà nước ta còn có chính sách ưu đãi về trợ giúp pháp lý (TGPL) cho đồng bào DTTS cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo quyết định của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, giai đoạn 2021-2025 tỉnh Cà Mau có 43 ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS. Trong đó, huyện Ðầm Dơi có 10 ấp, huyện U Minh và Thới Bình cùng có 7 ấp, huyện Trần Văn Thời có 12 ấp, huyện Phú Tân có 4 ấp và huyện Năm Căn có 2 ấp. Cũng trong giai đoạn này, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, Cà Mau có 1 phường thuộc khu vực I và 5 xã thuộc khu vực III vùng đồng bào DTTS. Ðây là cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có việc TGPL cho đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn.
Ðời sống đồng bào dân tộc nói chung và ở Ấp 7, xã Tân Lộc nói riêng được nâng lên, nhất là về kinh tế. Tuy nhiên, cần tiếp tục trang bị kiến thức pháp luật, trong đó có chính sách về trợ giúp pháp lý để đồng bào chủ động liên hệ, phối hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình trước pháp luật. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Ðồng bào dân tộc tại Cà Mau chủ yếu là người Khmer, sinh sống rải rác, trong đó tập trung nhiều ở các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Ðầm Dơi. Cuộc sống đồng bào hiện dù đã nâng cao về mọi mặt nhờ sự chăm lo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, cần tiếp tục hỗ trợ, nhất là trong trang bị kiến thức pháp luật, TGPL.
Có mặt tại Ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, mới thấy hết những thực tế trên. Ông Hữu Khánh, Trưởng Ấp 7, cho rằng, hạn chế về ngôn ngữ của đồng bào đã ảnh hưởng đến sự tiếp cận, hiểu biết về quy định pháp luật, đặc biệt trong tiếp cận chính sách về TGPL. Khi xảy ra sự việc mang yếu tố pháp lý, chính sự e dè, ngại giao tiếp mà thường người đồng bào dân tộc ít khi tìm hiểu, để có được sự hỗ trợ về mặt pháp lý.
Ông Ngô Ðức Bính, Phó giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh, cho biết, chính nhận thức của đồng bào dân tộc còn hạn chế nhất định, chưa hiểu được những chính sách từ TGPL mang lại, dẫn đến nhiều vụ việc họ tự thoả thuận hay bào chữa, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp. Ông Bính cũng thừa nhận, thời gian qua công tác tuyên truyền về chính sách này đến đối tượng thụ hưởng chưa mang lại hiệu quả, chủ yếu đến từ sự chủ động của người TGPL đối với người được TGPL khi phát hiện vụ việc cần được trợ giúp và cần có kỹ năng riêng trong tiếp cận đối tượng.
Từ thực tế của tình hình chung trên, bà Mai Tú Nhi, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lộc, mong muốn bên cạnh tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong trang bị kiến thức pháp luật thông qua hình thức truyền thông, cần nâng cao nhận thức của người dân về chính sách TGPL để họ hiểu được tính nhân văn của chính sách, chủ động liên hệ với các tư vấn viên trong TGPL khi có nhu cầu nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Về phía địa phương, bà Nhi cho biết sẽ tiếp tục củng cố lại ban chỉ đạo cấp xã, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền miệng xuống tận các ấp, đặc biệt ở Ấp 7 là vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn, nhằm nâng cao kiến thức tiếp cận pháp luật, trong đó có chính sách về TGPL.
Được hỗ trợ nhà và đất ở, bà Hữu Thị Mỹ Lệ (bìa phải), Ấp 7, xã Tân Lộc tích luỹ, mở cơ sở buôn bán nhỏ chăm lo cho gia đình có cuộc sống ngày thêm tiến bộ, nâng cao hiểu biết về pháp luật. Ảnh: Hoàng Vũ
Về kết quả TGPL, ông Ngô Ðức Bính cho biết, trong những tháng đầu năm nay, công tác này tại vùng đồng bào dân tộc ở những địa bàn đặc biệt khó khăn tiếp tục được quan tâm, đã thực hiện được 66 vụ việc, chủ yếu là những vụ việc mang tính dân sự, liên quan trên lĩnh vực tranh chấp đất đai, thoả thuận trong vay mượn tiền… Trong đó có 26 vụ việc công tác TGPL trực tiếp tham gia tố tụng, chủ yếu là luật sư tham gia trợ giúp các đối tượng trong quá trình xét xử của toà án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đúng theo quy định.
Trợ giúp pháp lý được xem là chính sách “giảm nghèo về pháp luật” trong tổng thể các chính sách về giảm nghèo của Ðảng và Nhà nước đã được thực thi. Ðể chính sách về TGPL đi vào cuộc sống, đặc biệt là với các đối tượng được thụ hưởng theo quy định khi có nhu cầu, cần có nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ðề cập nhiều giải pháp, ông Ngô Ðức Bính cho biết, trước nhất là phải nâng cao công tác tuyên truyền bằng những trường hợp cụ thể thông qua TGPL mang lại, cần khẳng định đây là chủ trương mang tính nhân văn, trợ giúp miễn phí, để họ thấy được quyền lợi mà chủ động, tích cực hợp tác, phối hợp. Cùng với đó, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn của các trợ giúp pháp lý viên, nhất là về khả năng giao tiếp, hiểu về nét văn hoá của đồng bào...
Theo quy định của Luật TGPL 2017, để được hưởng chính sách TGPL, người DTTS phải cư trú tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, người DTTS thuộc một trong các diện sau đây cũng được TGPL mà không phụ thuộc vào nơi cư trú: người DTTS là người có công với cách mạng, người DTTS là người thuộc hộ nghèo, người DTTS là trẻ em, người DTTS là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người DTTS là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. Người DTTS là người thuộc 1 trong 8 diện người thuộc nhóm có khó khăn về tài chính: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.
Trần Nguyên